Cầu Long Biên – mãi lưu dấu lịch sử cùng thời gian

Với bạn, cây cầu nào gây ấn tượng khi đến Hà Nội? Với tôi và những người đã từng sinh sống tại đây, cầu Long Biên như một người bạn tri kỷ bởi mang vẻ đẹp cổ kính và gắn liền với bao thăng trầm lịch sử của mảnh đất Hà thành.

Hà Nội trong tôi:

Bình minh trên cầu Long Biên. Ảnh: Đỗ Văn Mạnh

Bình minh trên cầu Long Biên. Ảnh: Đỗ Văn Mạnh

Cầu Long Biên được chính quyền Pháp khởi công xây dựng ngày 12/9/1898. Sau hơn 3 năm, cầu được khánh thành năm 1902 và được đặt theo tên của toàn quyền Đông Dương là ông Paul Doumer. Năm 1945, ông Trần Văn Lai - Thị trưởng TP Hà Nội đặt lại tên cho cây cầu là Long Biên.

Cây cầu Long Biên ghi dấu ấn đặc biệt về kiến trúc bởi kết cấu xếp tầng tựa như dáng rồng uốn lượn mềm mại nhưng vẫn mạnh mẽ, khỏe khoắn. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, bao gồm 19 nhịp dầm thép và 20 trụ cao. Toàn bộ thân cầu được làm bằng thép chất lượng cao với kỹ thuật thi công cao, đảm bảo cả tính thẩm mỹ và an toàn. Vào thời điểm khánh thành, cầu Long Biên được đánh giá là cây cầu dài thứ hai thế giới, chỉ sau cầu Brooklyn tại Mỹ.

Cầu Long Biên nối hai bờ của con sông Hồng, tạo nên sự thông thương thuận lợi cho người dân. Sự hữu dụng của cầu được thể hiện bởi chia làm 3 làn đường chính, hai bên là làn đường dành cho ô tô, xe máy, ở giữa là đường sắt đơn, luồng xe thô sơ và người đi bộ ở phía ngoài cùng. Mỗi sáng, trong làn sương sớm, những người dân ngoại thành Hà Nội thường chở nông sản vào thành phố qua cây cầu này.

Tôi có nhân duyên được quen biết một số người bạn yêu nhiếp ảnh. Với họ, cầu Long Biên luôn gợi nhiều cảm hứng sáng tác. Dường như, cây cầu mang vẻ đẹp cổ kính có sức hút đặc biệt suốt bốn mùa. Mỗi thời khắc đều mang tới nguồn cảm xúc cho các nhiếp ảnh gia. Dù đón ánh bình minh hay khoảnh khắc hoàng hôn buông, dù ngày nắng hay ngày mưa... tất cả đều được những người yêu nhiếp ảnh thể hiện qua từng góc máy mang tính nghệ thuật.

Cầu Long Biên không chỉ lưu dấu trong lòng người dân nơi đây và du khách bởi vẻ đẹp trầm mặc cổ kính mà còn bởi gắn với bề dày lịch sử của mảnh đất Hà thành. Trong chiến tranh chống Pháp, cầu Long Biên là chứng nhân sống động về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của người dân Thủ đô.

Tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy, Thành ủy, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội quyết định tổ chức cho Trung đoàn Thủ đô rời Liên khu 1 ra hậu phương để bảo toàn lực lượng và tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến. Cầu Long Biên đã được chứng kiến cuộc rút lui thần kỳ của quân đội ta. Các chiến sĩ trước khi rời đi đã kẻ lên tường trên từng dãy phố những hàng chữ: “Tạm biệt Hà Nội nhé! Hẹn ngày trở về”, “Thủ đô Hà Nội mãi mãi là của dân tộc Việt Nam”...

Với sự chung sức đồng lòng, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu khiến thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền của ba nước Đông dương và chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Ngày 8/10/1954, quân Pháp làm lễ hạ cờ và bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Đúng 16g ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua phía Đông của cầu Long Biên, quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu mới hiện đại, to đẹp. Nhưng, hình ảnh cầu Long Biên mãi ghi dấu trong trái tim người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bởi kiến trúc độc đáo và gắn với bề dày lịch sử hào hùng cùng ký ức thân thương.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cau-long-bien-mai-luu-dau-lich-su-cung-thoi-gian-384318.html