Cầu lông Hà Nội: Ưu tiên đào tạo vận động viên trẻ
Những năm gần đây, Đội tuyển cầu lông Hà Nội đã gặt hái không ít thành công tại các đấu trường trong nước và quốc tế. Song, để phát triển bền vững cũng như chinh phục được những mục tiêu cao hơn, công tác đào tạo vận động viên trẻ của bộ môn này cần được ưu tiên, tiếp sức từ nhiều nguồn để đáp ứng kỳ vọng.
Cặp vận động viên Đỗ Tuấn Đức, Phạm Như Thảo (Đội tuyển cầu lông Hà Nội) luôn giữ được ngôi đầu toàn quốc nhờ được ngành Thể thao Hà Nội đầu tư. Ảnh: Hoàng Việt
Gian nan công tác tạo nguồn
Trong vòng 2 tháng qua, hai giải đấu lớn của cầu lông Việt Nam - Giải vô địch Cầu lông cá nhân toàn quốc 2020 (tháng 10-2020) tại tỉnh Bắc Giang và Giải Cầu lông các cây vợt xuất sắc toàn quốc 2020 (tháng 12-2020) tại Quảng Nam, đã được tổ chức. Đây được coi là những cuộc rà soát, giúp các nhà chuyên môn tuyển chọn lực lượng, chuẩn bị cho SEA Games 31-2021.
Tại 2 giải đấu này, Đội tuyển cầu lông Hà Nội đã giành Huy chương vàng ở các nội dung đôi nam, đôi nam - nữ của các tay vợt: Đỗ Tuấn Đức, Phạm Hồng Nam, Phạm Như Thảo. Huấn luyện viên Đội tuyển cầu lông Hà Nội Trần Đức Dương cho biết, Hà Nội hiện đang sở hữu những vận động viên mạnh, đều là hạt giống số 1 của Việt Nam. Vì vậy, không bất ngờ khi Hà Nội luôn “thống lĩnh” giải vàng nội dung đôi nam, đôi nam - nữ ở các giải đấu quốc gia.
Theo Chủ nhiệm Bộ môn Cầu lông, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Dương Thị Liên, Hà Nội là một trong số ít địa phương trên cả nước đầu tư đồng bộ cả cơ sở vật chất lẫn chuyên môn cho cầu lông. Hiện tại, Đội tuyển Hà Nội có gần 50 vận động viên ở cả ba tuyến (14-25 tuổi), được huấn luyện bài bản, có sàn tập riêng đạt chuẩn. Tuy nhiên, thời gian qua, Hà Nội vẫn chưa có những gương mặt mới có thể thay thế những tên tuổi quen thuộc từng mang về nhiều huy chương vàng cho cầu lông Hà Nội.
Khó khăn nhất trong công tác đào tạo trẻ của cầu lông Hà Nội hiện nay là số lượng các vận động viên theo đuổi môn thể thao này ngày càng ít. "Mỗi năm Đội tuyển cầu lông Hà Nội chỉ tuyển được khoảng 15 em vào lớp năng khiếu, sau đó chọn một số lên đội dự tuyển, đào tạo khoảng 5-6 năm mới được một vận động viên đủ trình độ đi thi đấu quốc tế. Tuy nhiên, số vận động viên quyết tâm theo đuổi con đường tập luyện và thi đấu đỉnh cao còn lại rất ít, khiến diện tuyển chọn vận động viên đủ trình độ thi đấu cho đội tuyển quốc gia bị hạn chế", bà Dương Thị Liên cho biết thêm.
Đầu tư bài bản để phát triển đường dài
Theo Phụ trách bộ môn Cầu lông (Tổng cục Thể dục Thể thao), Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà, để phát triển bền vững, hướng đến thành tích cao tại các đấu trường lớn như SEA Games 31-2021, hay xa hơn là ASIAD 2022, cầu lông Hà Nội cần đầu tư bài bản hơn để phát triển đường dài, trong đó phải tập trung ưu tiên công tác đào tạo trẻ, tạo nguồn vận động viên kế cận.
Về vấn đề này, bà Dương Thị Liên cho biết, nếu các vận động viên trẻ duy trì tập luyện, không chuyển ngang, thì việc họ giành Huy chương vàng ở các giải đấu quốc nội là rất khả thi, nhất là trong bối cảnh tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh hiếm khi tham dự giải quốc nội để dồn sức cho các đấu trường quốc tế, nhằm tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới. “Để thành danh trong thể thao đỉnh cao, khó nhất là nỗ lực vượt lên chính mình và không bị phân tâm quá nhiều đến những chuyện ngoài chuyên môn. Hà Nội đang sở hữu những nhân tài có đủ tiềm năng chinh phục đỉnh cao quốc gia và quốc tế, do đó cần đầu tư trọng điểm, mũi nhọn mới mong đáp ứng được mục tiêu đã đặt ra trong thời gian tới”, bà Dương Thị Liên nhấn mạnh.
Trong khi đó, vận động viên Đội tuyển cầu lông Hà Nội Đỗ Tuấn Đức - hạt giống số 1 của cầu lông Hà Nội chia sẻ: “Mục tiêu tôi đặt ra cho mình là giành huy chương tại SEA Games 31-2021, nên mong muốn được Ban huấn luyện tạo điều kiện cho đi tập huấn, thi đấu cọ xát ở nước ngoài để nâng cao thành tích, chất lượng chuyên môn”.
Liên quan đến vấn đề này, Phụ trách bộ môn Cầu lông, Tổng cục Thể dục Thể thao, Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà cho rằng, Bộ môn Cầu lông của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội cần chủ động trong việc kêu gọi xã hội hóa, phát triển sâu rộng phong trào, tổ chức nhiều giải đấu cấp câu lạc bộ, các giải lứa tuổi trẻ để các huấn luyện viên phát hiện tài năng. Sau khi được vào các tuyến năng khiếu, dự tuyển, thì vận động viên cần được đãi ngộ cao, khích lệ tinh thần thi đấu; qua đó, làm phong phú hơn nguồn lực cho sự phát triển lâu dài của cầu lông Hà Nội cũng như của đội tuyển cầu lông Việt Nam.
Tin tưởng rằng, với quan điểm đầu tư bài bản, cầu lông Hà Nội sẽ phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng trong thời gian tới.