Cầu Mã Đà nối Đồng Nai - Bình Phước sẽ khởi công tháng 6/2025

Trước yêu cầu cấp thiết về giao thông và bố trí cán bộ sau khi sáp nhập tỉnh Bình Phước vào Đồng Nai, chính quyền Đồng Nai đang khẩn trương xúc tiến dự án xây dựng cầu Mã Đà tuyến huyết mạch kết nối hai địa phương, đồng thời cân đối hài hòa giữa phát triển hạ tầng và bảo vệ môi trường rừng đặc dụng.

Hạ tầng đi trước, đón đầu tái cơ cấu hành chính

Cuối tháng 4/2025, HĐND tỉnh Bình Phước và HĐND tỉnh Đồng Nai đã cùng thông qua nghị quyết thống nhất đề án sáp nhập hai tỉnh, lấy tên đơn vị hành chính mới là tỉnh Đồng Nai. Trung tâm chính trị, hành chính đặt tại thành phố Biên Hòa. Với diện tích hơn 12.700 km² và dân số hơn 4,2 triệu người, đây sẽ là một trong những địa phương có quy mô lớn nhất cả nước.

Ước tính sẽ có khoảng 1.600 công chức thường xuyên di chuyển đường từ Bình Phước vòng qua cầu Hóa An về Đồng Nai làm việc.

Ước tính sẽ có khoảng 1.600 công chức thường xuyên di chuyển đường từ Bình Phước vòng qua cầu Hóa An về Đồng Nai làm việc.

Tuy nhiên, quá trình hợp nhất bộ máy cũng đồng nghĩa với áp lực lớn về kết nối hạ tầng, nhất là khi cán bộ, công chức từ Bình Phước chuyển về Đồng Nai làm việc. Ước tính sẽ có khoảng 1.600 người di chuyển thường xuyên qua lại. Trước yêu cầu thực tế đó, tuyến giao thông trực tiếp giữa hai tỉnh trở thành yêu cầu cấp thiết.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 3855/VPCP - CN gửi các bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính; UBND các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật và rà soát đầy đủ tác động môi trường, sinh thái, di sản, điều ước quốc tế liên quan.

Trong lịch sử, cầu Mã Đà từng là tuyến kết nối ĐT753 (tỉnh Bình Phước) và ĐT761 (tỉnh Đồng Nai), đóng vai trò quan trọng trong giao thương giữa hai khu vực. Tuy nhiên, cây cầu đã bị đánh sập trong chiến tranh và đến nay vẫn chưa được phục hồi. Gần như suốt nửa thế kỷ, người dân hai tỉnh phải sử dụng các cung đường vòng vèo qua Bình Dương, Lâm Đồng, hoặc băng rừng vượt suối để qua lại, mất nhiều thời gian và tiềm ẩn nguy hiểm.

Dự án cầu Mã Đà mới do tỉnh Đồng Nai đầu tư với tổng kinh phí hơn 230 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách tỉnh. Theo kế hoạch, công trình sẽ khởi công vào tháng 6/2025 và hoàn thành trong vòng 6 tháng, đưa vào sử dụng cuối năm nay. Đây là nỗ lực lớn nhằm đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ nhu cầu đi lại của cán bộ, người dân sau sáp nhập.

Cầu Mã Đà từng là tuyến kết nối ĐT753 (tỉnh Bình Phước) và ĐT761 (tỉnh Đồng Nai), đóng vai trò quan trọng trong giao thương giữa hai khu vực.

Cầu Mã Đà từng là tuyến kết nối ĐT753 (tỉnh Bình Phước) và ĐT761 (tỉnh Đồng Nai), đóng vai trò quan trọng trong giao thương giữa hai khu vực.

Không chỉ dừng lại ở cầu Mã Đà, hai địa phương còn phối hợp quy hoạch tuyến đường huyết mạch dài 76km, bắt đầu từ TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), đi theo ĐT753, vượt cầu Mã Đà, xuyên qua Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đến đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua TP Biên Hòa.

Tuyến đường này được đánh giá là ngắn nhất, thuận tiện nhất, trực tiếp kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, từ Bình Phước - Đồng Nai - Long Thành - Cái Mép - Thị Vải. Đây sẽ là tuyến vận tải trọng điểm, giúp rút ngắn quãng đường đi sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển quốc tế phía Nam.

Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.800 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe. Bình Phước cũng đang nâng cấp tuyến ĐT753 từ TP Đồng Xoài về suối Mã Đà để kết nối đồng bộ với tuyến đường mới. Đồng Nai sẽ đảm nhận phần tuyến qua rừng, trong đó có đoạn đi xuyên lõi rừng đặc dụng khoảng 30km.

Dự kiến tuyến đường xuyên qua Khu Bảo tồn sẽ chiếm khoảng 44ha đất rừng, chủ yếu là rừng giàu giá trị sinh học. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xâm hại môi trường sống của các loài động vật quý hiếm, đặc biệt là voi rừng, bò tót, chà vá chân đen...

Lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị cần có phương án thi công hạn chế tối đa tác động đến hệ sinh thái. Một trong những giải pháp được nhắc đến là làm đường trên cao (dạng cầu cạn) ở khu vực lõi rừng để giảm xung đột sinh thái, đồng thời tạo điểm nhấn du lịch sinh thái đặc trưng cho Đồng Nai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế phải song hành với bảo vệ rừng. Đường giao thông là cần thiết, nhưng làm sao để rừng không bị tổn hại. Nếu cần, nên đầu tư cao hơn để bảo tồn thiên nhiên và tạo ra giá trị bền vững”.

Chủ động bố trí nơi ở và làm việc cho cán bộ

Hiện nay, dù giáp ranh trên hơn 160km đường biên, nhưng giữa Đồng Nai và Bình Phước gần như không có tuyến giao thông chính thức nào kết nối. Người dân vẫn phải mượn đường qua tỉnh khác, đi vòng, mất nhiều thời gian.

Chuyến đi từ Bình Phước về Biên Hòa thường mất từ 4 - 6 tiếng qua quốc lộ 13, Bình Dương, cầu Hóa An. Một số tuyến khác như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Đồng Khởi - ĐT768, hay sử dụng phà Bà Miêu, cầu Thủ Biên… đều vòng vèo, không hiệu quả.

Ngay cả dân địa phương như người Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú… muốn sang Bình Phước vẫn phải băng rừng, vượt suối, hoặc đi nhờ đường Lâm Đồng. Nhiều nhà xe đã mở tuyến nhưng phương tiện chủ yếu là loại nhỏ, thời gian di chuyển vẫn kéo dài 5 - 6 tiếng. Hoàn toàn chưa có xe buýt hay kết nối công cộng chính thức.

Hiện tại Đồng Nai đã lên kế hoạch sơ bộ phân bổ nhà chung cư, nhà ở xã hội hay các trụ sở, nhà khách để đáp ứng nhu cầu sáp nhập.

Hiện tại Đồng Nai đã lên kế hoạch sơ bộ phân bổ nhà chung cư, nhà ở xã hội hay các trụ sở, nhà khách để đáp ứng nhu cầu sáp nhập.

Vì vậy, việc tái lập tuyến ĐT753 - cầu Mã Đà - ĐT761 được coi là “mạch máu sống” để giải tỏa điểm nghẽn giao thông giữa hai tỉnh, đồng thời đáp ứng các yêu cầu di chuyển cấp bách sau khi hợp nhất hành chính.

Song hành với giao thông, tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch kỹ lưỡng về nơi làm việc, nơi ăn ở cho hàng ngàn cán bộ, công chức từ Bình Phước chuyển về sau sáp nhập.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng và Sở Nội vụ, hiện Đồng Nai đã chuẩn bị hàng loạt nhà khách, khu tập thể công vụ, nhà ở xã hội có thể sẵn sàng đưa vào sử dụng ngay. Trong đó, đáng chú ý có dự án nhà ở xã hội Long Bình Tân (1.100 căn), NXH2 Phước Tân (1.200 căn), khu nhà khách 71, trung tâm GDTX cũ, chung cư phường Quang Vinh...

Ngoài ra, hơn 150 căn hộ/phòng ở khác từ các trụ sở thu hồi, nhà khách cũ cũng được bố trí lại để phục vụ nơi ở cho cán bộ. Đặc biệt, có 5 trụ sở dự kiến cải tạo thành nhà công vụ, 6 trụ sở duy tu làm nơi làm việc, 7 trụ sở khác sẽ được tinh gọn để sắp xếp lại bộ máy hành chính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho biết: “Đồng Nai xác định việc bố trí ổn định nơi ở, nơi làm việc cho cán bộ sau sáp nhập là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã chuẩn bị trước để đảm bảo mọi người có thể vào làm việc và sinh sống ngay, không để bị động hay lãng phí thời gian, nguồn lực”.

Tạo đòn bẩy phát triển liên kết vùng và kinh tế vùng

Việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại trước mắt mà còn mở ra tiềm năng liên kết vùng mạnh mẽ. TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định, sự kết hợp giữa thế mạnh công nghiệp, dịch vụ của Đồng Nai và quỹ đất rộng, địa hình cao ráo của Bình Phước sẽ tạo nên những tổ hợp phát triển bền vững.

“Đây là cơ hội để Đồng Nai dịch chuyển dần các khu công nghiệp ra khỏi trung tâm Biên Hòa, tái cơ cấu đô thị, giảm áp lực dân số, đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất lớn ở Bình Phước để phát triển các đô thị công nghiệp liên hợp, nhà ở giá rẻ cho lực lượng lao động mới”, ông Sơn nói.

Theo các chuyên gia giao thông, tuyến đường này sẽ giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên và Bình Phước xuống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành hai đầu mối giao thương quan trọng trong chiến lược quốc gia.

Việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường chiến lược từ Bình Phước về Đồng Nai không chỉ mang tính giải pháp giao thông mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong quá trình tái cơ cấu hành chính, quy hoạch vùng và phát triển bền vững.

Tuy vậy, để triển khai hiệu quả, các cơ quan chức năng cần đồng bộ trong nghiên cứu, thiết kế, thi công và đánh giá tác động môi trường, đảm bảo cân bằng giữa phát triển và gìn giữ thiên nhiên. Một Đồng Nai mở rộng sau sáp nhập sẽ rất khó phát triển nếu thiếu đi “xương sống” hạ tầng để gắn kết và phát triển lâu dài.

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cau-ma-da-noi-dong-nai-binh-phuoc-se-khoi-cong-thang-62025-post547751.html