Câu nói đùa về gạo khiến bộ trưởng Nhật Bản phải từ chức
Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản thông báo từ chức để chịu trách nhiệm cho phát biểu về gạo hồi đầu tuần khiến công chúng bất bình.
Khi Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản tuyên bố ông chưa bao giờ phải mua gạo vì được những người ủng hộ tặng “rất nhiều” gạo làm quà, ông hy vọng sẽ khiến mọi người bật cười.
Thế nhưng, thay vào đó, ông Taku Eto lại vấp phải làn sóng phẫn nộ. Và sự phẫn nộ đó đủ lớn để buộc ông phải từ chức.
Nhật Bản đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Một trong những mặt hàng chủ lực bị ảnh hưởng nặng nề là gạo. Giá gạo đã tăng hơn gấp đôi trong năm 2024, trong khi các loại gạo nhập khẩu khan hiếm.
Sau vụ việc, ông Eto lên tiếng xin lỗi, nói rằng ông đã “đi quá giới hạn” với phát ngôn của mình hôm 18/5 tại buổi gây quỹ địa phương. "Tôi đã có phát ngôn cực kỳ thiếu phù hợp vào thời điểm người dân đang vật lộn vì giá gạo tăng vọt", ông cho hay.
Ông từ chức sau khi các đảng đối lập đe dọa có động thái bất tín nhiệm đối với ông.

Bình luận của ông Taku Eto gây phẫn nộ. Ảnh: Reuters.
Việc ông bị buộc phải ra đi giáng thêm một đòn vào chính phủ thiểu số của Thủ tướng Shigeru Ishiba, vốn đang phải vật lộn với sự sụt giảm ủng hộ từ công chúng.
Gạo có thể là vấn đề rất nhạy cảm ở Nhật Bản, nơi tình trạng thiếu gạo từng gây ra biến động chính trị trước đây. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi giá gạo tăng có tác động đến mức giảm tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Ishiba.
“Các chính trị gia đâu có đi siêu thị mua đồ ăn như chúng tôi, nên họ không hiểu”, Memori Higuchi (31 tuổi), nói với BBC.
Higuchi đang chăm sóc con gái 7 tháng tuổi. Dinh dưỡng tốt trong quá trình phục hồi sau sinh rất quan trọng với cô, và bé sắp bắt đầu ăn dặm.
“Tôi muốn con được ăn ngon. Nếu giá gạo cứ tiếp tục tăng, có thể vợ chồng tôi sẽ phải giảm khẩu phần gạo của mình”, cô cho hay.

Memori Higuchi cho con ăn. Ảnh: Memori Higuchi.
Tính toán sai lầm
Nhà kinh tế nông nghiệp Kunio Nishikawa của Đại học Ibaraki cho biết đây là vấn đề đơn giản của cung và cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ sự tính toán sai của chính phủ.
Cho đến năm 1995, chính phủ Nhật Bản kiểm soát sản lượng lúa gạo do nông dân sản xuất bằng cách phối hợp chặt chẽ với hợp tác xã nông nghiệp. Luật này bị bãi bỏ năm đó, nhưng Bộ Nông nghiệp vẫn tiếp tục đưa ra các ước tính nhu cầu để nông dân tránh sản xuất dư thừa lúa gạo.
Tuy nhiên, theo giáo sư Nishikawa, năm 2023 và 2024 họ đã ước tính sai. Họ dự báo nhu cầu là 6,8 triệu tấn, trong khi thực tế, con số đó là 7,05 triệu tấn.
Nhu cầu tăng do lượng du khách quốc tế đến Nhật Bản tăng mạnh và thói quen ăn ngoài nhiều hơn sau đại dịch. Tuy vậy, giáo sư Nishikawa cho biết sản lượng thực tế thậm chí còn thấp hơn ước tính: chỉ 6,61 triệu tấn.
“Đúng là nhu cầu gạo tăng đột biến do nhiều yếu tố, bao gồm việc gạo tương đối phải chăng hơn so với các mặt hàng thực phẩm khác và lượng khách quốc tế tăng”, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản nói với BBC.
“Ngoài ra, chất lượng gạo năm nay không tốt do nhiệt độ cao bất thường, cũng khiến sản lượng giảm”.
Trồng lúa không còn lãi
Kosuke Kasahara (59 tuổi), người xuất thân từ gia đình nông dân lâu đời, cho biết những người nông dân trồng lúa không kiếm đủ sống trong nhiều năm.
Ông giải thích chi phí sản xuất khoảng 60 kg gạo là 18.500 yên (tương đương 125,7 USD). Tuy nhiên, năm 2024, hợp tác xã ở vùng Niigata của ông chỉ đề nghị mua với giá 19.000 yên.
“Cách đây 3-4 năm, chính phủ thậm chí còn đưa ra các ưu đãi tài chính cho địa phương đồng ý giảm sản xuất lúa gạo”, ông nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Nông nghiệp xác nhận rằng chính phủ đã trợ cấp tài chính cho những nông dân chọn trồng lúa mì hoặc đậu tương thay vì gạo.
Trong khi đó, nhiều nông dân trẻ chọn trồng các loại gạo khác như gạo làm rượu sake, bánh gạo hoặc làm thức ăn chăn nuôi, vì nhu cầu tiêu thụ gạo tại Nhật Bản đã giảm trước năm 2024.
“Tôi đã quá mệt mỏi với việc phải mặc cả với các nhà bán lẻ và nhà hàng muốn tôi bán gạo giá rẻ trong nhiều năm", Shinya Tabuchi nói.
Nhưng hiện nay mọi thứ đã đảo ngược: Giá 60 kg gạo đang dao động từ 40.000 đến 50.000 yên. Mặc dù điều này là tin không vui đối với người tiêu dùng, điều đó có nghĩa nhiều nông dân đang gặp khó khăn cuối cùng cũng có thể kiếm được tiền.

Những bao gạo được chụp tại cửa hàng bán gạo Mikawaya, ở Tokyo, Nhật Bản vào năm 2021. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, khi công chúng phẫn nộ vì giá tăng đột biến, chính phủ đã quyết định đấu giá gạo dự trữ khẩn cấp vào tháng 3 để cố gắng hạ giá xuống.
Nhiều quốc gia có kho dự trữ chiến lược các mặt hàng thiết yếu như dầu thô hoặc khí đốt tự nhiên để đối phó với tình huống khẩn cấp. Ở châu Á, nhiều chính phủ cũng có kho gạo dự phòng.
Tại Nhật Bản, trong những năm gần đây, kho dự trữ gạo này thường chỉ được dùng khi xảy ra thảm họa thiên nhiên.
“Chính phủ trước đây luôn nói với chúng tôi rằng họ sẽ không dùng lượng gạo dự trữ khẩn cấp để kiểm soát giá, nên chúng tôi cảm thấy bị phản bội”, Tabuchi nói.
Bất chấp quyết định hiếm hoi này của chính phủ Nhật Bản, giá cả vẫn tiếp tục tăng.
Tìm kiếm giải pháp
Giá gạo cũng tăng vọt ở Đông Nam Á, nơi chiếm gần 30% sản lượng gạo toàn cầu. Các yếu tố kinh tế, chính trị và khí hậu đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt trong những năm gần đây.
Tại Nhật, vấn đề nghiêm trọng đến mức nước này đã bắt đầu nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc - lần đầu tiên trong vòng 25 năm - dù người tiêu dùng Nhật vốn chuộng gạo nội địa hơn.
Thủ tướng Ishiba cũng ám chỉ khả năng mở rộng nhập khẩu gạo từ Mỹ, trong bối cảnh chính phủ đang đàm phán thỏa thuận thương mại với Washington.
Nhưng những người tiêu dùng như Higuchi cho biết họ khó có thể mua gạo ngoại.
“Chúng tôi đã nói về việc sản xuất nội địa cho tiêu dùng tại địa phương từ lâu rồi”, cô nói. “Phải có cách nào đó để nông dân Nhật Bản có lãi và người tiêu dùng cảm thấy yên tâm khi có thể mua được sản phẩm do địa phương sản xuất".
Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi giữa những người nông dân.
“Bạn có thể nghe rằng ngành nông nghiệp đang già hóa và co lại, nhưng điều đó không hẳn đúng”, Tabuchi nói, cho rằng ngành này đã được bảo vệ quá mức bởi chính phủ.
“Nhiều nông dân lớn tuổi có lương hưu và tài sản nên có thể bán gạo với giá rẻ. Nhưng thế hệ trẻ thì cần kiếm sống. Thay vì đảm bảo thu nhập cho tất cả nông dân và bóp méo thị trường, chính phủ nên để những người không có lợi nhuận bị đào thải”.
Ông Kasahara thì không đồng ý: “Làm nông ở vùng nông thôn như chúng tôi là một phần của cộng đồng. Nếu để những nông dân đó thất bại, các vùng quê sẽ tiêu điều”.
Ông cho rằng chính phủ nên đặt mức giá thu mua đảm bảo là 32.000-36.000 yên cho mỗi 60 kg gạo - thấp hơn giá hiện tại, nhưng vẫn đủ để nông dân có lời.
Và với những gì vừa xảy ra với ông Taku Eto, đây rõ ràng là chủ đề cực kỳ nhạy cảm với giới chính trị gia.
Nhật Bản dự kiến tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia quan trọng vào mùa hè này, nên việc làm hài lòng cả người tiêu dùng lẫn nông dân là điều quan trọng.