Cầu nối lưu giữ giá trị lịch sử

'Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới; buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị những chiến công vang dội của chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Hớn Quản đã, đang và sẽ luôn giữ vai trò cầu nối lưu giữ và truyền tải giá trị lịch sử này đến thế hệ trẻ trong huyện' - ông Nguyễn Đức Huân, Chủ tịch Hội CCB huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước khẳng định.

Là cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn, đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, vùng chiến lược chuẩn bị cho giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… nên trong kháng chiến cứu nước, Bình Phước là nơi diễn ra các trận chiến vô cùng ác liệt. Trên mảnh đất Bình Phước, mỗi tên làng, tên sóc, núi rừng đều in đậm dấu chân của bộ đội chủ lực quân giải phóng, bộ đội địa phương, du kích, nhân dân và những cuộc chiến mang giá trị lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó, chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (cuộc chiến kéo dài suốt 150 ngày, đêm) trên mảnh đất Hớn Quản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đánh bại âm mưu điều binh chi viện, đập tan ý đồ giải tỏa Đường 13 của Mỹ - ngụy và đánh bại các cuộc tiến công của địch.

Ông kể cháu nghe

Để thế hệ trẻ luôn nêu cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, tôn trọng, nâng niu, gìn giữ và phát huy lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc, quê hương, Hội CCB huyện Hớn Quản xác định, việc giáo dục thế hệ trẻ bằng nhân chứng, di tích lịch sử, địa chỉ thực tế là phương pháp hiệu quả nhất. Và Câu lạc bộ (CLB) “Ông kể cháu nghe” là hoạt động được hội đẩy mạnh thực hiện trong suốt những năm qua.

Thời gian qua, Hội CCB huyện đã củng cố, duy trì và phát huy CLB “Ông kể cháu nghe” của Huyện hội và 13/13 CLB thuộc hội CCB các xã, thị trấn. Thành lập từ năm 2002, trải qua 20 năm hoạt động, CLB “Ông kể cháu nghe” của Hội CCB huyện đang duy trì hoạt động hiệu quả. Hằng năm, CLB phối hợp với tổ chức đoàn, các trường học, những CCB trực tiếp tham gia chiến đấu trên địa bàn huyện và Phòng Chính trị, Sư đoàn 7 tổ chức buổi nói chuyện lịch sử nhân các ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương và tại các buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa.

Ông Nguyễn Đức Huân, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: CLB “Ông kể cháu nghe” thuộc Huyện hội hoạt động có nền nếp, hằng năm đều tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm. Từ đó, công tác giáo dục thế hệ trẻ của hội đạt kết quả khích lệ, trở thành một trong những kênh quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, quân đội, truyền thống quê hương, khơi dậy lòng yêu nước, nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ và niềm tự hào về vùng đất anh hùng Hớn Quản.

Bằng chất liệu thực tế, cách truyền tải sinh động, những câu chuyện kể về lịch sử của các CLB “Ông kể cháu nghe” huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước được các em thanh thiếu nhi tập trung lắng nghe

Bằng chất liệu thực tế, cách truyền tải sinh động, những câu chuyện kể về lịch sử của các CLB “Ông kể cháu nghe” huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước được các em thanh thiếu nhi tập trung lắng nghe

Ông Trần Đức Quang, Chủ nhiệm CLB “Ông kể cháu nghe” của Hội CCB huyện cho hay: Ngoài những thông tin về các sự kiện lịch sử của dân tộc, trong buổi nói chuyện với đoàn viên thanh niên, thiếu nhi, học sinh, chúng tôi luôn chú trọng chia sẻ những sự kiện lịch sử diễn ra trên quê hương Bình Phước, nhất là chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô. Qua đó mong muốn thế hệ trẻ hiểu hơn về trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào với những di tích lịch sử trên địa bàn, để từ đó biết trân trọng, gìn giữ và phát huy.

“Các buổi nói chuyện được chúng tôi tổ chức thường xuyên để gặp gỡ thanh thiếu niên, nhi đồng và học sinh trong huyện. Ngoài lợi thế là những người trực tiếp tham gia cuộc chiến, chúng tôi còn tích cực tìm kiếm, trao đổi tư liệu liên quan với thành viên các CLB khác trong huyện để bổ sung vào kho tàng tư liệu, làm phong phú hơn các buổi nói chuyện truyền thống. Đặc biệt, những sự kiện lịch sử của địa phương như chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô được chúng tôi ưu tiên tuyên truyền trong các buổi nói chuyện. Lần một, các cháu có thể chưa ghi nhớ hết, nhưng qua lần 2, lần 3 thì các cháu đã thấy yêu thích, hiểu hơn và tự hào về truyền thống lịch sử của địa phương. Đây cũng là cách để chúng tôi nâng cao hiệu quả hoạt động CLB trong thời gian qua và để mỗi buổi kể chuyện đạt hiệu quả cao nhất” - ông Trần Đức Quang chia sẻ.

Trong năm học, trường nhiều lần phối hợp tổ chức chương trình “Ông kể cháu nghe”. Em rất thích mỗi khi được nghe các ông kể về những trận đánh năm xưa, nhất là về chiến thắng Tàu Ô. Qua đó, giúp em hiểu thêm lịch sử và tự hào là người con của vùng đất Hớn Quản anh hùng.

Em NGUYỄN CHU VŨ TRÀ MY,
thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản

Phát huy giá trị di tích Tàu Ô

Ngày 29-3-2012, Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Kể từ khi được xây dựng và đi vào hoạt động, di tích là một trong những điểm đến lịch sử, là nơi được các cấp hội trực thuộc Hội CCB huyện Hớn Quản lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện.

Hội xác định, để làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cần vận dụng thật tốt giá trị của các nhân chứng là những người trực tiếp tham gia kháng chiến qua các thời kỳ; phải gắn kết các bài viết, bài nói chuyện, buổi tham quan về nguồn với những di tích, địa danh thực tế ở địa phương như di tích Chốt chặn Tàu Ô. “Việc tổ chức tại di tích thực tế ở địa phương, nhất là Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô làm cho buổi nói chuyện của các thành viên CLB “Ông kể cháu nghe” sinh động, đạt hiệu quả thiết thực hơn; làm cho nhân dân, thế hệ trẻ sẽ mãi ghi nhớ những chiến công oanh liệt và sự hy sinh cao cả của quân, dân trong cuộc kháng chiến cứu nước” - ông Trần Đức Quang chia sẻ.

Chủ tịch Hội CCB huyện Hớn Quản Nguyễn Đức Huân nhấn mạnh: Phát huy hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng, thắp lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử của Bình Phước nói chung và huyện Hớn Quản nói riêng, thời gian tới, Hội CCB huyện tiếp tục phối hợp với Huyện đoàn, Phòng GD&ĐT, Ban liên lạc Sư đoàn 7, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh tham gia chiến dịch tổ chức thêm nhiều hình thức giáo dục truyền thống, hoạt động tại di tích lịch sử, như: lễ kết nạp đoàn viên; lễ báo công; lễ dâng hương, dâng hoa nhân ngày kỷ niệm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, ngày thành lập Sư đoàn 7, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam… Mỗi hoạt động như thế sẽ tiếp tục góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nhất là thế hệ trẻ Hớn Quản hôm nay. Qua đó, bồi đắp thêm lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, làm động lực để tuổi trẻ phấn đấu cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hồng Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136352/cau-noi-luu-giu-gia-tri-lich-su