'Cầu nối' tiếp sức cho hàng Việt vươn ra thị trường toàn cầu

Hiện nay, xu hướng kinh doanh trên thế giới đang biến đổi nhanh chóng, theo đó hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt cũng sẽ phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của các thị trường trên thế giới. Trong bối cảnh đó, cộng động DN Việt Nam mong muốn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy vai trò là 'cầu nối' tư vấn, tiếp sức cho DN Việt Nam trong quá trình vươn ra thị trường toàn cầu.

Hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới. Ảnh minh họa: S.T

Hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới. Ảnh minh họa: S.T

Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Chia sẻ tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với các hiệp hội và DN mới diễn ra, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bên cạnh sứ mệnh chính trị, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong công tác quảng bá về môi trường kinh doanh, tiềm năng và các sản phẩm, dịch vụ thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời là kênh cung cấp thông tin với độ tin cậy cao về thị trường, cũng như văn hóa, tập quán kinh doanh của các nước cho cộng đồng DN.

Đặc biệt, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn là những “cầu nối” kết nối, giới thiệu các đối tác tiềm năng, uy tín của các nước, qua đó giúp DN trong nước mở rộng thị trường, thu hút đầu tư…

“Có thể nói, sự tham gia của các DN Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh sự chủ động nỗ lực của bản thân DN còn có sự hỗ trợ, “mở đường” của ngành ngoại giao, trong đó có các Đại sứ, Tổng Lãnh sự và Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước” - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chia sẻ câu chuyện thực tế từ DN, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, thời gian qua DN đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, Hapro đã từng nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha trong quá trình tổ chức các hội nghị giao thương tại đây. Với uy tín và vị thế, Đại sứ đã giúp DN tiếp cận được nhiều đối tác lớn, từ đó mở rộng thị trường ra các địa bàn tiềm năng. Hay như, Hapro cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) trong việc tiếp cận các DN sở tại. Nhờ đó, sản phẩm gạo mang thương hiệu Hapro đã được xuất hiện trên kệ các siêu thị tại thị trường UAE… Đặc biệt, các Đại sứ cũng hỗ trợ DN liên hệ cơ quan chức năng của nước sở tại giúp xử lý và ngăn chặn những thiệt hại, rủi ro khi bị các đối tượng nước ngoài lừa đảo.

Cũng đánh giá cao những sự hỗ trợ của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam. Dự kiến, năm 2024, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt khoảng 44 tỷ USD. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, xuất khẩu ngành dệt may sẽ đạt khoảng 68 - 70 tỷ USD.

Như vậy, từ chỗ chưa có tên trên bản đồ xuất khẩu dệt may thế giới, đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng vị trí 3 thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh.

“Để có được kết quả trên, bên cạnh cơ hội từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam, sự hỗ trợ của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng một vai trò hết sức quan trọng” - ông Cẩm nói.

Theo Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, 9 tháng năm 2024, có gần 50 hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các nước trên thế giới, trong các hoạt động này, nội dung về kinh tế luôn là trọng tâm.

Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với các hiệp hội và DN do VCCI cùng Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức chiều 12/11, tại Hà Nội. Ảnh: D.T

Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với các hiệp hội và DN do VCCI cùng Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức chiều 12/11, tại Hà Nội. Ảnh: D.T

Doanh nghiệp mong muốn hỗ trợ thông tin về thị trường xuất khẩu

Các hiệp hội, DN đánh giá, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế được phối hợp triển khai hiệu quả giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội ngành hàng, DN trong nước đã giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam lọt top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Phát huy những kết quả đã đạt được, các hiệp hội, DN bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, để hàng hóa, sản phẩm của DN Việt có chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn trên thị trường thế giới.

Theo đó, các DN đề xuất được hỗ trợ các thông tin liên quan đến thị trường, thị hiếu tiêu dùng cũng như các chính sách mới tại thị trường các nước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của DN.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng mong muốn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nghiên cứu về các chính sách phát triển kinh tế của các thị trường, từ đó tư vấn giúp DN dự báo được xu hướng kinh doanh, xác định thị trường ngách ở từng địa bàn…

Liên quan đến những đề xuất trên, từ ngành hàng dệt may, ông Trương Văn Cẩm cho biết, mặc dù ngành dệt may có sự tăng trưởng khá tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên hiện xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số thị trường chính như Hoa Kỳ (chiếm 44% tỷ lệ xuất khẩu); Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản mỗi thị trường chiếm khoảng 11 - 12% tỷ lệ xuất khẩu…

“Mục tiêu của ngành dệt may là muốn đa dạng hóa thị trường, do đó, muốn khai thác được các thị trường mới thì phải hiểu rõ về thị hiếu tiêu dùng, dung lượng thị trường, mặt hàng… Đặc biệt, hiện nay nhiều thị trường lớn trên thế giới đưa ra hàng loạt những yêu cầu mới đối với sản phẩm xuất khẩu theo xu hướng phát triển xanh, bền vững… Chúng tôi rất cần những thông tin về vấn đề này để xuất khẩu thành công” - đại diện VITAS đề xuất.

Chia sẻ thêm, ông Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay, điều kiện, môi trường kinh doanh trên thế giới có nhiều biến động khó nắm bắt; chính sách tại các thị trường cũng thường xuyên có những thay đổi, khó đoán định, khiến DN dễ rơi vào tình huống bị động. Theo đó, thông tin của các nhà ngoại giao rất quan trọng và cần thiết, giúp DN có cơ sở để đánh giá tình hình và đưa ra những giải pháp ứng phó phù hợp.

Ghi nhận những mong muốn của cộng đồng DN, đại diện cho ngành ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế là lấy DN, người dân làm trung tâm phục vụ. Trong các kế hoạch công tác của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì hỗ trợ DN cũng là nhiệm vụ trọng tâm.

“Trên cơ sở các thành tựu về đối ngoại thời gian qua, Bộ Ngoại giao và mạng lưới 93 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác ngoại giao kinh tế, xuyên suốt sẽ là sự song hành, hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam trong quá trình thâm nhập địa bàn các nước, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho hàng hóa, sản phẩm Việt Nam chinh phục các thị trường trên thế giới” - lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/cau-noi-tiep-suc-cho-hang-viet-vuon-ra-thi-truong-toan-cau-36270.html