Cây ăn quả 'bén rễ' trên đất khó Sơn Tân
Sơn Tân là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Cam Lâm, với hơn 90% là hộ ĐBDTTS. Những năm gần đây, nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, xoài... đã “bén rễ” trên vùng đất khó này, giúp kinh tế của người dân địa phương ngày càng khởi sắc.
Chúng tôi đã có nhiều dịp đến xã miền núi Sơn Tân, nơi trước đây có tỷ lệ hộ nghèo thuộc tốp cao nhất huyện Cam Lâm. Thời điểm năm 2015, toàn xã có 258 hộ dân thì 50% là hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo cũng rất cao. Những năm ấy, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây điều, với 60% số hộ dân trong xã trồng điều; số còn lại trồng bắp, mì, chuối… thu nhập thấp và khá bấp bênh.
Bà Cao Thị Yến - ở thôn Suối Cốc kể: “Trước đây, người dân trồng điều bấp bênh lắm, có năm thu nhập từ 1ha điều chưa đến 16 triệu đồng; những gia đình trồng bắp, mì cũng chẳng khá hơn nên đời sống của người dân rất khó khăn, phải nhờ sự trợ giúp rất lớn từ tỉnh, huyện thì mới không thiếu đói”. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, bà Yến và rất nhiều hộ ĐBDTTS khác trong thôn, trong xã hết sức vui mừng khi cơ sở hạ tầng của xã Sơn Tân có sự thay đổi vượt bậc khi điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, diện mạo xã ngày càng khang trang hơn, địa phương đang nỗ lực để đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt nhất là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh nhờ chính quyền địa phương có định hướng đúng và tích cực vận động người dân trong việc chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Xoài, sầu riêng…
Trong số những loại cây trồng được người dân xã Sơn Tân kỳ vọng sẽ làm “thay da, đổi thịt” vùng đất này đó chính là cây sầu riêng. Bà Đặng Thị Năm ở thôn Va Ly là hộ dân tiên phong đưa cây sầu riêng về trồng tại xã Sơn Tân. Sau 6 năm trồng thử nghiệm, đến thời điểm này, bà Năm khẳng định điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Sơn Tân phù hợp với cây sầu riêng. Theo lý giải của bà Năm, mặc dù chất đất tại Sơn Tân không tốt bằng tại huyện Khánh Sơn, khí hậu cũng nóng hơn nhưng từ khi thử nghiệm trồng (năm 2018) đến nay, cây sầu riêng phát triển tuy chậm hơn ở Khánh Sơn nhưng cây đã cho quả, chất lượng được thương lái đánh giá không thua sầu riêng Khánh Sơn. Bằng chứng là trong năm nay gia đình bà Năm đã bắt đầu thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên “Năm nay là năm đầu tiên cây sầu riêng có trái nên gia đình tôi quyết định nuôi cây, để trái rất ít nên vụ thu sầu riêng tháng 8 vừa rồi, gia đình tôi chỉ mới thu được 22 tấn sầu riêng trong diện tích 7ha. Sang năm khi cây thuần thục, sản lượng sẽ cao hơn nhiều”, bà Năm nói.
Ngoài gia đình bà Năm, ở Sơn Tân còn có 2 hộ nông dân khác trồng sầu riêng và năm nay cũng đã bắt đầu cho thu hoạch, mỗi hộ hơn 2 tấn quả. Thấy sầu riêng bám rễ được trên đất Sơn Tân, đã có 15 hộ ĐBDTTS tại địa phương khi làm công tại các nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng sầu riêng tại rẫy vườn của gia đình mình, mỗi hộ vài chục cây.
Cùng với sầu riêng, xoài cũng được xếp vào loại cây ăn quả chủ lực của xã Sơn Tân khi địa phương đang có khoảng 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trồng chủ yếu là xoài tứ quý. Theo tính toán của ông Mang Sơn - ở thôn Suối Cốc, với 1ha xoài tứ quý, trung bình mỗi vụ xoài người dân thu hoạch được 7 - 8 tấn quả, bán với giá 14.000 đồng/kg, thu được 100 - 110 triệu đồng. Nhờ chi phí đầu tư thấp, chỉ khoảng 15 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả cây xoài mang lại cho người dân xã Sơn Tân cũng rất cao.
Chỉ trong vòng vài năm chuyển đổi sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đến nay toàn xã Sơn Tân đã có gần 230ha xoài (chủ yếu là xoài tứ quý), gần 50ha sầu riêng, gần 190ha chuối (gồm gần 80ha chuối chuyên canh và 110ha chuối xen canh), 3,6ha lúa, hơn 180ha điều và một số diện tích khác trồng cây lâm nghiệp, cây ngắn ngày… Năm 2024, trên địa bàn có thêm 29 hộ dân chuyển đổi hơn 25,6ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng xoài, 5 hộ dân chuyển đổi 3,4ha sang trồng sầu riêng…
Chia sẻ với chúng tôi ông Trần Quang Nguyên - Chủ tịch UBND xã Sơn Tân bày tỏ: Nhờ thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi các diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển các loại cây ăn quả có giá trị cao, đời sống, thu nhập của người dân xã Sơn Tân đã có nhiều khởi sắc và là “chìa khóa” để xóa nghèo cho các hộ dân địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm nhanh, đến nay chỉ còn 15 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo trong tổng số 313 hộ dân toàn xã. Địa phương định hướng sẽ tiếp tục chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Để phát triển, địa phương đã thành lập 1 hợp tác xã trồng cây xoài - sầu riêng; xây dựng sản phẩm OCOP đối với sản phẩm sầu riêng. Trong thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện; các nhà vườn trên địa bàn để tập huấn, hướng dẫn người dân, nhất là hộ ĐBDTTS về kỹ thuật trồng, chăm sóc xoài, sầu riêng hiệu quả…