Cây cầu mong ước bao đời của người dân các tỉnh ven biển châu thổ Cửu Long

Cầu Đại Ngãi nối liền 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh là công trình hạ tầng quan trọng, quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông.

Dự án triển khai từ năm 2022 đến hết năm 2026, được xây dựng trên cơ sở dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH được áp dụng cơ chế đặc thù, thực hiện theo Nghị quyết 43 và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Đây là công trình chiến lược, là trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phối cảnh cầu Đại Ngãi nối liền 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi nối liền 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.

Sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP Hồ Chí Minh so với đi trên tuyến QL1 hiện nay. Dự án giúp nối thông toàn tuyến QL60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP Hồ Chí Minh. Cây cầu này là niềm mong ước bao đời nay của người dân các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Theo hồ sơ, toàn tuyến dự án cầu Đại Ngãi có chiều dài trên 15km, 5 nút giao, 7 cầu; trong đó có 2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2. Tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhờ áp dụng chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù của chính sách đầu tư phát triển thuộc Nghị quyết 43 của Quốc hội, nên tiến độ đang được đẩy nhanh. Dự kiến hết năm 2026, cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ xóa bỏ 2 bến phà cuối cùng trên tuyến QL60.

Công trình cầu Đại Ngãi 2 đang dần hình thành.

Công trình cầu Đại Ngãi 2 đang dần hình thành.

Đây là công trình chiến lược, là trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh ĐBSCL. Sau gần 1 năm thi công, công trình cầu Đại Ngãi hiện phần tuyến và các công trình trên tuyến đã cơ bản hoàn thành công tác đào bóc hữu cơ, đắp bao đường công vụ 10,43km. Đến nay khối lượng thi công cầu Đại Ngãi 2 đạt 50% (vượt tiến độ 8%).

Dự kiến bắt đầu lắp dầm vào tháng 11/2024, phấn đấu cơ bản hoàn thành kết cấu nhịp vào tháng 5/2025, hoàn thành toàn bộ cầu Đại Ngãi 2 trong năm 2025. Ông Đinh Lê Thông, Giám đốc quản lý dự án cầu Đại Ngãi, BQLDA 85 (Bộ GTVT) cho biết: “Thời điểm này đang vào mùa mưa, nên có khó khăn cho tiến độ thi công ngoài công trường. Tuy nhiên, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, các đơn vị thi công đã thực hiện nhiều biện pháp không để chậm tiến độ như như làm mái che đối với các hạng mục bê tông (đúc hẫng) bảo đảm thi công xuyên suốt trong điều kiện thời tiết mưa nhiều và sẵn sàng tăng ca, kíp không kể ngày, đêm triển khai thi công phần đường”. Riêng dự án cầu Đại Ngãi 1 (nối huyện Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng với tỉnh Trà Vinh) dự kiến sẽ khởi công trong quý IV/2024.

Đồng chí Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 14/NQ-HĐND về việc bổ sung dự án cầu Đại Ngãi vào danh mục các dự án được cấp cát theo cơ chế đặc thù từ các mỏ cát MS03, MS14 thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là tăng cường kiểm soát, theo dõi các khu vực khai thác cát biển, cát sông đảm bảo đúng trình tự, quy định; đảm bảo ANTT tại các khu vực khai thác cát”. Sau khi công trình hoàn thành sẽ xóa toàn bộ các điểm phà vượt sông đi qua các tỉnh ven biển ĐBSCL từ Cà Mau đến TP Hồ Chí Minh, nối thông toàn tuyến QL60 nâng cao năng lực vận tải cho khu vực, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP Hồ Chí Minh. Theo đó, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và bỏ thế độc đạo của QL1; rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến QL1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, còn mở ra động lực phát triển KTXH của cả khu vực, phát huy được những tiềm năng lợi thế, đặc biệt là các tỉnh ven biển, khi hạ tầng giao thông hoàn chỉnh sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư cho các khu, cụm công nghiệp, nhất là các tỉnh ven biển trong khu vực.

Mặt bằng thi công dự án cầu Đại Ngãi được huyện Cù Lao Dung bàn giao cho chủ đầu tư đầy đủ.

Mặt bằng thi công dự án cầu Đại Ngãi được huyện Cù Lao Dung bàn giao cho chủ đầu tư đầy đủ.

Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng được bao quanh bởi sông Hậu. Lâu nay, để đi tới các địa phương lân cận bà con phải qua phà, mất nhiều thời gian, thế cô lập này đã kìm hãm sự phát triển KTXH, tiềm năng, lợi thế của địa phương chưa được khai thác đúng như kỳ vọng. Vì vậy, khi dự án cầu Đại Ngãi được khởi công xây dựng, người dân Cù Lao Dung vui mừng khôn xiết. Ông Nguyễn Thanh Xuân (ngụ xã An Thạnh Tây) cho biết: “Người dân ở địa phương rất phấn khởi, ủng hộ dự án xây dựng, bàn giao mặt bằng nhanh chóng. Ai cũng mong cầu Đại Ngãi sớm hoàn thành để đi lại thuận tiện, hàng hóa nông sản tiêu thụ dễ dàng, kinh tế của huyện, đời sống người dân sẽ được cải thiện hơn”. Còn ông Nguyễn Văn Xuyên (ngụ xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung) chia sẻ, gia đình ông có đất bị ảnh hưởng dự án xây cầu Đại Ngãi và đã nhường đất cho xây cầu với mong muốn dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu nay. Có cầu Đại Ngãi đời sống bà con Cù Lao Dung rồi đây sẽ phát triển mạnh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Minh (ngụ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ: “Tôi có anh em bạn bè ở Sóc Trăng. Mỗi lần đi thăm, nếu không muốn lụy phà thì đi xe sang TP Cần Thơ rồi xuôi về Sóc Trăng; còn không thì phải qua phà Cầu Quan của huyện Tiểu Cần sang Cù Lao Dung. Sau đó hoặc đi tiếp lên phà Đại Ngãi hoặc chạy thêm hơn 10km lên thị trấn Cù Lao Dung qua phà Vàm Đại Ân sang huyện Long Phú rồi đến Sóc Trăng. Đi qua những phà này mất mấy tiếng đồng hồ, gặp ngày lễ, tết thì chắc chắn kẹt xe có khi nửa ngày chưa qua được phà. Sau khi có cầu Đại Ngãi, chưa đầy 1 giờ đồng hồ là có mặt ở Sóc Trăng. Sáng sang thăm anh em bạn bè, chiều tối về Tiểu Cần vẫn thoái mái. Có cầu, đường xa hóa gần”. Chị Dương Bảo Ngân Hà, giáo viên trường Mầm non xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung bày tỏ sự phấn khởi khi cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ chấm dứt tình trạng “lụy phà” của người dân cù lao, mở ra tương lai xán lạn, đầy hứa hẹn cho người dân địa phương. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) chia sẻ: “Cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, vận chuyển hàng hóa dễ hơn, hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp sẽ cởi bỏ tâm lý ngán ngại đường xa cách trở và chi phí vận chuyển tăng cao để mạnh dạn đầu tư vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ”.

Theo ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, dự án cầu Đại Ngãi qua địa bàn huyện Cù Lao Dung có chiều dài hơn 5 km. Sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ phát huy, khơi dậy được những tiềm năng lợi thế của địa phương. Đặc biệt, sẽ đánh thức các tiềm năng về du lịch, phát triển kinh tế về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại dịch vụ...; nối thông toàn tuyến QL60 nâng cao năng lực vận tải cho khu vực, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam nói chung và sẽ là cơ hội lớn để mở ra cho Cù Lao Dung nói riêng. Đặc biệt là hiện nay, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cù Lao Dung đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt, là tiền đề tạo cơ hội cho địa phương cất cánh, kêu gọi đầu tư phát triển KTXH, đặc biệt là các khu vực gần cầu Đại Ngãi.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Theo đó, dự án có tiến độ thực hiện điều chỉnh là từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2027, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2028. Trước đó, theo phương án được duyệt, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 15km, được chia làm 2 phần công trình chính gồm cầu dây văng Đại Ngãi 1; cầu Đại Ngãi 2, tuyến và công trình trên tuyến. Điểm đầu giao với QL54, thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.900 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là từ năm 2022 đến năm 2026. Đối với công trình cầu Đại Ngãi 1 do đặc thù về mặt kỹ thuật (cầu dây văng khẩu độ nhịp chính 450m, kết cấu dầm thép liên hợp, cọc khoan nhồi có chiều dài lớn, khoảng 120m) nên công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập dự toán cần được thực hiện kỹ lưỡng, phải tổ chức thí nghiệm hầm gió ở nước ngoài, cần thêm nhiều thời gian hơn các gói thiết kế kỹ thuật thông thường. Cũng theo báo cáo của tư vấn thiết kế kỹ thuật, thời gian thi công phần cầu chính dây văng Đại Ngãi 1 (là hạng mục quyết định tiến độ dự án) cần khoảng 42 tháng. Do đó, thời gian hoàn thành cầu Đại Ngãi 1 phải điều chỉnh trong năm 2027, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2028…

V.Đức – X.Lương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/cay-cau-mong-uoc-bao-doi-cua-nguoi-dan-cac-tinh-ven-bien-chau-tho-cuu-long-i742112/