Cây cổ thụ ở Thủ đô gục ngã sau bão, làm sao để cứu?

Cứu, trồng lại cây đổ do bão số 3 là điều cần bởi trồng được một cây xanh trưởng thành mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc trồng lại cây cần làm bài bản, có phương án tổng thể chứ không phải cây nào gãy đổ cũng mang ra trồng lại ngay vị trí đổ.

Sau bão, cây Hà Nội lộ nhiều "tử huyệt"

Theo báo cáo nhanh, tính đến tối 8/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 20.000 cây đổ và cành gãy, tập trung nhiều ở: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh…

TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam cho biết, với một cơn bão mạnh như bão số 3 (bão Yagi) việc cây bật gốc, gãy đổ là không thể tránh khỏi, không chỉ riêng Hà Nội, những nơi bão đi qua đều có hiện tượng này. Tuy nhiên, việc cây đổ của Hà Nội cũng lộ ra nhiều vấn đề cây xanh Thủ đô.

Cây xanh ở Hà Nội đổ gục trước bão.

Cây xanh ở Hà Nội đổ gục trước bão.

Thứ nhất, bão Yagi khiến rất nhiều cây cổ thụ như cây sấu ở đường Phan Đình Phùng, con đường được mệnh danh đẹp nhất Thủ đô đã gục gã trước bão.

Sấu được trồng đầu tiên ở phố Phan Đình Phùng sau đó nhiều tuyến đường trồng sấu. Sấu được chọn là bởi đây là giống bản địa thân thẳng, tán gọn, rễ cọc. Kể từ khi cây sấu trồng trên phố Hà Nội cho đến nay, nhiều cây sấu đã tồn tại hàng 100 năm, trải qua mưa bom, bão đạn thời chiến tranh, qua bao lần mưa, nắng vẫn vươn cao. Nhưng mọi thứ đã khác sau bão số 3.

Điều này cho thấy, nhiều cây cổ thụ đã bị già cỗi nhưng không được quan tâm. Nếu chúng được để ý hơn trước bão, có lẽ mọi thứ đã không khốc liệt đến thế. Đặc biệt, việc đô thị hóa, làm đường, bó vỉa hè chặt quá dẫn đến rễ cây không có không gian để phát triển, cây xanh và công trình làm đường không liên kết chặt chẽ, cây dễ đổ trong mùa mưa bão.

Thứ hai là với các cây mới trồng. Chúng ta đã đưa nhiều cây to vào trồng, rễ chưa kịp phát triển, tán lá rộng, xum xuê. Khi tán lá um tùm, nặng gây mất cân bằng với bộ rễ. Bộ rễ khi phải chịu áp lực lớn trong mưa bão sẽ dẫn đến gãy đổ.

Tán xum xuê, rễ nông khiến nhiều cây xanh ở Hà Nội không trụ được khi có gió bão.

Tán xum xuê, rễ nông khiến nhiều cây xanh ở Hà Nội không trụ được khi có gió bão.

Theo TS. Nguyễn Tiến Hiệp, thực ra, năm nào vào mùa mưa bão, chúng ta cũng cắt tỉa cây. Nhưng cắt tỉa tán cây là một khoa học, được nghiên cứu trên cơ sở đánh giá về loại cây, tuổi cây, thổ nhưỡng nơi cây trồng… sau đó mới quyết định cắt, tỉa như thế nào chứ không phải làm bừa. “Khâu cắt tỉa cây ở nước ta còn yếu”, TS. Nguyễn Tiến Hiệp chia sẻ.

Thứ ba, quá trình đô thị hóa khiến nhiều nhà cao tầng mọc lên, tạo ra những luồng gió. Trong khi chúng ta lại chưa có nhiều nghiên cứu về việc trồng cây gì, hay trồng như thế nào để tránh những luồng gió đó, điều này vô hình chung, khi bão tới, cây nằm trong luồng gió, đổ liên hoàn là tất nhiên.

Trồng lại cần phải có phương án tổng thể

Cây đã đổ, và việc phải làm là xử lý cây đổ và phủ xanh lại thành phố. Hà Nội chủ trương cứu, trồng lại cây đổ do bão số 3 bởi trồng được một cây xanh trưởng thành mất rất nhiều thời gian. Ngay trong sáng 9/9, nhiều nơi ở Hà Nội đã tiến hành trồng lại cây sau đổ theo các cách khác nhau như đưa về vườn ươm, trồng lại tại chỗ.

Sáng 9/9, cây sấu đổ chắn ngang đường đi ở Khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức đã được các công nhân đến trồng lại.

Sáng 9/9, cây sấu đổ chắn ngang đường đi ở Khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức đã được các công nhân đến trồng lại.

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam cho rằng, cây xanh có vai trò quan trọng không chỉ đối với cảnh quan thành phố mà còn ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý của chính người dân, có những cây đã tồn tại hàng vài chục năm thậm chí hàng 100 năm gắn bó mật thiết với hành trình trưởng thành của một con người. Vì thế, đối xử với cây phải như đối xử với chính chúng ta. Cứu, trồng lại những cây xanh đổ do bão số 3 là điều cần bởi trồng được một cây xanh trưởng thành mất rất nhiều thời gian, hơn thế còn là cách giữ lại “người bạn” đã gắn bó với người dân, đồng thời tránh lãng phí bởi nếu bỏ cây đi, vẫn phải trồng cây khác thay thế. Tuy nhiên, việc trồng lại cây phải làm thận trọng, tránh ồ ạt.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, việc quan trọng là phải kiểm tra rễ của từng cây đã bị gục đổ. Người có chuyên môn phải đi khảo sát, đến từng cây, nhìn trực tiếp để đánh giá. Nếu cây nào rễ chưa bị tổn thương nhiều thì đào sâu, đào rộng ra và trồng lại cây. Sau khi trồng, phải chăm cây như chăm một người bệnh đang ốm. Thành phố có thể khuyến khích người dân cùng chung tay chăm sóc lại cây sau trồng. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn vì cây vừa trồng lại, rễ chưa bám chặt vào đất dễ đổ nên phải thiết kế các trụ để chống cây. Các trụ này cần phải làm chắc chắn và có tính thẩm mĩ cao để vừa giữ cây vừa làm đẹp cảnh quan.

Cây xanh đang được trồng lại.

Cây xanh đang được trồng lại.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, cần phải xác định, cây nào có thể cứu được là phải cứu, cứu cây như cứu người. Trong trường hợp xấu nhất không ai mong muốn, có những cây không thể cứu được phải chấp nhận bỏ, bởi trồng lại mà cây vẫn chết thì còn tốn kém hơn rất nhiều. Việc bỏ cây cũng phải được đánh giá một cách cụ thể để tránh bỏ đi những cây có thể cứu được, nhất là đối với cây cổ thụ, cây di sản, cần phải rất thận trọng.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, sau khi trồng lại cây, thời gian đầu phải chăm cây như chăm người ốm. Hà Nội có thể khuyến khích người dân tham gia vào việc chăm sóc cây sau trồng.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, sau khi trồng lại cây, thời gian đầu phải chăm cây như chăm người ốm. Hà Nội có thể khuyến khích người dân tham gia vào việc chăm sóc cây sau trồng.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tiến Hiệp cho biết, việc tận dụng lại cây đã bị gãy đổ để trồng lại là ý tưởng tốt, nhưng phải làm bài bản. Có hai cách, thứ nhất, đưa cây đã gãy, đổ về vườn ươm trồng để cây nảy mầm, ra rễ để tăng khả năng cây sống, nhưng việc này tốn kém và không biết bao giờ mới có thể trồng lại vào vị trí cũ được. Thứ hai là trồng lại cây ngay tại vị trí cây bật rễ, phương án này ít tốn kém hơn và ngay lúc này vẫn có cây, nhưng không phải cây nào cũng trồng lại ngay trên chỗ vừa đổ được vì bộ rễ đã bị tổn thương nặng, đất bị nghèo.

Theo TS. Nguyễn Tiến Hiệp, cần phải có phương án tổng thể với những đánh giá cụ thể. Cây nào có thể trồng lại ngay, cây nào phải mang về nơi râm ủ, dùng thuốc kích rễ cây để phục hồi, cây nào, trong trường hợp xấu nhất bắt buộc phải bỏ để trồng cây mới. Chỉ có như vậy mới có thể đảm bảo tính hiệu quả.

Đối với những cây bắt buộc phải bỏ trồng thay thế cây mới, theo các chuyên gia, quan trọng là trồng cây gì. Cây xanh đô thị không chỉ đem lại cảnh quan mà còn gắn với lịch sử, văn hóa. Với nhiều tuyến phố, nhiều con đường, cây xanh như một biểu tượng. Lò Đúc chót vót sao đen. Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú xanh rì lá sấu. Lý Thường Kiệt vàng rực lá cây cơm nguội. Hoàng Diệu xà cừ um tùm bóng mát. Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa…. Giá trị của những hàng cây đi cùng năm tháng như thế, có lẽ không thước đo nào đánh giá được.

Vì thế, việc thay cây, cần có sự nghiên cứu, đặc biệt là phải minh bạch, công khai, phải hỏi ý kiến người dân, bởi mỗi cái cây đều gắn bó trực tiếp với đời sống của người dân.

Sơn Hà

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/cay-co-thu-o-thu-do-guc-nga-sau-bao-lam-sao-de-cuu-c8a81688.html