Cây, con nào 'trụ' lại với Đồng Tâm?
Mỗi lần người dân xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, niềm hy vọng bừng lên rồi lại nhanh chóng tắt lịm. Vòng xoáy 'trồng - chặt' như một 'định mệnh' nhiều năm qua vẫn níu kéo bao phận nghèo.
Sau vài năm gặp lại, tôi không nhận ra anh Lý Văn Sài, Trưởng xóm Đồng Tâm, bởi sự trẻ trung, năng động đã nhường chỗ cho sự khắc khổ, buồn phiền trên gương mặt. Dẫu biết thời gian không “tha” ai để trẻ mãi, nhưng qua câu chuyện với anh, tôi cảm nhận đó còn là “dấu vết” của những trăn trở, lo âu về kinh tế. Anh không chỉ lo cho gia đình mình, mà còn có trách nhiệm “thủ lĩnh” của hơn 70 hộ dân ở Đồng Tâm, trong đó 96% số dân là đồng bào dân tộc Mông.
Hơn 100ha đất đai được khai khẩn, trong đó có 14ha cất canh tác, còn lại là đất trồng rừng và đất ở - là con số mà nhiều xóm, bản người Mông trên địa bàn tỉnh mơ ước. Nhưng đến nay, cả xóm Đồng Tâm chỉ có 2-3 hộ có kinh tế khá giả; còn 8 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo; một hộ phải cứu đói ngày giáp hạt...
Ngày nông nhàn, những người trong độ tuổi lao động phải bỏ nhà, bỏ ruộng ra thành phố kiếm việc hoặc đi làm ở những công ty, nhà máy. Thu nhập bình quân của người dân trong xóm chỉ đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng, nhưng không bền vững.
Chỉ cần đó “những gạch đầu dòng” đủ khiến anh Sài và các anh, chị cán bộ xóm Đồng Tâm phải trăn trở. Mảnh đất Đồng Tâm đã từng "có duyên" với các loại cây từ ngô, sắn, mía đến cây sâm Bố chính, sâm Báo, cà Gai leo, cây dứa… nhưng đến nay chẳng có cây nào ở lại lâu dài và thực sự mang lại thu nhập ổn định, giúp bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Anh Sài cho biết: Việc cấy, trồng của cả xóm hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, nên thu hoạch bấp bênh, có năm mất trắng; năm nào thời tiết thuận hòa, bà con mới có lương thực đủ ăn. Những năm qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã đưa nhiều cây mới vào trồng thử nghiệm ở Đồng Tâm, nhưng chưa mô hình nào thành công. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là do chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm cây trồng; nguồn vốn vay với lãi suất vẫn ở mức cao và ngắn hạn; xóm thiếu nguồn nước tưới; trình độ dân trí thấp nên khó áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, trồng trọt vào thực tiễn…
Nói đến đây, anh Sài dừng lời giây lát, rồi giọng trầm buồn như chính mình là người có lỗi với bà con: Làm cán bộ như tôi cũng nhiều phần bất lực… Cán bộ nói được phải làm được bà con mới tin, mới nghe. Tôi chỉ mong Nhà nước có giải pháp khả thi giúp xóm Đồng Tâm nói riêng và các xóm đồng bào dân tộc thiểu số nói chung cách phát triển kinh tế bền vững. Như gia đình tôi, bao nhiêu vốn liếng bỏ ra đầu tư trồng cây dứa với hy vọng nâng cao thu nhập, nhưng hàng tấn quả thu hoạch về không bán được, đành để thối rồi vứt bỏ. Tôi luôn tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình, nếu hiệu quả sẽ tuyên truyền, vận động bà con làm theo, nhưng đến giờ vẫn phải quay lại lối canh tác cũ, trồng ngô, cấy lúa và chăn gà kiểu tự cung tự cấp.
Anh Dương Văn Phong, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Tâm, tiếp lời: Từ trước đến nay, người Mông Đồng Tâm quen trồng cây ngô, cây sắn nên khi đưa mô hình mới vào là rất khó khăn. Như giai đoạn triển mô hình trồng cây sâm Báo, sâm Bố Chính và cà Gai Leo, Chi bộ phải họp tới 4 lần, 4 lần ban hành nghị quyết mới triển khai được vào thực tế. Nhưng cuối cùng vẫn thất bại… Tôi là đảng viên không thể chùn bước trước khó khăn, nên vẫn luôn cố gắng vươn lên, giờ gia đình tôi chuyển sang đầu tư chăn nuôi bò, nếu hiệu quả sẽ vận động nhân dân cùng nuôi.
Sau nhiều lần thất bại, anh Sài, anh Phong đang tự vươn lên làm kinh tế với tâm thế… thiếu tự tin. Nhưng điều đáng khâm phục là người cán bộ như các anh không cho phép bản thân nản lòng, chùn bước, họ luôn hy vọng về một tương lai tốt đẹp sẽ đến với bản người Mông Đồng Tâm, nên trước khi chia tay, các anh đã đưa chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cây nho đen trong nhà lưới rộng khoảng 2.000m2 của gia đình anh Thân Văn Công. Anh Công đã tự nghiên cứu, đi học tập mô hình tận Lạng Sơn rồi về vay tiền đầu tư mô hình với tổng số vốn hơn 1 tỷ đồng.
Cây nho đen đang ở giai đoạn rụng lá già chờ mưa xuân sẽ nảy mầm xanh. Chúng tôi cùng thầm mong cây nho đen sẽ “trụ” được trên đất Đồng Tâm để bà con không phải ly nông, ly hương mà cùng nhau đoàn kết phủ xanh những khoảng đất trống bằng những cây trồng cho giá trị kinh tế cao và bền vững.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202401/cay-con-nao-tru-lai-voi-dong-tam-14e1fae/