Cây đầu làng
Nhớ về những ngôi làng Việt truyền thống, nhiều người thường hay nhớ tới những gốc cây cổ thụ ở phía đầu làng.
Đó có thể là cây đa, cây gạo, cây trôi hay cây xà cừ, cây duối, cây si, cây bàng… Những gốc cây sần sùi, như chứng nhân của thời gian, lặng lẽ chứng kiến những đổi thay của ngôi làng, lặng lẽ đón và đưa những người con trở về hay rời làng ra đi…
Cây đầu làng không chỉ cho người dân bóng mát, mà còn là biểu tượng sống động gắn với mỗi ngôi làng, thầm thì kể những câu chuyện làng quê.
Như cây đa ở cổng làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đã trở thành chỉ dấu nhận diện về ngôi làng cổ xứ Bắc. Hay như cây gạo mọc ở ven đê bối, bên bờ sông Thương thuộc thôn Tân Mỹ (xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) đã được công nhận là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa” mấy năm nay trở nên nổi tiếng với các nhiếp ảnh gia và những bạn trẻ thích khám phá mỗi dịp tháng Ba về…
Nhưng làng quê đang từng ngày biến đổi, những biểu tượng sống gắn liền với làng Việt vì thế đang mất dần hay lọt thỏm giữa những con đường bê tông, những ngôi nhà tầng thấp tầng cao. Nhắc chuyện những cây cổ thụ đầu làng, cũng là cách để mỗi chúng ta cùng nhìn lại, có cách bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên gắn bó và góp phần hình thành những giá trị của làng Việt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cay-dau-lang-5711613.html