Cây di sản đình làng Nguyễn
Bao đời nay, người dân làng Nguyễn, xã An Đổ, huyện Bình Lục đã gắn bó, thân quen với hình ảnh cây Cọ hàng trăm năm tuổi đứng vững chắc, bền bỉ bên đình làng cổ kính, linh thiêng.
Bao đời nay, người dân làng Nguyễn, xã An Đổ, huyện Bình Lục đã gắn bó, thân quen với hình ảnh cây Cọ hàng trăm năm tuổi đứng vững chắc, bền bỉ bên đình làng cổ kính, linh thiêng.
Cây Cọ của làng được trồng chính xác vào thời gian nào ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng không ai biết rõ. Chỉ biết, rất nhiều, rất nhiều thế hệ người con làng Nguyễn từ khi sinh ra, lớn lên đã thấy, đã quen với hình ảnh cây Cọ đứng cao vút bên đình làng.
Qua trò chuyện với các ông, các chú trong Ban khánh tiết đình làng Nguyễn, được biết: Theo các cụ xưa truyền lại, cây Cọ của làng được trồng từ thuở lập làng, lập ấp, xây đình. Từ đó đến nay, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử; trải qua biết bao sự khắc nghiệt, đổi thay của thời tiết, thời gian... cây Cọ làng Nguyễn vẫn vững vàng, bám chắc, vươn cao, là chứng nhân lịch sử chứng kiến những biến động, đổi thay của vùng đất, con người nơi đây. Cây Cọ được trồng ngay bên đình làng càng làm tôn thêm vẻ cổ kính, tôn nghiêm ở nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người dân.
Từ lâu, làng Nguyễn nổi tiếng, uy tín với nghề làm thuốc đông y cổ truyền. Theo những tư liệu được lưu giữ, đình làng Nguyễn thờ ba vị thành hoàng làng là: Đông Hồ Linh Ứng tôn thần, Đông Hồ Hiển Khánh tôn thần và Đông Hồ Hoàng Thiệu tôn thần. Khẩu truyền rằng, đây là những vị đến chiêu dân lập ấp ở làng Nguyễn, đồng thời truyền dạy cho người dân nơi đây nghề làm thuốc quý. Vào các ngày mùng một, mười rằm và dịp lễ, Tết, người dân làng Nguyễn thường lên đình lễ Thánh cầu may, cầu an, cầu thuận lợi, hanh thông… Đặc biệt, hội làng Nguyễn hằng năm được tổ chức từ ngày 30 Tết Nguyên đán đến hết ngày mùng bảy tháng Giêng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Hội làng kéo dài từ năm cũ sang năm mới với các lễ tế được tổ chức hết sức trang trọng: Mười một giờ đêm ba mươi Tết tổ chức lễ Tống Cựu (tiễn năm cũ), từ 0 giờ ngày mùng một Tết tổ chức lễ Nghinh Tân (đón năm mới), mùng ba Tết tổ chức tế Săn (đi săn quốc để lễ Thánh), mùng năm Tết tổ chức tế Vật (chọn một vài đôi vật là thanh niên trai tráng trong làng vật hầu Thánh lấy may), mùng bảy Tết tế lễ hạ cây nêu và bế mạc lễ hội… Ngoài phần lễ, phần hội có mời các đoàn ca nhạc về biểu diễn phục vụ nhân dân.
Bao mùa lễ hội đến rồi đi, đi rồi lại đến, cây Cọ cao gần 30m bên đình làng Nguyễn luôn lặng lẽ chứng kiến và lưu giữ những kỷ niệm buồn vui trong đời sống sinh hoạt, đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người dân; trở thành nỗi nhớ, niềm thương của những người con quê hương khi xa quê lập nghiệp.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, hội viên Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, sau khi phát hiện, được hướng dẫn, làm hồ sơ, người dân làng Nguyễn đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây Cọ tại đình làng Nguyễn là Cây di sản Việt Nam. Sau khi tiếp nhận, tháng 3/2022 Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã họp, xét duyệt hồ sơ và kết luận cây Cọ tại đình làng Nguyễn đạt đầy đủ các tiêu chí là cây di sản Việt Nam. Đây là cây Cọ Xẻ, là cây thứ tư ở Bình Lục được công nhận Cây di sản Việt Nam.
Cây Cọ bên đình làng được công nhận là Cây di sản Việt Nam không chỉ là niềm vui, mà còn là niềm tự hào của người dân làng Nguyễn. Bao năm qua, cây Cọ hàng trăm năm tuổi của làng đã tạo nên sự đa dạng sinh học, làm đẹp cảnh sắc, góp phần bảo vệ môi trường làng quê.
Cây Cọ được công nhận là Cây di sản Việt Nam sẽ tạo thêm động lực cho người dân nơi đây trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh nói chung; chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ cây cổ thụ, lâu năm nói riêng. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục tới các thế hệ tiếp nối truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ đó cùng chung tay, chung sức chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống cha ông để lại.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/cay-di-san-dinh-lang-nguyen-67311.html