Cây địa liền trên đồng đất xã Tân Dân
Với đặc tính dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh... cây địa liền đang được nhiều hộ dân ở xã Tân Dân (Khoái Châu) lựa chọn là cây trồng để phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn xã có hơn 200 mẫu trồng cây địa liền, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Bãi Sậy 1 và Bãi Sậy 2.
Địa liền là một loại cây dược liệu thân thảo thuộc họ gừng, thân rễ hình trứng, gồm nhiều củ nhỏ, thường được trồng vào tháng giêng và đến khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch là có thể thu hoạch. Trung bình, mỗi vụ địa liền cho năng suất khoảng từ 1 đến 1,2 tấn củ/sào. Hiện nay, địa liền đang được thu mua với giá từ 14 đến 18 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, mỗi vụ sẽ cho thu nhập hơn 15 triệu đồng/sào. Sau khi thu hoạch, củ địa liền được các thương lái từ Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội... đến tận ruộng thu mua với số lượng lớn.
Rễ củ địa liền được sử dụng để làm thuốc, ngâm rượu có công dụng hỗ trợ chữa các loại bệnh liên quan về đường tiêu hóa… Theo kinh nghiệm sản xuất của nông dân, để tăng dược tính cho vị thuốc của loại dược liệu này, trong quá trình canh tác, cần sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; phòng, trừ sâu bệnh bằng các thuốc có nguồn gốc sinh học, làm cỏ thủ công kết hợp dùng màng nilon phủ luống để giữ ẩm đất, giảm tưới nước, chống xói mòn rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại.
Nhiều hộ dân trong xã đã áp dụng trồng xen địa liền với nhiều loại cây ăn quả khác như: Cam, bưởi, táo… Đây được xem là cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Địa liền được trồng bên dưới vừa có thể tận dụng được lượng phân bón bón cho cây ăn quả, vừa hạn chế được cỏ dại, đến tháng 5, tháng 6, lá địa liền xòe rộng phủ kín mặt đất có tác dụng giữ độ ẩm cho cây ăn quả trong những ngày nắng hạn. Sau khi thu hoạch, người dân sử dụng lá, rễ địa liền ấp vào gốc cây trồng, từ đó, giúp tận dụng được nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí và công chăm sóc. Với cách làm này, diện tích đất nông nghiệp được tận dụng tối đa, việc xen gối vụ vừa tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích canh tác, vừa tiết kiệm công làm cỏ, cải tạo đất.
Chị Lê Thị Phượng ở thôn Bãi Sậy 1 cho biết: Gia đình tôi trồng 3 sào cây địa liền bên dưới tán cây bưởi Diễn, táo. Những ngày này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, tôi bắt đầu thu hoạch địa liền. Thời gian thu hoạch diễn ra khoảng 1 tháng. Sau khi thu hoạch, việc tiêu thụ sản phẩm rất dễ dàng, chỉ cần nhổ xong, giũ sạch đất cát là thương lái đến tận ruộng thu mua. Với giá bán địa liền như hiện nay, mỗi năm mang về doanh thu cho gia đình tôi trên 35 triệu đồng.
Theo những hộ trồng địa liền ở xã, ưu điểm của giống dược liệu này là chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, đặc biệt là ít sâu bệnh nên gần như không tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật và tận dụng được lao động nông nhàn. Tuy nhiên, để bảo đảm năng suất ổn định, người trồng cần có kinh nghiệm và nắm chắc đặc tính sinh trưởng của cây. Chị Đào Thị Nhàn ở thôn Bãi Sậy 2 có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng địa liền cho biết: Nhiều năm nay, gia đình tôi luôn duy trì trồng 1 mẫu địa liền. Loại cây này thích hợp với chân ruộng cao, thoát nước tốt, khi trồng tôi lên luống cao, do vậy sau những đợt mưa lớn kéo dài, diện tích trồng địa liền không bị ảnh hưởng.
Cùng với ưu điểm dễ trồng, so với cây lúa và một số cây rau màu khác, cây địa liền mang lại hiệu quả kinh tế khá, giảm công chăm sóc, sau khi trồng không phải bón phân nhiều lần, hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trồng cây dược liệu đã trở thành giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trồng và phát triển cây dược liệu tại xã còn gặp một số khó khăn như: Diện tích được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp còn hạn chế; các vùng sản xuất dược liệu thiếu liên kết bền vững trong sản xuất, chế biến còn gặp nhiều khó khăn; việc tiêu thụ sản phẩm dược liệu qua các thương lái cơ bản thuận lợi song giá cả chưa ổn định…
Đồng chí Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết: Thời gian tới, xã tích cực phối hợp tìm kiếm doanh nghiệp liên kết để bảo đảm đầu ra của cây dược liệu, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dược liệu cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân...
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/cay-dia-lien-tren-dong-dat-xa-tan-dan-3177387.html