Cây dược liệu 'chữa bệnh nghèo' ở Sìn Hồ

Là vùng sâu, vùng xa ở khu vực biên giới, những năm qua đời sống người dân huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã có nhiều khởi sắc đi lên. Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, khi các thành viên tham gia sẽ được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao sinh kế cho chính bản thân mình.

Tại các địa phương ở huyện Sìn Hồ, đã có nhiều mô hình kinh tế hỗ trợ bà con vùng biên xóa đói, giảm nghèo. Trong đó phát triển KTTT, HTX được xem là mô hình thành công, giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở khu vực này.

HTX phát triển sinh kế cho người dân

Những năm gần đây, với người dân ở xã biên giới Sà Dề Phìn cây dược liệu không chỉ dùng làm thuốc chữa bệnh cứu người mà còn giúp chữa “bệnh nghèo” cho người dân trong xã.

Ông Giàng A Tùng, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn cho biết, Sà Dề Phìn là xã vùng cao biên giới nên đối diện muôn vàn khó khăn. Địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất canh tác nông nghiệp bị hạn chế, khu vực có thể canh tác được nằm xa khu dân cư, thiếu nước sản xuất… Xã có 4 bản, trong đó đồng bào dân tộc Mông (chiếm tới hơn 80%). Tổng số hộ nghèo chiếm tới 58,62%, số hộ cận nghèo 11,06%.

HTX đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo ở Sìn Hồ.

HTX đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo ở Sìn Hồ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cây dược liệu trở thành vị thuốc đắng đúng nghĩa, từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo ra xa đời sống của người dân.

Cây dược liệu đi tới đâu, đời sống người dân các xã trong huyện Sìn Hồ khởi sắc tới đó, ví dụ đương quy tươi bán với giá từ 25.000 - 100.000 đồng/kg (tùy từng loại), đương quy khô có giá 150.000 - 200.000 đồng/kg; atiso trung bình khoảng 50.000 đồng/cây... đã giúp đồng bào các dân tộc có nguồn thu không nhỏ để cải thiện cuộc sống.

Đáng chú ý, thông qua các HTX, đồng bào Mông, Dao được đi từ những "bài học vỡ lòng" về kỹ thuật cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc dược liệu đến những kiến thức nâng cao về liên kết sản xuất, dược liệu hữu cơ, sản phẩm đặc sản… HTX Mý Dao ở Khu 1, thị trấn Sìn Hồ là một điển hình như vậy.

Ông Giàng Xuấn Cường, Giám đốc HTX Mý Dao cho biết, sản phẩm làm ra của HTX đến đâu đều được các hiệu thuốc nam, doanh nghiệp dược phẩm… thu mua hết đến đó. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn dược liệu tươi.

Bên cạnh đó, HTX đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng lò sấy dược liệu với công suất 5 tấn/mẻ để cung cấp các sản phẩm dạng sấy khô. Từ chỗ chỉ lo chạy ăn từng bữa, hiện các thành viên của HTX đã có thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.

Phát triển vùng trồng dược liệu từ mô hình HTX

Đặc biệt, nhiều sản phẩm do các HTX dược liệu giới thiệu đã tới được đông đảo người tiêu dùng như: Sâm Lai Châu, Lá tắm người Dao, Phong tê thấp gia truyền Mý Dao, Đỗ trọng Sìn Hồ, cao Atiso Sìn Hồ…

Nhìn chung, các HTX dược liệu quý hiếm tại Lai Châu đã thu hút đông đảo thành viên là hộ dân người Mông, Dao, La Hủ… tại các bản tham gia vào các khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái. Điều này vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, vừa bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Anh Nguyễn Trần Văn, Giám đốc HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ (bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn) cho biết: Hiện, HTX của anh đã có 7 sản phẩm dược liệu đạt chứng nhận OCOP, được chế biến từ vỏ đỗ trọng và hoa, lá, củ cây Atiso trồng tại Sìn Hồ, phân phối toàn quốc.

Anh Văn cho biết thêm, bên cạnh diện tích Atiso do HTX tự trồng, anh còn liên kết với gần 70 hộ dân tại địa phương trồng 10ha cây Atiso theo hướng hữu cơ, không có chất bảo vệ thực vật. HTX tổ chức thu mua, bao đầu ra cho cây dược liệu của bà con. Sau đó, nguyên liệu được HTX tiến hành sơ chế, sấy khô, nấu cao, đảm bảo đúng quy trình kĩ thuật và giữ lại được dược tính cao. Sản phẩm được bảo quản, đóng gói đẹp mắt, tiện ích cho người sử dụng.

Không chỉ trồng và chế biến Atiso, HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ cũng là HTX đầu tiên tại địa phương phát triển trồng sâm Lai Châu theo hướng tự nhiên.

Giám đốc HTX Nguyễn Trần Văn chia sẻ: Đầu tiên, HTX phải tìm mua cây giống do người dân đi rừng lấy về, áp dụng khoa học kĩ thuật trồng sâm. HTX chọn vùng đất dưới tán rừng mùn, màu mỡ, đủ ẩm và mát để ươm trồng cây. Khi cây phát triển và đạt ít nhất 4 năm tuổi mới lấy hạt ươm gieo. Cứ như thế phát triển nhân rộng vùng nguyên liệu sâm xã Xà Dề Phìn và các xã lân cận. Chính việc phát triển tự nhiên nên sâm phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh và có dược tính cao.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo được thực hiện ở vùng khó khăn, trong đó có địa bàn giáp biên giới.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo được thực hiện ở vùng khó khăn, trong đó có địa bàn giáp biên giới.

Cây dược liệu nói chung, sâm Lai Châu nói riêng đang trở thành cây “Quốc kế dân sinh” cho người dân vùng cao. Các HTX dược liệu đã và đang góp phần giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân ở vùng DTTS, vùng biên giới. Nỗ lực phát triển kinh tế của đồng bào các DTTS có “bệ đỡ” từ chính sách của Đảng và Nhà nước nên bà con an tâm “bám rừng, giữ bản”.

Giải pháp quan trọng trong xóa đói giảm nghèo

Ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ chia sẻ, huyện Sìn Hồ đang tập trung phát triển các xã giáp biên giới để nâng cao đời sống người dân và tăng cường an ninh chính trị, đảm bảo an toàn xã hội trên địa bàn.

Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội như: Xóa đói, giảm nghèo, phát triển dịch vụ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp được thực hiện hiệu quả tại các bản giáp biên giới như: Nậm Tần Mông 1; Nậm Tần Mông 2; bản Pho... đều thuộc địa phận xã Pa Tần.

Chị Giàng Thị Ly ở bản Nậm Tiến 1 chia sẻ: "Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, lại neo người nên nhiều năm qua phải sinh sống trong ngôi nhà đã xuống cấp. Nhờ được hỗ trợ từ chính quyền địa phương, gia đình tôi có được ngôi nhà khang trang, cuộc sống cũng ổn định hơn khi được tiếp cận nguồn vốn cùng kỹ thuật chăn nuôi. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, hiện tại gia đình đã có 15 con dê, 6 con lợn, hơn 1ha sắn. Nhờ vậy, có thêm thu nhập, các con tôi được đi học, mua sắm được một số vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt".

Đối với 5 bản giáp biên giới của huyện Sìn Hồ, thời gian tới, chính quyền các cấp tập trung phát triển trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, chăm sóc và bảo vệ rừng. Người dân cũng xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế, thông qua triển khai thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật... để vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

“Các chính sách đầu tư trực tiếp liên quan đến phát triển kinh tế, giảm nghèo được thực hiện ở vùng khó khăn, trong đó có địa bàn giáp biên giới như: “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo”, “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản miền núi và dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn” (Chương trình 135/CP giai đoạn II), các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án khoanh nuôi và bảo vệ rừng... Các chương trình, dự án đều có nội dung gắn với hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo, đặc biệt là với các dân tộc có dân số ít như: Cống, La Hủ, Mảng, Lự...”, ông Vũ Văn Cương cho biết.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/cay-duoc-lieu-chua-benh-ngheo-o-sin-ho-1095414.html