'Cây lành, trái ngọt' sau 50 năm phát triển nông nghiệp
Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhờ nắm bắt thời cơ, tận dụng những lợi thế và khai thác tốt tiềm năng, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều dấu ấn và đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 318 lượt mã số vùng trồng được cấp phục vụ xuất khẩu nông sản
Chinh phục vùng Đồng Tháp Mười
Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) của tỉnh có diện tích tự nhiên 299.452ha. Những năm đầu sau giải phóng, 2/3 diện tích của ĐTM là đất hoang hóa (186.000ha), dân cư thưa thớt, quanh năm chỉ làm 1 vụ lúa nổi, năng suất từ 9-10 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người chưa đến 100kg/người/năm. Một bộ phận lớn người dân thiếu đói, đời sống vô cùng khó khăn.
Do đó, Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung đầu tư, thể hiện qua các nghị quyết quan trọng như chủ trương “Xây dựng một chương trình tổng hợp phát triển vùng tiềm năng ĐTM” (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (1983-1985)); “Tập trung sức đầu tư nhiều mặt khai phá tiềm năng các huyện vùng ĐTM” (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (1986-1990)); Chương trình trọng điểm lấp kín Vùng ĐTM (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (1991-1995)); Chương trình trọng điểm Dân sinh vùng lũ (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (2001-2005)); Chương trình Xây dựng cụm, tuyến dân cư và Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (2010-2015));...
Trong đó, nổi bật là giai đoạn 20 năm thực hiện lấp kín vùng ĐTM (1979-1999). Giai đoạn này, tỉnh khai thác thành công và hiệu quả hơn 150.000ha đất hoang hóa khu vực ĐTM để đưa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng và các công trình dân sinh khác.
Đồng thời, bố trí hơn 44.000 hộ dân kinh tế mới (từ các huyện phía Nam, các tỉnh, thành bạn) thực hiện chủ trương bố trí lại dân cư, gắn lao động với đất đai, xóa đói, giảm nghèo và tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc vùng biên giới Tây Nam.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong 20 năm (1979-1999), diện tích cây lúa tăng từ 62.000ha lên 293.000ha, năng suất tăng từ 25 tạ/ha lên 39,8 tạ/ha, sản lượng tăng từ 156.000 tấn lên 1.165.000 tấn (trong 20 năm, diện tích lúa tăng 5 lần, năng suất tăng 1,6 lần và sản lượng tăng 7 lần).
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng phát triển nhảy vọt. Giao thông nông thôn trước năm 1979 chủ yếu bằng đường thủy, phần lớn người dân dùng nước mưa hoặc nước sông lắng lọc để sinh hoạt. Đến năm 1999, 45 xã vùng ĐTM đã có đường ôtô đến trung tâm, 52% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ngoài ra, hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho gần 300.000ha lúa quanh năm. Hệ thống đê bao lửng cũng bảo đảm cho sản xuất khoảng 20.000ha lúa Hè Thu. Đời sống người dân nhờ đó từng bước cải thiện.
Giai đoạn 10 năm thực hiện Chương trình Dân sinh vùng lũ (2001-2010) được xem là bước phát triển từ thành quả của Chương trình tổng hợp nhiều mục tiêu khai thác tiềm năng vùng ĐTM (1979-1999) của tỉnh. Từ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ lồng ghép với nguồn vốn địa phương và vốn khác, vùng ĐTM có nhiều thay đổi.
Theo đó, năm 2009, diện tích gieo trồng lúa cả năm của vùng ĐTM đạt 332.698ha, năng suất 49,4 tạ/ha, sản lượng 1.643.528 tấn (chiếm gần 76% sản lượng lúa toàn tỉnh), đặc biệt ở vùng ĐTM đã có giải pháp khống chế được bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, bảo đảm ổn định sản xuất.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp giúp nông dân vùng lũ sản xuất thuận lợi trong khâu làm đất, phun xịt thuốc, sạ hàng, xây dựng trạm bơm điện nhỏ. Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tăng rất nhanh, từ 60-70% diện tích (số lượng máy ở ĐTM chiếm gần 90% tổng số máy toàn tỉnh), góp phần hạ giá thành sản xuất, hạn chế tình trạng thiếu lao động lúc cao điểm mùa vụ.
Về thủy lợi, vùng ĐTM được tỉnh đầu tư hoàn thành nhiều công trình đa mục tiêu như tuyến kênh 79, Tân Thành - Lò Gạch, Sở Hạ - Cái Cỏ nhằm tạo nguồn nước, tiêu thoát lũ kết hợp giao thông thủy, bộ nối liền các vùng và các tỉnh lân cận; đầu tư tu bổ hơn 1.090km đê bao lửng, bảo vệ hơn 51.220ha; hơn 30 trạm bơm điện nhỏ 2 chiều (bơm tưới và bơm vợi);...
Từ năm 2011-2019, năng suất lúa vùng ĐTM tiếp tục tăng nhanh từ 50,9 tạ/ha (năm 2010) lên 55,1 tạ/ha (năm 2014), sản lượng lúa tăng từ 1,75 triệu tấn lên 2,86 triệu tấn (năm 2014), trong đó có hơn 750.000 tấn lúa chất lượng cao và hàng ngàn hécta được sản xuất theo “cánh đồng mẫu lớn”.
Các vùng chuyên canh lúa tại các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thủ Thừa đạt năng suất kỷ lục, bình quân từ 57-58 tạ/ha. Nhiều cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của tỉnh như bắp, mè, sen, cá nước ngọt,...
Hiện nay, vùng ĐTM chiếm hơn 80% sản lượng lương thực của tỉnh, trở thành vựa lúa lớn. Đây là kết quả từ sự đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng các loại giống lúa chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa chương trình theo hướng phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Sau thời gian thực hiện, chương trình đạt nhiều kết quả khả quan. Đối với cây lúa, đến tháng 3/2025, toàn tỉnh có 63.988,2ha lúa ƯDCNC, đạt 106,6% kế hoạch đến năm 2025. Nông dân tham gia mô hình giảm chi phí sản xuất so với ngoài mô hình bình quân từ 0,2-4,3 triệu đồng/ha. Năng suất bình quân trong mô hình từ bằng đến cao hơn ngoài mô hình 400kg/ha, lợi nhuận bình quân trong các mô hình tăng từ 0,1-4,9 triệu đồng/ha.
Song song đó, toàn tỉnh có 2.148,46ha rau ƯDCNC, đạt 107,4% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; 5.849ha thanh long ƯDCNC, đạt 97,5% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; 4.114ha chanh ƯDCNC, đạt 137% kế hoạch; 98,84ha tôm ƯDCNC, đạt 98,84% kế hoạch; triển khai xây dựng 5 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt, hỗ trợ gieo tinh nhân tạo các giống chất lượng cao cho hơn 18.000 bò cái sinh sản;...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh, việc tái cơ cấu giúp ngành Nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cụ thể, nông dân ngày càng chủ động trong chuyển đổi từ các cây trồng truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít, bưởi, cam,...
Cùng với đó, việc chuẩn hóa quy trình sản xuất để đạt các chứng nhận an toàn, VietGAP, GlobalGAP,... nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu cũng được nông dân đặc biệt quan tâm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 318 lượt mã số vùng trồng và 17 lượt mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu nông sản sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU, Nga, Anh, Trung Quốc và Hà Lan.
“Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất; tập trung phát triển kinh tế tập thể theo hướng thực chất, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân và cải thiện môi trường sống” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết./.