Đại hội Cổ đông Petrolimex 2025: Nỗ lực vượt khó và chiến lược phát triển bền vững

Sáng ngày 25/4/2025, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/PLX)) đã tổ chức Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) thường niên với các báo cáo quan trọng về kết quả hoạt động trong năm 2024 và những giải pháp chiến lược để phát triển.

Toàn cảnh Đại hội

Toàn cảnh Đại hội

Đây là dịp để các cổ đông và lãnh đạo Tập đoàn cùng nhìn nhận, đánh giá kết quả hoạt động và đưa ra các phương án nhằm thích ứng với các yếu tố tác động mạnh mẽ đến ngành Xăng dầu.

Khó khăn bủa vây, Petrolimex đối mặt thêm thách thức thuế quan

Năm 2024, Tập đoàn Petrolimex đã đối mặt với nhiều khó khăn do biến động lớn của thị trường xăng dầu. Tập đoàn đã phải đối mặt với áp lực giảm biên lợi nhuận, trong khi vẫn duy trì được ổn định nguồn cung và chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố đầu vào khiến cho công tác quản trị chi phí trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhờ vào sự linh hoạt và quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên, Petrolimex đã thực hiện nhiều biện pháp tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối, giảm thiểu chi phí và tối đa hóa lợi ích từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Kết quả là Tập đoàn vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định, mặc dù thị trường gặp nhiều khó khăn.

Đoàn Chủ tịch

Đoàn Chủ tịch

4 tháng đầu năm 2025, Petrolimex đạt sản lượng 5,7 triệu m³/tấn, hoàn thành 33% kế hoạch và đảm bảo tiến độ đề ra. Doanh thu của Tập đoàn đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, đạt 35% so với kế hoạch. Đồng thời, Petrolimex đã nộp ngân sách nhà nước 9.100 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch, cũng vượt tiến độ so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 113 tỷ đồng, đạt 4% so kế hoạch.

Ông Trần Ngọc Năm – Thành viên HĐQT Petrolimex

Ông Trần Ngọc Năm – Thành viên HĐQT Petrolimex

Đặc biệt, ông Trần Ngọc Năm - Thành viên HĐQT Petrolimex, cho biết, theo công bố báo cáo tài chính quý I/2025 và cuối tháng 4, sự giảm giá mạnh khiến tồn kho của Petrolimex gặp khó khăn, vì doanh nghiệp phải bán hàng với giá thấp hơn giá vốn đã mua trước đó. Ngay kỳ điều hành giá ngày 10/4 doanh thu PLX đã giảm khoảng 1.000 tỷ đồng, tiếp đến kỳ điều hành giá ngày 17/4 PLX giảm doanh thu thêm khoảng 300 tỷ đồng do giá bán giảm. Với sự sụt giảm giá bán nhanh chóng và yêu cầu tồn kho tối thiểu 20 ngày lưu thông thì PLX đã phát sinh lỗ tương ứng khá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của PLX

Petrolimex dự báo năm 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn do rủi ro giá dầu giảm tiếp và các yếu tố chính trị quốc tế, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và quan hệ Mỹ - Iran, có thể tiếp tục tác động mạnh đến thị trường.

Dù vậy, Petrolimex khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và công bố báo cáo tài chính chi tiết vào cuối tháng 4 để cổ đông hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng và các giải pháp đối phó. Đồng thời, để vượt qua khó khăn, Tập đoàn cũng đã có nhiều giải pháp chiến lược quan trọng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tinh gọn và tái cấu trúc bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW

Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Đảng nhằm đẩy mạnh tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy tổ chức. Một trong những bước đi quan trọng là sáp nhập các đơn vị đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn vừa qua vào công ty mẹ, hoàn thành việc thoái vốn tại một số công ty con và chấm dứt hoạt động của các văn phòng đại diện không còn phù hợp. Những thay đổi này không chỉ giúp giảm chi phí quản lý mà còn tăng cường hiệu quả công tác quản trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

 Chủ tịch HĐQT Petrolimex, ông Phạm Văn Thanh phát biểu tại Đại hội

Chủ tịch HĐQT Petrolimex, ông Phạm Văn Thanh phát biểu tại Đại hội

Phát biểu tại Đại hội Cổ đông năm 2025, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, ông Phạm Văn Thanh khẳng định, với Petrolimex, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành là cơ hội mở rộng mạng lưới bán lẻ, khi các tuyến nội tỉnh, liên vùng, liên tỉnh sẽ được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình này cũng ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy và tâm lý người lao động.

Ngay khi có chủ trương, Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo đơn vị, tham khảo ý kiến chuyên gia và các mô hình quốc tế để xây dựng phương án tổ chức mới phù hợp với hệ thống chỉ còn hơn 30 tỉnh, thành. Mục tiêu là tinh gọn, hiệu quả, giảm chi phí và đảm bảo hoạt động thông suốt.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã quyết định triển khai tái cấu trúc, thoái vốn tại một số đơn vị thành viên, chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện tại Campuchia, TP. Hồ Chí Minh và sáp nhập Tổng công ty PTC vào Tập đoàn. Hội đồng cổ đông ngày 28/3 cũng đã thống nhất tiếp tục triển khai tái cấu trúc công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Quá trình tái cấu trúc này được kỳ vọng sẽ đem lại kết quả tích cực.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại

Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số - một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn, Tổng giám đốc Petrolimex, ông Đoàn Nam Hải cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng, mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, gia tăng trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa vận hành toàn hệ thống”.

Tổng giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải phát biểu tại Đại hội

Tổng giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải phát biểu tại Đại hội

Petrolimex thực hiện chuyển đổi số gắn liền với chiến lược phát triển năng lượng bền vững, thông minh theo đúng định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới sáng tạo và Nghị quyết 55-NQ/TW về phát triển năng lượng quốc gia. Tập đoàn đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tích hợp công nghệ cao vào mọi lĩnh vực hoạt động từ bán hàng, kho vận đến quản trị nội bộ.

Trong năm 2023 và 2024, Petrolimex đã triển khai thành công nhiều dự án trọng điểm. Tiêu biểu là việc áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng – đây là bước đột phá trong việc tăng cường minh bạch, quản trị rủi ro và cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Đồng thời, Tập đoàn đẩy mạnh tự động hóa tại kho và cửa hàng xăng dầu, phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tích hợp công nghệ RFID và camera thông minh, ứng dụng hệ thống quản trị đơn hàng SMO, báo cáo thông minh BI, mở rộng văn phòng số và khai thác hiệu quả các hệ thống phần mềm như SAP–ERP, EGAS, PLXID và ứng dụng trên thiết bị di động.

Giai đoạn 2025–2030, Tập đoàn đang chuẩn bị triển khai đồng bộ các công nghệ hiện đại và tự động hóa sâu hơn nữa trong vận hành và kiểm soát. Một số nội dung đang được xúc tiến gồm: lắp đặt đồng hồ đo mức tự động tại bể chứa, tầm soát cột bơm tại cửa hàng xăng dầu, nghiên cứu giải pháp chống nhập nhầm xăng dầu, áp dụng công nghệ xuất đáy xe bồn và thử nghiệm đồng hồ nguyên lý Coriolis trong xuất hàng đường bộ. Tập đoàn cũng đang chuẩn bị triển khai hệ thống thanh toán tự động tại 100 cửa hàng xăng dầu có lượng khách hàng lớn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ – hướng đến xây dựng mô hình cửa hàng xăng dầu thông minh, hiện đại.

Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những trọng tâm mà Tập đoàn đang chú trọng phát triển. “Chúng tôi đã tổ chức các khóa đào tạo ứng dụng AI bắt buộc cho toàn thể cán bộ, từ cấp quản lý đến người lao động, nhằm nâng cao năng suất lao động và khả năng thích ứng công nghệ. Giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chuyển đổi số và Công nghệ thông tin nghiên cứu và triển khai ứng dụng AI vào bốn nội dung trọng điểm: tối ưu tồn kho và logistics; phân tích hành vi tiêu dùng để cá nhân hóa dịch vụ; giám sát chất lượng và quản lý rủi ro; và đặc biệt là mô phỏng thị trường, hỗ trợ dự báo giá dầu và hoạch định tạo nguồn theo các kịch bản khác nhau” – ông Hải nhấn mạnh.

Với chiến lược chuyển đổi số toàn diện và sự chủ động trong ứng dụng công nghệ hiện đại, Petrolimex tin tưởng sẽ tiếp tục giữ vững vai trò doanh nghiệp đầu ngành, đồng thời tạo ra giá trị bền vững cho cổ đông, khách hàng và toàn xã hội trong kỷ nguyên số.

Chuyển dịch năng lượng xanh

Xác định chuyển dịch năng lượng xanh là yếu tố sống còn của tương lai. Theo Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Thanh, trong 15 năm tới, xăng dầu vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, xu thế chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch và bền vững là điều không thể đảo ngược.

Tính đến nay, đã có 142 quốc gia cam kết mục tiêu trung hòa carbon – trong đó có Việt Nam. Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là cam kết mạnh mẽ và thể hiện trách nhiệm quốc tế của chúng ta.

Trên thế giới, nhiều tập đoàn năng lượng lớn cũng đã xây dựng lộ trình chuyển đổi. Tuy nhiên, trong ba năm gần đây, xu hướng này gặp nhiều khó khăn. Các tập đoàn lớn như Chevron, ExxonMobil, Shell... đã phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ví dụ, một số đơn vị đã cắt giảm từ mức đầu tư 5 tỷ USD/năm cho năng lượng sạch xuống chỉ còn 1,5–2 tỷ USD. Nguyên nhân chính là do sức ép từ cổ đông – khi các khoản đầu tư này chưa mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, thậm chí gây thua lỗ. Các cổ đông yêu cầu các doanh nghiệp tập trung trở lại vào lĩnh vực truyền thống để đảm bảo lợi nhuận.

Bên cạnh đó, ở cấp độ chính phủ, một số quốc gia cũng thay đổi chính sách. Ví dụ, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ đã yêu cầu tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm áp lực giá cả. Ở COP29, đại diện Ả Rập Xê Út đã thẳng thắn tuyên bố quốc gia này không cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Ba Lan – một thành viên của EU – cũng gặp khó khăn do phụ thuộc lớn vào than đá, gây ra những mâu thuẫn trong lộ trình chuyển đổi xanh của châu Âu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng cần có điều chỉnh phù hợp. Tại hội nghị gần đây của Ban chỉ đạo sửa đổi Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, nhiều chuyên gia đề xuất phải rà soát, cập nhật nội dung nghị quyết để phù hợp với xu hướng mới – vừa đảm bảo cam kết quốc tế, vừa đáp ứng thực tiễn trong nước.

Petrolimex đang triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải và phát triển các sản phẩm năng lượng tái tạo. Tập đoàn đã bắt đầu đưa vào sử dụng các nhiên liệu sinh học và đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để đầu tư vào công nghệ năng lượng xanh. Theo lãnh đạo Tập đoàn, việc chuyển dịch xanh không chỉ đáp ứng xu thế toàn cầu mà còn là một phần trong cam kết phát triển bền vững của Petrolimex. Tuy nhiên việc này không thể làm quá nhanh, mà phải vừa làm vừa quan sát để tránh bị vướng như các tập đoàn trên thế giới. “Tùy tình hình, chúng tôi sẽ chuyển dịch nhanh hay chậm theo diễn biến xanh – sạch của thế giới, đảm bảo tối đa lợi nhuận của cổ đông” – người đứng đầu Tập đoàn Petrolimex nhấn mạnh.

Các hành động cụ thể và cam kết phát triển lâu dài

Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, Petrolimex cũng đã xác định một số hành động cụ thể. Tập đoàn sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh lại mạng lưới phân phối, cải tiến các quy trình vận hành và quản lý chi phí hiệu quả hơn. Đặc biệt, Tập đoàn sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng thông qua các ứng dụng công nghệ mới, tăng cường giao tiếp với khách hàng qua các kênh trực tuyến và mở rộng các hình thức thanh toán tiện lợi.

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng cam kết đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo nhân lực, phát triển đội ngũ cán bộ, công nhân viên đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Tập đoàn. Lãnh đạo Tập đoàn khẳng định: “Những giải pháp này sẽ giúp chúng tôi không chỉ vượt qua khó khăn mà còn tạo nền tảng để Petrolimex tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ trong khu vực mà còn toàn cầu.”

Đại hội Cổ đông Petrolimex 2025 đã thể hiện rõ sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của Tập đoàn trong việc vượt qua thách thức, đồng thời đưa ra những chiến lược rõ ràng để phát triển bền vững trong tương lai. Với tinh thần đoàn kết và sáng tạo, Petrolimex đang từng bước xây dựng một nền tảng vững chắc để đối phó với những biến động của thị trường xăng dầu, đồng thời đảm bảo lợi ích lâu dài cho các cổ đông và cộng đồng.

Thúy Hà

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dai-hoi-co-dong-petrolimex-2025--no-luc-vuot-kho-va-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-139821.htm