Cây lựu mọc trên lăng mộ của Tần Thủy Hoàng: Kết quả khó tin khi bổ đôi quả lựu khiến ai cũng bất ngờ
Trong khuôn viên lăng mộ Tần Thủy Hoàng có một rừng cây lựu đâm hoa, kết trái vô cùng tươi tốt. Nhưng khi bổ đôi quả lựu ai nấy đều bất ngờ.
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được đánh giá là một trong những khám phá khảo cổ học vĩ đại nhất mọi thời đại. Những bí ẩn của khu lăng mộ bị niêm phong và chôn vùi bên dưới lớp thảm thực vật qua hàng nghìn năm. Trong khuôn viên lăng mộ Tần Thủy Hoàng có một rừng cây lựu đâm hoa, kết trái vô cùng tươi tốt. Tuy nhiên, người dân địa phương lại dặn nhau không nên hái quả lựu ở đây để ăn kẻo dễ mất mạng bởi độc tố chứa trong nó.
Tính đến nay, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng đã có hơn 2000 năm tuổi. Tuy nhiên, những câu chuyện về địa điểm bất khả xâm phạm khiến cho nơi an nghỉ của vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Quốc càng thêm huyền bí.
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là lăng mộ được xây dựng trong hơn 38 năm, từ 246-208 TCN và nằm dưới một gò mộ cao 76 mét có hình dạng gần giống một kim tự tháp. Bố cục của nó mô phỏng theo kinh đô nhà Tần là Hàm Dương được chia thành các khu nội thành và ngoại thành. Chu vi của khu vực nội thành là 2,5 km và ngoại là 6,3 km. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện nhiều thập kỷ trước đây, nhưng các nhà khảo cổ học vẫn chưa thể vào được bên trong. Một trong số những điều được nhiều người biết đến đó là, bên trong vẫn còn một lượng lớn thủy ngân. Các học giả cho rằng, vua Tần lựa chọn thủy ngân là do nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên, dùng thủy ngân là để giúp ngăn trộm mộ. Theo như sử sách ghi chép, có nhiều di tích lịch sử cùng với bảo vật quý hiếm đã được phong ấn bên trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Trong khi đó, thủy ngân là một chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua lỗ chân lông, có thể gây tử vong. Vì thế, việc đổ đầy thủy ngân được cho là một cách chống trộm hiệu quả.
Thứ hai là để thể hiện sự xa hoa, bởi thủy ngân là một thứ có giá trị, đặc biệt là ở thời cổ đại, khi công nghệ tinh luyện chưa phát triển nên đó được coi là biểu tượng của sự giàu có.
Thứ ba là để bảo quản thi thể. Thủy ngân rất dễ bay hơi và có tính diệt khuẩn mạnh, giúp sát trùng. Việc đổ thủy ngân xuống lăng mộ có tác dụng chống oxy hóa, kéo dài tuổi thọ của cung điện ở dưới lòng đất và khiến cho xác của Tần Thủy Hoàng phân hủy chậm hơn.
Sau này, trong quá trình tiến hành thăm dò địa lý vật lý cùng với địa hóa trên lăng Tần Thủy Hoàng, một nhóm nhà khoa học nhận ra rằng, dù đang là mùa đông lạnh giá nhưng ở khu vực này vẫn có những cây lựu đâm chồi nảy lộc. Thậm chí, nó còn tươi tốt hơn nhiều khi so với những cây khác. Thông thường, nếu như kim loại nặng trong đất vượt qua tiêu chuẩn, cây sẽ không thể sống được. Tuy nhiên, những cây lựu này không chỉ sống tốt mà còn đơm hoa kết trái, quả nhìn cũng vô cùng bắt mắt. Các chuyên gia đã lấy một quả để kiểm tra. Kết quả, thủy ngân ở trong vỏ của quả lựu này còn nhiều gấp hàng trăm lần so với những trái thông thường.
Từ đó có thể hình dung ra lượng thủy ngân trong lăng Tần Thủy Hoàng lớn như thế nào. Theo sử sách, vua Tần đã cho đào rất nhiều rãnh sâu bao xung quanh lăng mộ, sau đó đổ đầy thủy ngân và tạo hình giống như dòng sông.
Trong lăng mộ còn có cả binh mã, núi sông, tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng tại thế giới bên kia. Để bảo quản lăng mộ và giữ an toàn cho con người, các nhà khoa học đã lựa chọn cách giữ nguyên hiện trạng của lăng mộ. Tuy nhiên, kể từ xa xưa vua Tần Thủy Hoàng đã có những tính toán vượt xa hậu thế rất nhiều lần. Cho đến nay, lăng mộ của ông là một trong những di tích hiếm hoi vẫn còn nguyên vẹn. Công nghệ hiện nay chưa thể xử lý toàn bộ khu tổ hợp lăng mộ dưới lòng đất, cũng như bảo quản hiện vật khai quật. Do đó, ít có khả năng lăng mộ sẽ được mở ra trong tương lai gần.