Cây sồi lãng mạn nhất thế giới

Giữa tháng 8 vừa qua, nhóm một số nhà ưa thích thiên nhiên người Thụy Điển đã tới khu rừng Dodauer (thị trấn Eutin, nước Đức), nơi có một cây sồi 500 năm được đặt tên là 'cô dâu chú rể'. Marie Danoff, thành viên của nhóm nói: 'Chúng tôi muốn thấy tận mắt cây sồi đã làm mối cho 100 đôi nên duyên vợ chồng'.

Một phụ nữ leo thang để đọc thư tình cách đây gần 1 thế kỷ.

Một phụ nữ leo thang để đọc thư tình cách đây gần 1 thế kỷ.

Cây sồi đặc biệt này được cho là lãng mạn nhất thế giới khi nhiều người tìm tới để đặt vào thân cây những bức thư làm quen, hy vọng có thể tìm thấy một nửa của mình. Cây cũng có địa chỉ bưu điện để người ở xa gửi thư tới. Ông Karl-Heinz Martens, 72 tuổi, là người đưa thư tới để trên cây sồi suốt 20 năm qua. "Có điều gì đó thật kỳ diệu và lãng mạn ở cây sồi này. Trên Internet, mọi người được kết đôi nhờ các câu hỏi. Nhưng cây sồi mai mối tạo ra một sự ngẫu nhiên đẹp đẽ giống như số phận vậy", ông Martens nói.

Ông Martens khoe với nhóm khách từ phương xa đến một cuốn sổ với đầy những bức ảnh, thư từ và mẩu báo từ năm 1984, thời điểm ông tự hào cho rằng mình đã trở thành “sứ giả tình yêu”. Ông kể rằng, người dân trong vùng cho rằng cây sồi trở nên nổi tiếng từ một câu chuyện tình cách đây đã gần 130 năm.

Đó là vào năm 1890, một cô gái địa phương tên là Minna đã yêu Wilhelm - anh chàng làm chocolate. Cha của Minna cấm họ gặp gỡ nhau. Vì thế, đôi tình nhân phải bí mật trao đổi bằng những lá thư viết tay đặt trong hốc nhỏ trên thân sồi. Mãi một năm sau, cha của Minna mới cho phép hai người kết hôn, và đám cưới được tổ chức ngay dưới gốc cây đặc biệt này.

Mối tình “cổ tích giữa đời thường” lan đi khắp nơi. Từ đó, những người độc thân và lãng mạn khắp nước Đức bắt đầu viết những bức thư tình và đặt trên cây sồi "cô dâu chú rể". Do nó quá nổi tiếng, đến mức năm 1927 dịch vụ bưu chính Đức (Deutsche Post) đã đặt cho cây sồi một mã bưu điện và có người đưa thư riêng. Người ta cũng không quên làm một chiếc thang để trèo lên bỏ thư hoặc lấy thư. đi lên hộp thư bé bằng nắm tay, để giúp bất cứ ai cũng có thể mở và đọc thư.

Một lá thư nằm trong “hộp thư” trên thân cây sồi trong rừng Dodauer.

Một lá thư nằm trong “hộp thư” trên thân cây sồi trong rừng Dodauer.

Ông Martens cũng cho biết, quy định duy nhất và vẫn được duy trì cả trăm năm qua là là nếu bạn mở một lá thư mà không muốn trả lời, bạn phải đặt thư trở lại cho những người đến sau.

Martin Grundler, nhân viên Deutsche Post cho biết, cây sồi nhận được khoảng 1.000 bức thư mỗi năm. Hầu hết thư đến vào mùa hè. Ông cũng nhắc đến một truyền thuyết trong vùng rằng nếu với một cô gái chỉ cần đi ba vòng quanh thân cây trong đêm trăng tròn, nghĩ về chàng trai của mình thì họ sẽ kết hôn ngay trong năm đó.

Người ta cũng xác nhận rằng, năm 1958, một người lính tên là Peter Pump đã đến gốc sồi, đọc một bức thư và quyết định trả lời cô gái có tên Marita. Hai người thư từ qua lại rồi tổ chức đám cưới vào năm 1961 và chuẩn bị kỷ niệm lễ cưới lần thứ 63 vào cuối năm nay.

"Tôi biết được có ít nhất 10 đám cưới đã diễn ra nhờ cây sồi này. Trong đó có một cuộc hôn nhân đặc biệt với tôi" - ông Martens kể. Hóa ra, ông cũng đã nên duyên vợ chồng với bà Renate vào năm 1994, cũng nhờ việc thư đi thư lại qua hộp thư trên thân cây sồi.

Trở lại với nhóm các nhà ưa thích thiên nhiên người Thụy Điển, họ xác nhận rằng cây sồi "cô dâu chú rể” là cây duy nhất trên thế giới có địa chỉ gửi thư riêng, mà chỉ là thư tình. Hiện ông Martens là người cứ 6 ngày trong một tuần lại đi bộ vào rừng, trèo thang kiểm tra hộp thư trên cây xem có lá thư nào không. Nếu có, ông sẽ giao lại cho nhân viên bưu điện mỗi tháng 2 lần. Ông Martens cho biết, trong vòng 20 năm qua, chỉ có 1 tháng ông không thấy có lá thư nào. “Nhiều lá thư viết bên ngoài bằng thứ tiếng lạ, tôi không đọc được nhưng tin rằng ai đó sẽ hiểu vì chắc chắn đó là ngôn ngữ của tình yêu. Nếu không, họ đã không mò mẫm vào rừng, trèo lên cây để nhờ gửi nó đi, rồi để được sống trong hy vọng” - ông Martens nói.

Còn vợ ông, bà Renate kể rằng, vào năm 2009, sau hơn 100 năm kết đôi cho nhiều người, cây sồi "cô dâu chú rể” cũng được “lập gia đình” khi người ta đã kết hôn một cách tượng trưng cho “cụ” với cây dẻ 200 tuổi gần thành phố Dusseldorf (Đức). Thế là dù cách nhau 503km, nhưng hai “lão” cây không còn cô đơn. Nhưng cũng chỉ được 6 năm vì sau đó cây dẻ quá già nên bị đốn bỏ.

“Thế là cây sồi của chúng tôi lại bị “góa”. Nhưng nó vẫn nhận được những bức thư nhờ mai mối từ khắp mọi nơi” - bà Renate nói với giọng buồn bã.

“Giống như cây sồi già, xương khớp của ông Martens cũng không còn vững chắc nữa. Nhưng hàng ngày ông vẫn vào rừng, leo lên thang một cách chậm rãi. Sau khi ngó qua cái hộp thư trên cây sồi, ông lại từ từ bước xuống thang. Trời cũng sắp tối và ông cần phải trở về nhà với vợ mình, người vợ ông có được nhờ sự kết duyên của cây sồi này” - Marie Danoff, du khách đến từ Thụy Điển viết trong nhật ký điền dã của mình, ngày 17/8/2024.

Hiện người Anh vẫn còn lưu giữ một gói các bức thư tình dành cho các thủy thủ Pháp 260 năm trước. Hơn 100 bức thư được ông Renaud Morieux, giáo sư lịch sử châu Âu tại Đại học Cambridge tình cờ phát hiện tại Cục Lưu trữ quốc gia ở London (Anh). Những bức thư này được gửi cho đoàn thủy thủ tàu Galateé, họ đang đi từ Bordeaux (Pháp) đến Quebec (Canada) thì bị một tàu Anh bắt giữ và đưa đến thành phố Portsmouth. Cơ quan bưu chính Pháp đã cố gắng vận chuyển những bức thư từ người thân đến đoàn thủy thủ trong nhiều tháng. Khi biết tin tàu Galateé bị bắt, họ đã chuyển những bức thư này đến đô đốc ở London để chúng có thể được chuyển đến tay các tù nhân. Tuy nhiên, sau khi xác định rằng những bức thư không có giá trị quân sự, chính quyền Anh đã cất chúng vào kho lưu trữ, nơi chúng đã bị lãng quên trong nhiều thế kỷ cho đến khi giáo sư Morieux tình cờ phát hiện ra. Giáo sư Morieux cho biết, có 3 chồng thư được buộc lại với nhau bằng dải ruy băng. “Tôi là người đầu tiên đọc những lời nhắn gửi rất riêng tư kể từ khi chúng được viết ra hơn 260 năm trước. Nhưng người nhận đã không có được cơ hội đó. Đó là một trải nghiệm rất xúc động” - giáo sư Morieux kể lại và cho biết hầu hết thư được viết bởi phụ nữ với những lời yêu thương vô cùng giản dị “mà chúng ta khó có thể thấy được ở thế kỷ 21”.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cay-soi-lang-man-nhat-the-gioi-10288708.html