Những chiến sĩ giao liên nội thành kiên trung

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, khi từng góc phố, con đường ở Đà Lạt bị phủ kín bởi mạng lưới tình báo, mật vụ của địch, vẫn có những con người lặng lẽ, bền gan vượt qua lằn ranh sinh tử, làm cầu nối bí mật giữa nội thành và chiến khu. Họ - những chiến sĩ giao liên kiên trung, âm thầm nuôi dưỡng 'mạch máu' cách mạng trong lòng địch bằng lòng quả cảm, trí tuệ và niềm tin son sắt vào ngày độc lập, tự do của dân tộc.

Bà Đặng Thị Chính xúc động nhớ lại những năm tháng chiến tranh

Bà Đặng Thị Chính xúc động nhớ lại những năm tháng chiến tranh

MƯU TRÍ GIỮA LÒNG ĐỊCH

Trong kháng chiến chống Mỹ, giao liên nội thành đóng vai trò quan trọng trong việc việc duy trì “mạch máu” liên lạc giữa vùng căn cứ cách mạng và nội thành. Họ âm thầm đảm nhận nhiều nhiệm vụ nguy hiểm như: vận chuyển tài liệu, công văn mật, thuốc men, lương thực, vũ khí; thăm dò tình hình địch, móc nối và đưa cán bộ hoạt động bí mật ra, vào thành phố. Hoạt động giữa vòng vây kiểm soát dày đặc, đòi hỏi các giao liên phải tuyệt đối linh hoạt, mưu trí, dũng cảm để hoàn thành nhiệm vụ.

Sinh năm 1951, bà Đặng Thị Chính lớn lên trong một gia đình cơ sở cách mạng tại xã Ka Đô (huyện Đơn Dương). 17 tuổi, bà đã nhận nhiệm vụ đặt hòm thư mật, kết nối liên lạc giữa cơ sở cách mạng và chiến khu. Năm 1971, khi địch tăng cường bắt bớ, bà chuyển đến Thái Phiên hoạt động tại Chi bộ F14 Thái Phiên và trở thành giao liên của Thị ủy Đà Lạt, đảm nhận các nhiệm vụ rải truyền đơn, đưa thư mật và báo cáo tình hình địch.

Mỗi lần nhận nhiệm vụ, bà Chính luôn tìm ra cách ngụy trang tinh vi, qua mặt kẻ thù. Một lần, trong vai nữ sinh Trường Bùi Thị Xuân, khi đang thực hiện nhiệm vụ, bà bị địch khám xét. Bình tĩnh đối diện, bà đưa túi xách chứa thư mật cho kẻ thù kiểm tra. Thái độ tự nhiên của bà đã khiến địch không chút mảy may nghi ngờ. “Đôi khi nơi nguy hiểm nhất lại chính là nơi an toàn nhất”, bà Chính cười kể lại.

Năm 1973, bà được giao nhiệm vụ đặc biệt, tiếp sức cho cuộc vượt ngục tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Trong vai người thăm nuôi, bà khéo léo giấu mật thư trong ruột ổ bánh mì. Những dòng chữ bí mật được viết trên mảnh giấy xi măng nhỏ, chỉ hiện lên khi hơ qua lửa. Một phương thức ngụy trang mưu trí giúp thông tin vượt qua vòng kiểm soát gắt gao của địch, giúp các chiến sĩ vượt ngục.

Cậu bé Hà Thái Châu 10 tuổi làm giao liên năm nào, nay đã 68 tuổi

Cậu bé Hà Thái Châu 10 tuổi làm giao liên năm nào, nay đã 68 tuổi

Gan dạ, mưu trí không kém là ông Hà Thái Châu (68 tuổi), ở Phường 11, TP Đà Lạt. Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông được cô ruột là bà Hà Thị Bổng - Bí thư chi bộ đầu tiên của ấp Tự Tạo, Trại Mát, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng trung thành với cách mạng ngay từ nhỏ. Khi mới 10 tuổi, ông Châu đã được giao nhiệm vụ giao liên, vận chuyển thư từ giữa các cơ sở cách mạng. Ông nhớ, có lần, trên đường mang thư từ Trại Mát đến Nam Hồ cho gia đình cơ sở cách mạng thì bị địch chặn lại khám xét. “Thư mật được tôi giấu kín trong tay lái xe đạp. Khi nhận thấy tình thế nguy hiểm, tôi giả vờ hoảng sợ, ném xe sang một bên để đánh lạc hướng. Địch chỉ tập trung lục soát người mà không để ý đến chiếc xe. Nhờ vậy, bức thư quan trọng ấy vẫn đến tay cơ sở một cách an toàn”, ông kể.

Ngoài đưa thư, ông Châu còn lăn lộn khắp nơi để mua thuốc men, lương thực, nuôi giấu cán bộ trong 4 hầm bí mật tại nhà. Suốt những năm hoạt động cho đến ngày giải phóng, cậu bé nhỏ tuổi ấy đã không ít lần đối mặt với địch, bị khám xét, tra hỏi, thậm chí đánh đập tàn bạo. Thế nhưng, chưa bao giờ ông để lộ bất kỳ thông tin hay tài liệu nào. Tuổi nhỏ, vóc dáng bé, nhưng lòng yêu nước thì to lớn vô cùng. Với những đóng góp thầm lặng và dũng cảm ấy, ông Châu được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Tình yêu thời chiến của bà Hoàng Thị Mai Huệ và ông Nguyễn Tiến Dũng được hun đúc từ lòng yêu nước và ý chí cách mạng

Tình yêu thời chiến của bà Hoàng Thị Mai Huệ và ông Nguyễn Tiến Dũng được hun đúc từ lòng yêu nước và ý chí cách mạng

MỘT LÒNG KIÊN TRUNG VỚI CÁCH MẠNG

Nếu sự mưu trí giúp người giao liên vượt qua vòng vây của kẻ thù, thì chính tinh thần kiên trung, bất khuất đã giúp họ đứng vững trước tra tấn, đòn roi và cả sự dụ dỗ, lôi kéo của kẻ thù.

Sinh năm 1953 trong một gia đình cơ sở cách mạng tại Sào Nam (Phường 11, TP Đà Lạt), bà Hoàng Thị Mai Huệ thừa hưởng tinh thần bất khuất từ cha là ông Hoàng Huyền, người từng bị địch bắt, ở tù 16 lần nhưng chưa một lời khai, chưa một phút khuất phục. Năm 15 tuổi, khi còn là nữ sinh Trường Bùi Thị Xuân, bà Huệ đã làm giao liên, tham gia rải truyền đơn, móc nối cơ sở. Đến năm 1970, gia đình bà đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ hoạt động ở hướng Đông Bắc Đà Lạt. Bà kể: “Tính đến ngày giải phóng, tôi đã 3 lần bị địch bắt giam. Lần đầu là khoảng tháng 11/1970, khi tôi mới 17 tuổi. Hôm ấy, địch bất ngờ ập vào nhà, tôi kịp thời đóng nắp hầm bí mật, nhờ vậy các đồng chí bên dưới không bị phát hiện”. Trong nhà lao Đà Lạt, bà bị đánh đập, điện giật, tra tấn dã man. Nhưng như lời cha dặn: Vô tay giặc, chỉ nhớ một chữ “Không" và "Không”, bà tuyệt đối giữ kín mọi bí mật. Cả 3 lần bị bắt, bà đều gan góc vượt qua.

Trung tâm TP Đà Lạt ngày nay. Ảnh: Chính Thành

Trung tâm TP Đà Lạt ngày nay. Ảnh: Chính Thành

Sau khi ra tù, bà Huệ tiếp tục con đường hoạt động cách mạng, dẫn dắt thanh niên thoát ly, mua sắm thuốc men, lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ. Ông Nguyễn Tiến Dũng (78 tuổi), chồng bà, nguyên Đội trưởng mũi công tác Sào Nam, Tây Hồ giai đoạn 1969 - 1975, người từng được chính gia đình bà giúp đỡ đào hầm nuôi giấu ngay trong ngôi nhà của mình, xúc động chia sẻ: “Chúng tôi có thể làm được cách mạng nhờ vào sự đùm bọc, che chở của Nhân dân, đặc biệt là những gia đình cơ sở cách mạng. Các chiến sĩ giao liên quả thực rất gan dạ, nhanh nhẹn và dũng cảm. Nếu không có họ, cách mạng khó có thể thành công”.

Sau ngày giải phóng, gia đình bà Huệ được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; bà được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; ông Nguyễn Tiến Dũng được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Tròn 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, những chiến sĩ giao liên kiên cường năm xưa, nay đã ở tuổi 70, 80, vẫn giữ vẹn nguyên tinh thần bất khuất. Những ký ức về lòng kiên trung, sự dũng cảm, mưu trí và tình yêu quê hương cháy bỏng trong họ không chỉ là những trang sử sống động, mà còn là ngọn lửa cách mạng soi sáng và tiếp thêm ý chí cho thế hệ hôm nay trên hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/nhung-chien-si-giao-lien-noi-thanh-kien-trung-fe41fa1/