'Cây tiền tỷ' giúp nhiều người dân Đắk Lắk đổi đời
Từ cây trồng phụ, sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nguồn thu nhập ổn định.
Cây sầu riêng cổ thụ "hút" khách thập phương
Huyện Krông Pắk được coi là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây sở hữu những cây sầu riêng cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nhưng vẫn cho năng suất cao và trái thơm ngon đặc trưng. Những cây sầu riêng cổ kính này còn là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách từ khắp nơi đến khám phá và trải nghiệm.
Sở hữu cây sầu riêng cổ thụ trăm tuổi, những ngày gần đây, gia đình ông Lê Văn Thành (trú tại thôn Tân Lập, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) thường xuyên đón các đoàn khách xa gần đến thăm quan. Có mặt ở nơi đây, nhiều du khách không khỏi thích thú, nắm tay nhảy múa và thưởng thức sầu riêng ngay dưới gốc cây.
Đối với gia đình ông Thành, cây sầu riêng cổ thụ nói trên được xem như một báu vật vô giá. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, cây sầu riêng cổ thụ còn là một di sản lịch sử, thể hiện cho sự bền vững của ngành sầu riêng tại Đắk Lắk.
Theo lời kể của ông Thành, năm 1976, ba của ông rời quê hương Thừa Thiên Huế vào một vùng quê trên địa bàn huyện Krông Pắk để lập nghiệp. Một năm sau đó, ông theo cha vào Đắk Lắk và gắn bó với vùng đất đỏ bazan từ đó đến nay.
"Vào năm 1977, bà con trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắk nói riêng chủ yếu trồng độc canh cây cà phê, chỉ có lác đác vài cây sầu riêng cao lớn, rợp bóng nằm giữa các lô cà phê bạt ngàn. Lúc đó, trong rẫy của gia đình tôi cũng có một số cây sầu riêng rất to, chủ yếu là giống sầu riêng hạt. Sau này, trong quá trình canh tác, gia đình tôi đã cắt bỏ một số cây để phục vụ tái canh cây trồng, nên hiện chỉ còn lại duy nhất một cây sầu riêng cổ thụ khoảng hơn 100 tuổi", ông Thành chia sẻ.
Ông Thành cũng cho hay, để cây sầu riêng cổ thụ khỏe mạnh, xanh tốt, gia đình ông luôn chăm sóc theo cách đặc biệt, theo dõi sát sao để kịp thời khống chế các loại sâu, bệnh hại tấn công. Đến thời điểm hiện nay, cây sầu riêng cổ thụ của gia đình ông cao khoảng 30m, tán rộng 10m bao phủ khoảng đất lớn.
Đặc biệt, gốc cây to lớn đến nỗi 2 người ôm không xuể. Đáng nói, dù già cỗi nhưng cây vẫn đơm bông, kết trái đều đặn mỗi năm, với số lượng từ 60-70, thậm chí 100 trái sầu riêng, mỗi trái có trọng lượng từ 2kg trở lên. Mặc dù hạt to nhưng vỏ trái sầu riêng mỏng, cơm dày, vàng, rất thơm và béo ngậy.
Xuất phát từ những điều đặc biệt ấy, mỗi ngày, cây sầu riêng cổ thụ của gia đình ông Thành đón từ 30-40 du khách từ mọi miền Tổ quốc đến thăm quan, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Theo ông Thành, dự kiến, vào dịp Lễ hội sầu riêng Krông Pắk lần thứ II, năm 2024 sắp tới, cây sầu riêng cổ thụ của của đình ông sẽ đón đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Được biết, ngoài cây sầu riêng cổ thụ, từ năm 2004, gia đình ông Thành còn trồng thêm các loại giống sầu riêng khác như Dona và Ri6.
Đến nay, gia đình ông có khoảng gần 200 cây sầu riêng đang trong giai đoạn thu hoạch, với sản lượng hơn 40 tấn vào năm 2023 và khoảng 300 cây cầu riêng trồng năm thứ 2. Nhờ nguồn thu nhập từ "cây tỷ đô" này đã giúp cuộc sống của gia đình ông ngày càng ổn định, với mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Từ cây trồng phụ trở thành chủ lực
Ngoài cây sầu riêng trăm tuổi này của gia đình ông Thành, trên địa bàn huyện Krông Pắk còn có một cây sầu riêng hạt có tuổi thọ trên dưới 100 tuổi, có độ cao vài chục mét, tán rộng, gốc to 2-3 người ôm. Những cây sầu riêng cổ thụ này đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi cơ cấu cây trồng của người dân trong vùng.
Ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch, huyện Krông Pắk cho hay, hợp tác xã có 3 cây sầu riêng cổ thụ được người Pháp trồng thời kỳ khai thác thuộc địa, trong đó, có 1 cây sầu riêng hơn 100 tuổi.
Theo ông Thọ, thời kỳ đó, đồn điền cà phê trải rộng khắp vùng, những cây sầu riêng cổ thụ được trồng xen vào đường ranh của vườn cà phê. Cây sầu riêng theo chân người Pháp, bén rễ ở huyện Krông Pắk, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Đến nay, cây sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân địa phương.
Từ cây trồng phụ, sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của huyện Krông Pắk.
Năm 2024, diện tích cây sầu riêng toàn huyện khoảng 10.000ha, sản lượng dự kiến khoảng 92.000 tấn. Số diện tích sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu là 34 mã với diện tích 2.015ha sầu riêng của 3.761 hộ. Số cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động trên địa bàn huyện có 13 cơ sở.
Đặc biệt, năm 2022, sản phẩm trái sầu riêng tươi huyện Krông Pắk đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận số 413207, chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu "KRONG PAC DURIAN SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC" cho tập thể Hội nông dân huyện Krông Pắk theo quyết định số 16552/QĐ-STT, ngày 8/03/2022 của Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho hay, những cây sầu riêng trăm tuổi được người Pháp trồng trên địa bàn huyện không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn có giá trị về lịch sử, góp phần quảng bá cho ngành hàng sầu riêng.
Cũng theo ông Trần Hồng Tiến, trên địa bàn huyện có 35 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 36,49 % dân số.
Sầu riêng là cây đổi đời của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Krông Pắk. Nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ từ cây sầu riêng, xây dựng nhà cửa khang trang, sắm ô tô con, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian gần đây, có rất nhiều tin vui đến với ngành sầu riêng của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Thời gian qua, đã có các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang nhiều quốc gia, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn. Trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đề án này tập trung xác định các vùng trọng điểm sầu riêng, những vùng không trọng điểm và những vùng không được trồng sầu riêng nhằm tránh tình trạng phát triển không theo định hướng quy hoạch. Bên cạnh đó, hỗ trợ đầu tư đồng bộ để xây dựng vùng lõi, từ đó đảm bảo phát triển ngành hàng sầu riêng từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, xuất khẩu. Đề án cũng chú trọng nâng cao chất lượng của tiêu chuẩn sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sầu riêng...