Cây xanh ngoài lời
Cây xanh ngoài lời - đó là tên tập thơ thứ 13 của ông nhà thơ tuổi Giáp Thân (1944), sinh ra trên đất Lệ Thủy, Quảng Bình. Chả thế mà TS Hoàng Thu Thủy đã nhận xét: 'Hoàng Vũ Thuật sau mỗi lần ốm nặng (ông đã hai lần như vậy), như sự chấn thương vô thức, lại làm thơ nhiều hơn và hay hơn'.
Vừa gặp nhau, sau mấy câu chào hỏi xã giao, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật với vẻ mặt “tần ngần” hỏi luôn tôi “Mình đã gặp nhau chưa nhỉ?’’. Tôi cười “Thì ngày nào em với bác chả gặp nhau trên phây-búc”. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn “chưa nguôi”, ông gặng: “Là gặp nhau ở ngoài đời ấy”.
Cách đây vừa đúng hai mươi nhăm năm, một ngày “nắng trưa Quảng Bình”, tôi “đột ngột” xuất hiện ở cơ quan Hội Văn nghệ tỉnh. Chủ tịch Hội Hoàng Vũ Thuật cùng với các cán bộ cơ quan Hội đang ngồi quanh chiếc bàn to để cùng hưởng chung luồng gió mát phát ra từ chiếc quạt trần quay hối hả. Lần ấy tôi đi công tác ngang qua, biết trụ sở Hội gần đó nên rẽ vào thăm chơi. Ngôi nhà cấp 4 nằm ở phía bắc thành cổ Đồng Hới xem ra “quá chật” với lực lượng hội viên. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vui lắm, có bạn văn chương mãi Hà Nội vào thăm kia mà, ông hồ hởi đón nhận tờ báo Văn nghệ mới tỉnh tình tinh mà tôi vừa đưa. Ngoài chuyện báo cho ông biết chùm thơ ông vừa in còn “nóng hôi hổi”, tôi còn có ý khoe “cùng số báo này em cũng có một truyện ngắn đấy”.
Nghe tôi nhắc lại “chuyện cũ” ông nhà thơ đứng lặng vài giây rồi xúc động “Chuyện lâu thế mà Văn còn nhớ”. Thấy tâm trạng ông như vậy tôi bèn hỏi lảng: “Bác tên là Hoàng Vũ Thuật, cái tên nghe như một “võ lâm cao thủ”, vậy mà thơ của bác cứ như những khối vuông rubic ấy, rất “hậu hiện đại”. Em hỏi thật nhé! Tên ấy là do bọ mạ đặt cho hay là bút danh?”.
Không đi vào ngay câu hỏi của tôi, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật chậm rãi kể. Cách đây mấy tháng ông từ Quảng Bình ra Hà Nội, ông tìm về xã Thạch Xá huyện Thạch Thất ngoại thành Hà Nội để nhận họ hàng. Ông đã gặp và đã hỏi nhiều người nhưng tuyệt nhiên ở Thạch Xá giờ chẳng có ai là người họ Hoàng cả. Chỉ thấy toàn họ Nguyễn với họ Khương. Hỏi mãi cuối cùng có người “mang máng” rằng “Họ Hoàng Thạch Xá đã chuyển sang họ khác để tránh bị truy bức những hơn năm trăm năm rồi”.
Gia phả họ Hoàng ghi, ngày chúa Nguyễn Hoàng theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm làm cuộc “hành phương nam” có rất nhiều người nguyện tâm đi theo. Trong số ấy có một võ tướng tên là Hoàng Linh Quan người quê Thạch Xá. Viên võ tướng lập nhiều công trạng giúp chúa Nguyễn Hoàng khẳng định được “vị thế” ở nơi đất mới nên được chúa Nguyễn Hoàng ban cho một vùng đất để lập nghiệp. Nhưng với nỗi nhớ quê xưa da diết nên võ tướng Hoàng Linh Quan quyết định lưu tên Thạch Xá cho quê mới. Làng Thạch Xá Hạ thuộc xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, còn các làng Thạch Xá Bắc, Thạch Xá Tây, Thạch Xá Ngũ thuộc xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh. Những người họ Hoàng ở Quảng Bình nối đời nhau giữ nguyên họ gốc và bảo ban nhau về quê gốc Thạch Xá của mình. Thế mới có chuyện nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tìm về huyện Thạch Thất, Hà Nội tìm họ.
Cậu bé Hoàng Mậu Hiệu sinh ra với dòng máu võ hiệp kiêm khai phá trong người. Năm đi học gia đình bị vận hạn CCRĐ, gia đình lại đổi thành Hoàng Mậu Bảo nhưng ác nỗi tên Bảo lại trùng với một người già ở cạnh nhà. Cậu Hoàng Mậu Bảo đem điều đó nói với thầy Đặng Viết Cần của mình. Chẳng hiểu sao ông nói “Từ nay tên con là Hoàng Vũ Thuật”. Hẳn ý của ông giáo muốn cậu “nối dõi” nghiệp cầm quân đánh trận? Học xong cấp III, xã phê ngay vào lý lịch “không được đi đại học”. Có phải ám ảnh bởi nỗi buồn vô cớ mà Hoàng Vũ Thuật lao về phía những con chữ, những ngôn từ hòa với giai điệu dân ca “hò khoan Lệ Thủy” trên mênh mang sóng nước Kiến Giang.
Tập thơ đầu tay Những bông hoa trên cát ra đời năm 1979 đã cho thấy tâm hồn và khát vọng của con người nơi xứ sở “Chang chang cồn cát”; được giới văn học trong tỉnh, trong nước đón nhận và đánh giá tin cậy. Ba năm sau sự đón nhận và đánh giá tốt ấy, anh giáo dạy văn cấp 2 trường làng tên là Hoàng Vũ Thuật trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng từ đó ông gắn bó với “sự nghiệp” văn học nghệ thuật. Khi tỉnh Quảng Bình được tái lập, Hoàng Vũ Thuật cùng những anh chị em văn nghệ sĩ Quảng Bình về lại Đồng Hới. Dù là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, sau bao nhiệm kỳ thay đổi khác nhau, nhưng tên tuổi ông như mặc định trong làng văn chương “quê bọ”.
Đánh giá về thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà phê bình văn học Yến Thanh đã viết: “Hoàng Vũ Thuật là tác giả lớn lên trong chiến tranh chống Mỹ, thành danh về thơ ca trong thời kỳ đổi mới. Thành tựu thơ ca của Hoàng Vũ Thuật có lẽ được kết tinh trong tập thơ Tháp nghiêng (2003) với tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng văn học mang tên Lưu Trọng Lư được trao sau đó”.
Thật đúng như Hoàng Vũ Thuật đã “tuyên ngôn”, ông viết “Tôi hằng tin ngôn ngữ làm nên Tổ quốc/ tiếng đầu tiên/ mẹ/ hiền/ nước/ Việt/ tiếng trầm hùng/ và tiếng thiết tha/ âm thầm hơn mọi lời ca” (Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi). Thực tình tôi không có ý đánh giá về thơ của Hoàng Vũ Thuật bởi ở người đàn ông đã ngoài bảy mươi này có gì đó “khang khác”. Sự khang khác ở Hoàng Vũ Thuật là thơ ông không “nệ cổ”. Thơ của Hoàng Vũ Thuật luôn mới lạ, luôn tìm tòi và cũng luôn “thời thượng”. Đọc thơ của Hoàng Vũ Thuật tôi có cảm tưởng ông “rất gần” với những giọng thơ của giới thơ trẻ hiện nay.
Nghe tôi “khen” vậy nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cười. Ông thong thả: “Chẳng xa lạ gì cả/ những câu thơ viết ra như ký hiệu của lời/ là mưa nhưng không là giọt mưa bạn thấy/ có một vòm trời xám xịt mênh mông giữa thân thể tôi/ đang rơi mưa/ tắm gội mạch nguồn mát rượi” (Những câu thơ của tôi).
Ngổi chơi lâu lâu, chuyện đang hào hứng thì bất chợt nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đứng dậy nói: “Tụi mình ra quán cà phê gần đây nhâm nhi đi”. Tôi gạt: “Ra chỗ quán xá ồn ào nói chuyện thơ và đọc thơ thấy mất hứng bác ạ. Ta cứ ngồi nhà cho lành. Hơn nữa em hôm nay tới chơi thăm bác thì phải thăm chơi ở nhà chứ”. Nhà văn Nguyễn Thế Tường, gã binh nhì nổi tiếng, người đích thân lái ô tô chở tôi đến nhà Hoàng Vũ Thuật, cũng đế vào: “Chốn xô bồ không phải nơi cho thơ bác ạ. Thơ cho dù thế sự, thơ cho dù đớn đau hay êm ái đều không thể đem ra chốn ấy được”.
Vậy là chúng tôi yên vị như lúc mới vào. Chuyện thơ lân sang chuyện nhà. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đưa tay kéo rèm cửa sổ, ông chỉ vào khu đất vườn rộng ngay đó: “Mảnh đất bên đó tôi cho hai cô con gái. Gọi là “có con thì gả chồng gần có bát canh cần nó cũng mang cho”. Tôi cười khích lệ: “Bác khôn thật đấy. Cho hai cô con gái ở bên cạnh mình thật là khôn. Mình cao tuổi rồi có con gái đỡ đần hàng ngày tiện hơn nhiều”.
Rồi nhà thơ Hoàng Vũ Thuật lại trở về với thơ. Ông với tay lấy cây bút bi rồi gạt gạt mấy quyển sách cũ trên bàn làm việc để lấy chỗ đặt lên quyển sách mới. Thì ra ông có ý viết mấy lời đề tặng tôi tập thơ mới của mình. Một sự cẩn thận và trân trọng đáng quý ở một người đã nhiều năm làm thầy. Tôi lại hỏi: “Bác hoạt động văn nghệ ở tỉnh liên tục, bác thấy làm văn nghệ ở địa phương khác làm văn nghệ ở trung ương thế nào?”. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nói ngay: “Làm văn nghệ ở trung ương đôi khi mình bị sa vào “mê hồn trận” bởi ở trung ương có quá nhiều người làm văn nghệ. Có thể mình bị hẫng, có khi mình bị ngợp nên có khi mình bị ảnh hưởng “cái chung” vô hình mình mà không hay biết. Ở địa phương giúp mình bình tĩnh, tự tin, thôi thúc mình hơn. Nó bắt mình phải tự “lớn lên”. Ôi chao, câu nói thấu đáo làm sao. Thảo nào thơ Hoàng Vũ Thuật cứ hay, cứ mới cho dù tuổi cứ nhiều thêm.
Vừa đón nhận tập thơ mà ông đề tặng, tôi vừa hỏi them: “Sau tập này chắc bác sẽ có nhiều tập thơ nữa?”. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật khoe ngay “Tập Một mai gió chở tôi về đã in xong ở thành phố Hồ Chí Mình. Có sách là mình gửi tặng”. Rồi như được đà, ông mở máy tính đọc cho chúng tôi nghe bài thơ vừa viết xong tối qua về hang Sơn Đoòng kỳ quan thiên nhiên thế giới, để thay lời chia tay:
“chẳng ngôn từ nào mềm hơn
bờ môi của đá
lập thể tình yêu
cội nguồn phồn thực
thế giới của tôi đôi cánh mùa hè
trên thịt da kỳ vĩ Sơn Đoòng
vô biên hóa thạch.
(Bản hòa tấu không tên)
Có một niềm vui không tên ở mãi trong tôi khi gặp ông như cây xanh ngoài lời khi tôi đến đất Quảng Bình lần thứ hai vậy.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/cay-xanh-ngoai-loi-tintuc444697