CEO ACB: Xác thực sinh trắc học từ 1/7 sẽ hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản

Ông Từ Tiến Phát - CEO ACB cho biết, ngân hàng thường phải đối mặt với những cuộc gọi khẩn cấp vào nửa đêm hoặc sáng sớm liên quan đến việc khách hàng bị mất tiền trong tài khoản.

Vì thế, theo ông Phát, yêu cầu xác thực khuôn mặt trong giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày kể từ 1/7 là cần thiết để ngăn chặn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản.

Riêng tại ACB, hệ thống xác thực khuôn mặt đã được triển khai và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Ông Phát cho biết sau 3 ngày áp dụng, đã có 30.000 khách hàng thực hiện xác thực khuôn mặt, quá trình này chỉ mất chưa đến 30 giây.

Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB

Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB

Theo quyết định của NHNN từ ngày 1/7, chuyển khoản từ 10 triệu đồng trở lên phải xác thực sinh trắc học khuôn mặt nên ACB nói riêng và các NHTM nói chung cũng đã có sự chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu trên. Riêng ACB đến thời điểm này đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để đưa lên nền nảng ACB ONNE và đầu tháng 6/2024, ngân hàng cũng đã thu thập các thông tin của khách hàng để chuẩn bị đáp ứng tốt cho khách hàng.

Cụ thể, từ tháng 6/2024, ACB sẽ triển khai cho khách hàng đăng ký xác thực khuôn mặt nhằm tăng cường bảo mật tài khoản và bảo vệ các giao dịch trực tuyến giá trị lớn, đáp ứng Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của NHNN.

ACB triển khai cho khách hàng đăng ký xác thực khuôn mặt trên ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE phiên bản mới 3.26.0. Khách hàng cần chuẩn bị điện thoại thông minh có hỗ trợ đọc NFC và thẻ căn cước gắn chip chính chủ còn hiệu lực nhằm đảm bảo dữ liệu khuôn mặt đăng ký với ACB trùng khớp dữ liệu sinh trắc học đã được xác minh và lưu trữ tại Bộ Công an.

Ông Phát cho hay, chỉ sau 3 ngày đầu triển khai, có 30.000 khách hàng xác thực và ông là khách hàng đầu tiên. "Ngay khi triển khai, chúng tôi rất lo hệ thống này có đảm bảo hay không, độ mượt. Nhưng thực tế, chưa đến 30 giây đã xác thực được, thuận lợi. Đây là giải pháp rất triệt để, giải quyết được các rủi ro trong thời gian qua. Tôi nghĩ từ ngày 1-7 mọi thứ tốt hơn nhiều”, ông Phát nói.

Xác thực khuôn mặt là công nghệ bảo mật hiện đại, đảm bảo chính chủ tài khoản đang thực hiện giao dịch trực tuyến, từ đó giảm thiểu rủi ro gian lận và bảo vệ tốt hơn cho các giao dịch có giá trị lớn. Việc áp dụng xác thực khuôn mặt thể hiện sự chủ động và tập trung của ACB trong việc triển khai giải pháp đảm bảo an toàn cho các giao dịch trực tuyến theo chỉ đạo của NHNN, từ đó tạo ra sự an tâm cho khách hàng.

Từ tháng 7/2024, khách hàng sẽ phải xác thực khuôn mặt trong các tình huống giao dịch như sau trên ứng dụng ACB ONE: Giao dịch chuyển tiền, thanh toán hoặc nạp ví điện tử trên 10 triệu đồng/giao dịch; Tổng giá trị giao dịch cộng dồn trong ngày trên 20 triệu đồng/ngày; Lần đầu đăng nhập vào ứng dụng ACB ONE trên thiết bị mới.

Đối với những khách hàng đã đăng nhập vào ứng dụng ACB ONE phiên bản mới nhất (từ 3.26.0 trở lên) trên thiết bị hiện tại trong tháng 6/2024 và không thay đổi thiết bị, khách hàng sẽ không cần xác thực khuôn mặt để xác thực tài khoản trên thiết bị đang sử dụng·từ 1/7/2024. Nếu cập nhật phiên bản ACB ONE 3.26.0 hoặc mới hơn sau ngày 1/7/2024, khách hàng sẽ được yêu cầu thực hiện đăng ký và xác thực gương mặt khi đăng nhập lần đầu.

Khách hàng ACB có thể đăng ký xác thực khuôn mặt trên ứng dụng ACB ONE với điện thoại thông minh có hỗ trợ NFC và cài đặt ACB ONE phiên bản mới nhất từ 3.26.0 trở lên. Theo đó, khách hàng sẽ thao tác như sau: truy cập ứng dụng ACB ONE, chọn "Thêm" và "Xác thực khuôn mặt", chọn tiếp ô đồng ý theo quy định của ACB và chọn "Đăng ký" để bắt đầu thực hiện theo các bước hướng dẫn.

Đặc biệt là tính đảm bảo an toàn bảo mật cho khách hàng, các ngân hàng cũng như ACB cũng phải đầu tư, tốn chi phí, nhưng phải dảm bảo an toàn cho khách hàng. Việc kết nối phải được tích hợp với CCCD của khách hàng, ngân hàng kết nối với khách hàng trong lần đầu và sau đó khách hàng phải tự xác thực khuôn mặt…

Theo Tổng giám đốc ACB, chi phí cho việc kết nối đối với trung tâm dữ liệu quốc gia không qua tốn kém, song chi phí để xác thực từng khuôn mặt của khách hàng cũng đòi hỏi sự đầu tư kỹ lượng. Ngân hàng phải trả hoàn toàn chi phí này, còn khách hàng không phải tốn kém.

Cũng theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, có 2 thách thức lớn trong việc triển khai quy định trên. Thứ nhất là về thời gian, khi các ngân hàng phải thu thập một lượng lớn thông tin của khách hàng.

Chẳng hạn tại ACB hiện nay có đến 7.000 – 8.000 khách hàng nên phải thu thập toàn bộ thông tin của khách hàng trong một thời gian tương đối ngắn. Có thể, một số khách hàng trong thời gian qua chưa đăng ký, nhưng đến ngày 1/7 khi thực hiện họ sẽ có một số ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ACB sẽ có chính sách truyền thông phù hợp để làm sao khách hàng nhanh chóng được thực hiện. Hiện thanh toán tiền mặt tại ACB tăng trưởng khá nhanh, với mức tăng bình quân mỗi năm tăng trưởng khoảng 50%. Nhưng năm 2023, thanh toán không tiền mặt tại ACB tăng 80% và quý I/2024 tăng 70%.

Còn tỷ lệ giao dịch ngân hàng số ở ACB tăng trưởng đến 90% hàng năm. Có thể nói, với các ngân hàng chuyển đổi số nhanh và mạnh thì tỷ lệ giao dịch ngân hàng số cũng tăng lên đáng kể, giúp người dùng có thể tiết kiệm thời gian chi phí.

T.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ceo-acb-xac-thuc-sinh-trac-hoc-tu-17-se-han-che-rui-ro-mat-tien-trong-tai-khoan-d217726.html