CEO Nvidia thay thế Elon Musk làm cầu nối giữa Trung Quốc với Tổng thống Trump
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa ông Musk và Tổng thống Mỹ xấu đi nghiêm trọng, Bắc Kinh dường như đang chuyển sự chú ý sang một nhân vật mới có thể thay thế vai trò cầu nối giữa Trung Quốc tới ông Trump: Jensen Huang, CEO công ty chế tạo chip Nvidia...

CEO Nvidia, ông Jensen Huang, phát biểu bên cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện "Đầu tư vào nước Mỹ" ở Washington ngày 30/4/2025 - Ảnh: Reuters
Vào mùa hè năm 2018, hai chiếc xe điện Tesla di chuyển vào Trung Nam Hải, nơi đặt trụ sở của Đảng Cộng sản và Quốc vụ viện Trung Quốc, ở Bắc Kinh và đỗ trước sảnh Zi Guang Ge. CEO của Tesla, ông Elon Musk, bước xuống, đi vào bên trong và gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó, ông Vương Kỳ Sơn - một nhân vật thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
MỘT CẦU NỐI THAY THẾ
Chia sẻ về cuộc gặp với ông Vương trên mạng xã hội X (khi đó là Twitter), tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết ông đã có “một cuộc thảo luận thú vị và sâu sắc về lịch sử, triết học và vận may”.
Từ sau đó, mối quan hệ giữa ông Musk và Bắc Kinh ngày càng thắt chặt. Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao cam kết vững chắc của ông trùm xe điện Mỹ về hoạt động kinh doanh tại nước này bất chấp căng thẳng chính trị giữa hai nước leo thang trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.
Khi ông Musk tự khẳng định mình là “cộng sự thân thiết đầu tiên” của Tổng thống Mỹ vào đầu năm nay, Bắc Kinh kỳ vọng vị tỷ phú sẽ trở thành một “tiếng nói lý trí” tại Washington.
Tuy nhiên, tình hình giờ đây đã thay đổi khi mối quan hệ giữa ông Musk và ông Trump xấu đi nghiêm trọng. Lúc này, Bắc Kinh dường như đang chuyển sự chú ý sang một nhân vật mới có thể thay thế vai trò cầu nối giữa Trung Quốc tới ông Trump: ông Jensen Huang, CEO công ty chế tạo chip Nvidia.
Đầu tháng này, ông Huang đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ và các nhà lập pháp Mỹ tại Washigton và nhận được sự phê duyệt để tiếp tục bán con chip tiên tiến H20 cho Trung Quốc. H20 là phiên bản thu nhỏ của con chip H100 hàng đầu của Nvidia, được thiết kế để tuân thủ các hạn chế về xuất khẩu của Mỹ do chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra trước đây.
Vào tháng 4/2025, chính quyền Trump đã đưa H20 vào danh sách hạn chế xuất khẩu - một động thái vấp phải sự chỉ trích của ông Huang. Doanh nhân này nói rằng Washing “sai lầm thấy rõ” khi cho rằng Trung Quốc không thể sản xuất con chip trí tuệ nhân tạo (AI). CEO Nvidia cho rằng con chip Mỹ cần phải được sử dụng trong các mô hình AI mã nguồn mở ở Trung Quốc, như DeepSeek và Qwen của Alibaba, thay vì nhường chỗ cho các đối thủ nội địa như Huawei.
“Bắc Kinh xem các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ là một lực lượng ôn hòa, chống lại những người theo chủ nghĩa an ninh cứng rắn tại Washington”, bà Lizzi Lee, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI), nhận định với tờ báo Nikkei Asia. “Nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng ông Jensen Huang là một cầu nối giữa Trung Quốc với Mỹ, một cầu nối có sự kết hợp giữa sức mạnh của sự nổi tiếng và chiến lược kinh doanh”.
KHÁC BIỆT GIỮA TESLA VÀ NVIDIA Ở TRUNG QUỐC
Nvidia, công ty đại chúng có vốn hóa lớn nhất thế giới, có vị thế đặc biệt ở chỗ công ty này có thể mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và Tổng thống Trump.
“Với ông Trump, thành công của Nvidia và thị trường cổ phiếu tăng mạnh là một thắng lợi lớn về mặt chính trị, kể cả khi công ty này vẫn là một tâm điểm trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung”, bà Lee nhận xét.
Thứ sáu Tuần trước, chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức giá cao kỷ lục nhờ động lực lớn từ cổ phiếu Nvidia sau khi công ty này được phép tiếp tục được bán con chip H20 ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, không giống như Tesla, trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, Nvidia không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bản thân ông Huang cũng không cần dựa quá nhiều vào mối quan hệ với các quan chức Bắc Kinh để thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại đây.
“Ông Elon Musk đã làm việc với các quan chức Trung Quốc lâu hơn và thường xuyên hơn kể từ khi Tesla trở thành nhà sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên không phải liên doanh tại Trung Quốc”, một giám đốc doanh nghiệp liên quan tới hoạt động kinh doanh của Nvidia tại đất nước tỷ dân cho biết. “Trong khi đó, Nvidia có mối quan hệ sâu rộng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại đây, nhưng không quan hệ nhiều với chính phủ”.
Tesla, công ty đã giúp ông Musk trở thành người giàu nhất thế giới, phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về cả sản xuất lẫn doanh thu. Trong quý đầu năm nay, nhà máy Gigafactory ở Thượng Hải của Tesla xuất xưởng 172.000 xe, một con số chiếm hơn một nửa doanh số toàn cầu của công ty. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm hơn 40% số xe này.
Ngược lại, với Nvidia, thị trường Trung Quốc chỉ mang lại 13% doanh thu trong năm tài khóa gần đây nhất. Trước khi Chính phủ Mỹ hạn chế xuất khẩu chip, thị trường tỷ dân này chiếm khoảng 25% doanh thu của công ty.
Từng là công ty chip ít người biết đến, Nvidia nổi lên trong cơn sốt AI tạo ra bởi ứng dụng ChatGPT vào cuối năm 2022. Nvidia hầu như không được Bắc Kinh chú ý cho đến khi Washington áp đặt hạn chế xuất khẩu các con chip của công ty này sang Trung Quốc.
Nhờ sự tăng trưởng bùng nổ trong kỷ nguyên AI, Nvidia và vị CEO nổi tiếng của công ty đã nhanh chóng củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh.
Từ đầu năm đến nay, ông Huang đã tới Trung Quốc 3 lần, trong đó có một lần gặp gỡ Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao. Tại cuộc gặp này, ông Wang nói rằng ông kỳ vọng các công ty đa quốc gia, bao gồm Nvidia, sẽ cung cấp cho khách hàng Trung Quốc “những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao và đáng tin cậy”.
Tuy vậy, tại Washington, những tranh luận việc cân bằng giữa an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh kinh tế vẫn chưa đi đến hồi kết.
Tháng 12 năm ngoái, trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã chỉ trích việc Nvidia điều chỉnh con chip để lách biện pháp hạn chế xuất khẩu của Chính phủ.
“Mỗi ngày, Trung Quốc đều cố gắng tìm cách lách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chúng ta... Điều này đồng nghĩa chúng ta phải thắt chặt các biện pháp đó từng phút từng ngày, và nghiêm túc hơn trong việc thúc đẩy các đồng minh của Mỹ thực hiện các biện pháp như vậy”, bà Raimondo phát biểu tại một sự kiện ở California.
“Nếu các anh thiết kế lại con chip để lách quy định, tôi sẽ xử lý vấn đề đó ngay ngày hôm sau”, bà Raimondo phát biểu khi đề cập tới Nvidia.
Chia sẻ với Nikkei Asia thứ Sáu tuần trước, một cựu quan chức khác của chính quyền Biden nhận định rằng việc chính quyền của ông Trump sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu một đòn bẩy để giành chiến thắng trong đàm phán thương mại với Trung Quốc là một điều đáng lo ngại.
"Chúng tôi (chính quyền Biden) chưa bao giờ đàm phán về vấn đề an ninh quốc gia - tức biện pháp kiểm soát xuất khẩu - với Trung Quốc, dù Bắc Kinh đã luôn yêu cầu chúng tôi làm vậy”, vị cựu quan chức nói.