CEO Robot giao hàng: 'Đã có lúc tôi từng nghĩ mình chiến đâu là thắng đó'

Với kinh nghiệm làm việc trong nhiều công ty công nghệ lớn và đang phát triển startup, ông Nguyễn Tuấn Anh tự tin rằng, nếu được tạo điều kiện, Việt Nam sẽ có những sản phẩm công nghệ tốt xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới trong tương lai.

Nguyễn Tuấn Anh vốn nổi tiếng với vai trò Giám đốc Sáng lập Grab Việt Nam và CEO VinID. Tuy nhiên, sau khi rất thành công với Grab, rồi sau đó là quãng thời gian gắn bó VinID, đến năm 2021, chàng trai sinh năm 1982 bỗng "ở ẩn" và rồi xuất hiện trở lại bất ngờ không kém với vai trò đồng sáng lập và CEO Alpha Asimov Robotics, startup tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển robot giao hàng tự hành đầu tiên ở Việt Nam.

"Ngờ ngợ mình sai" để tăng xác suất thành công

- Sau khi dành cho mình một "khoảng lặng", lý do gì anh quay trở lại khởi nghiệp?

Thời điểm trước đó, tôi đã làm việc ở khá nhiều công ty và thấy rằng mình không dành đủ thời gian cho bản thân. Vì vậy tôi nghĩ rời VinID là thời điểm tốt để cho mình một điểm dừng.

Từ trước đến giờ tôi vẫn mong muốn startup, nên nó không phải là cái gì đó đến đột ngột. Tôi cũng có những ý tưởng khác nhau nhưng không phải tất cả đều khả thi, cái nào cũng cần đúng thời điểm cũng như sự ủng hộ của nhà đầu tư và thị trường.

Với robot giao hàng, tôi nghĩ đó là xu hướng tất yếu của tương lai. Tôi hiểu là đã đến lúc mình phải làm gì đó. Nguồn nhân lực của Việt Nam cũng rất giỏi nên việc ứng dụng công nghệ là chuyện hoàn toàn có thể.

- Xin lỗi anh, nhưng tôi tưởng thời điểm "đến lúc mình phải làm gì đó" bắt đầu từ lúc anh rời khỏi "gã khổng lồ" Yahoo! để về Việt Nam?

(Cười lớn). Đúng là năm 2008, khi nghỉ Yahoo! để về Việt Nam khởi nghiệp, tôi tưởng mình đã đủ kiến thức, bây giờ chỉ việc chiến đấu là thắng! Lúc đó tôi đã đọc rất nhiều sách và tham gia các khóa học về khởi nghiệp, khóa học thành công... Nhờ sự kiêu ngạo này mà tôi đã thất bại thảm hại vài lần.

Thực tế rất khác xa lý thuyết, và quan trọng hơn nữa là lúc đó tôi không đủ tự nhận thức để biết điểm yếu và những lựa chọn không đúng của mình. Sau khi va đập khá nhiều lần thì mới bắt đầu ngờ ngợ ra "hay là mình sai?".

Từ khi bắt đầu biết chấp nhận mình có thể sai, tôi không còn giả định những thứ mình biết luôn đúng nữa, mà nó chỉ là 1 góc nhìn, và có thể có nhiều góc nhìn khác nhau. Từ đó tôi cố gắng lắng nghe mọi người xung quanh và tín hiệu của thị trường hơn (đến giờ vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa).

Tuy nhiên, tôi nghĩ mình có thể vẫn rất tự tin, dù vẫn chấp nhận khả năng mình sai, và vì chấp nhận khả năng đó nên mình luôn tìm tòi những điểm yếu và khắc phục nó, dẫn đến việc tăng xác suất thành công lên, và vì vậy mà mình tự tin hơn.

- Làm việc tại các công ty lớn về công nghệ như Yahoo! hay Grab, VinID chắc hẳn đã mang lại cho anh những trải nghiệm quý báu?

Tôi bị thu hút bởi dịch vụ công nghệ mới mẻ, có ý nghĩa. Ở các công ty đó, tôi học được nhiều thứ như cách quản lý, vận hành và được làm nhiều việc mới mẻ. Như Grab khi vào Việt Nam có những quy định về luật chưa thực sự rõ ràng, nhờ đó mà tôi có nhiều trải nghiệm hơn, cùng với những cộng sự và đối tác đưa Grab mở rộng tại thị trường Việt Nam.

- Có lẽ vì vậy nên những thứ anh chọn để làm ở Việt Nam hoàn toàn chưa có khuôn khổ pháp lý, phải thí điểm, thử nghiệm, như robot giao hàng hiện nay?

Khi tìm hiểu, tôi thấy chi phí dịch vụ Last-Mile Delivery (giao hàng chặng cuối đến người dùng) rất cao. Đứng ở góc độ kinh doanh, tôi thấy điều này hoàn toàn có thể cải thiện được.

Trong quá trình suy nghĩ, tôi quan sát rất nhiều các vấn đề vĩ mô và thấy rằng một đất nước muốn phát triển thì phải tăng năng suất làm việc, tạo ra nhiều của cải hơn. Từ trước đến nay khi bắt đầu bất kỳ dự án nào tôi đều mong muốn có thể ứng dụng công nghệ để tăng năng suất.

Tôi bắt đầu có ý tưởng về Alpha Asimov Robotics từ tháng 9/2021 và đến tháng 11 chính thức thành lập công ty.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Alpha Asimov Robotics. (Ảnh:NVCC)

Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Alpha Asimov Robotics. (Ảnh:NVCC)

5 năm nữa, robot Việt sẽ chạy khắp thế giới, tại sao không?

- Việt Nam hiện còn khá nhiều rào cản, có bao giờ anh nghĩ trong đầu rằng "liệu dự án của mình có viển vông”?

Làm startup lúc nào cũng rủi ro mà (lại cười). Nếu mình tính toán kỹ và thừa nhận những khó khăn, cùng lên hướng giải quyết cho những vấn đề đó thì rủi ro của mình sẽ giảm đi đáng kể.

Mục tiêu của chúng tôi không phải là ngay lập tức tạo ra được sản phẩm tốt hơn Tesla hay Waymo, mà chúng tôi sẽ làm cuốn chiếu. Khi có thể giải quyết bài toán kinh doanh bằng công nghệ này và có được lợi nhuận, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư số tiền đó để tạo ra sản phẩm thông minh hơn.

Nếu bảo sản phẩm được chạy khắp nơi ngay chắc chắn tôi không làm được. Tuy nhiên nếu nói 2 năm nữa sản phẩm có thể chạy khắp Việt Nam rồi 5 năm nữa có mặt ở khắp nơi trên thế giới thì tôi nghĩ có thể làm được.

- Người ta hay nói “hardware is hard” (làm phần cứng rất khó), anh chọn mảng này có thấy đúng như vậy không?

Làm phần cứng đúng là quá khó, những linh kiện và thiết bị có độ chính xác cao chỉ có vài nhà cung cấp trên thế giới thôi (Qualcomm, Nvidia), rất là hiếm, quản lý chuỗi cung ứng rất phức tạp, nghiên cứu & phát triển (R&D) rất mất thời gian và chi phí. Tuy nhiên, phần cứng chỉ là 1 mảnh ghép của bài toán lớn trong ngành này.

Cái khó nhất là phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI) cho robot. AI như bộ não của robot, nếu được cung cấp dữ liệu càng nhiều thì nó càng thông minh. Có những công ty trên thế giới có phần cứng tốt nhưng họ chưa triển khai thử nghiệm được nên khả năng còn hạn chế.

Vì mình thừa nhận nó là khó, nên mình nghiên cứu kỹ làm sao cho hiệu quả nhất, và “bước đều chân” giữa các mảng: phần cứng, phần mềm/AI, pháp lý và marketing. Tôi tin là khi được sự đón nhận của xã hội (do chi phí rẻ hơn), của chính phủ (giúp nền kinh tế hiệu quả hơn) thì R&D sẽ phát triển nhanh và sản phẩm ngày càng tốt hơn.

- Đó có là lý do để anh chọn Phenikaa-X làm người đồng hành trong dự án của mình?

Tôi rất vui khi Việt Nam có những tập đoàn lớn thật sự quan tâm và đầu tư vào ngành này. Thật ra Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này, mọi người đang làm thật chứ không phải chỉ nói mà không làm.

Phenikaa-X là cổ đông sáng lập (cùng với anh Lê Anh Sơn, CEO Phenikaa-X), họ làm được chiếc xe tự lái cấp độ 4 đầu tiên ở VN nên việc cùng với chúng tôi sản xuất robot tự hành cỡ nhỏ khá là thuận lợi. Không có họ chúng tôi không có được sản phẩm như hôm nay.

- Mục tiêu trong 10 năm tới của anh là gì?

Nếu nói về mục tiêu xa hơn 10-20 năm nữa, tôi muốn làm tất cả những thứ có thể giúp con người giải phóng khỏi những công việc lặp đi lặp lại.

Tôi sẽ cố gắng quan sát cuộc sống của con người từ lúc thức dậy, ăn uống, đi làm... từ đó dự đoán những công nghệ cần thiết cho cuộc sống tương lai. Khi làm xong robot này chúng tôi sẽ làm tiếp những sản phẩm robot khác.

Asimov Robotics, startup tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển robot giao hàng tự hành đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Asimov Robotics, startup tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển robot giao hàng tự hành đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Tự tin trước các đối thủ lớn

- Với kinh nghiệm của mình, anh đánh giá thế nào về các Startup tại Việt Nam hiện nay?

Việt Nam có rất nhiều nhân sự giỏi nhưng cần tập hợp các anh em lại, đánh mũi nhọn. Khi mình đánh vào một mảng thật tốt, đem lại nhiều ứng dụng cho cuộc sống sẽ có tiền để tiếp tục đầu tư và xin các cơ chế thử nghiệm.

Thành công đó cũng có thể trở thành động lực thúc đẩy các bạn trẻ cùng làm. Các bạn trẻ thời 4.0 có rất nhiều ý tưởng hay và tôi tin rằng nếu được tạo điều kiện, Việt Nam sẽ có những sản phẩm công nghệ tốt xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới trong tương lai.

- Nhiều lo ngại các startup của Việt Nam nhỏ bé, khó cạnh tranh với thế giới, anh nghĩ sao?

Đối thủ lớn hay nhỏ không quan trọng. Mỗi doanh nghiệp lớn đều xuất phát từ nhỏ. Doanh nghiệp lớn có vấn đề của lớn, nhỏ có vấn đề của nhỏ.

Họ đến từ nước ngoài có tiềm lực nhưng doanh nghiệp trong nước lại có lợi thế xây dựng sản phẩm theo quy chuẩn văn hóa trong nước, am hiểu địa phương nên vẫn tự tin có khả năng chiến thắng. Chính vì thế, tôi không lo cạnh tranh với các đối thủ lớn nếu họ vào Việt Nam.

Mọi người thường phân biệt startup với công ty lớn, nhưng khi tôi làm Grab thì đâu có ai biết đó là công ty gì cho tới khi nó nổi tiếng. Tất cả các công ty lớn đều qua giai đoạn startup, vì vậy tôi thấy không cần phân biệt doanh nghiệp lớn với startup.

- Để Startup Việt có thể thành công, anh có kiến nghị gì không?

Trên bình diện cạnh tranh quốc tế, công nghệ lõi chỉ là một nửa câu chuyện thành công. Chúng tôi tự hào nói rằng Việt Nam mình có thể phát minh ra công nghệ. Một nửa câu chuyện còn lại phụ thuộc vào môi trường thể chế.

Để đào tạo trí tuệ nhân tạo cho một con robot tự hành ở cấp độ 4 thì doanh nghiệp cần được thử nghiệm trong môi trường thật để máy có thể biết tránh những tình huống thực tế mà phòng thí nghiệm không có được (tất nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn và luôn có người trợ lái khi cần thiết). Nước nào có cơ chế cởi mở thì sẽ giúp đào tạo được trí tuệ nhân tạo nhanh hơn, từ đó, sản phẩm sẽ được đưa vào đời sống nhanh hơn

Điều kiện tiên quyết để thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là Nhà nước có thể giúp làm "bà đỡ" cho các phát minh khoa học thông qua khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát.

- Anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ cứ mạnh dạn startup, các công ty muốn lớn đều phải qua giai đoạn nhỏ. Nếu nhỏ mà thất bại thì thôi nhưng nếu phát triển được thì mình cứ tiếp tục làm.

Tôi có quan điểm rằng người thành công nhất chưa chắc là người thông minh nhất, mà là người có tư duy phù hợp để họ sẵn sàng đi tiếp.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ceo-alpha-asimov-robotics-viet-nam-se-co-san-pham-cong-nghe-tot-xuat-khau-2157001.html