CEP đến gần công nhân hơn

Thời gian tới, CEP sẽ đẩy mạnh hỗ trợ vốn vay và các hoạt động cộng đồng đến với công nhân lao động tại các KCX-KCN, khu nhà trọ

Suốt quá trình gần 30 năm hình thành và phát triển, dù có chuyển đổi mô hình hoạt động thì Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) vẫn kiên trì mục tiêu phi lợi nhuận và đồng hành với công nhân lao động (CNLĐ) nghèo, giúp họ vươn lên để có cuộc sống tốt hơn. Đó là khẳng định của lãnh đạo CEP tại Hội thảo nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công đoàn (CĐ) và CEP trong công tác hỗ trợ CNLĐ nghèo tổ chức vào cuối tuần qua.

Cải thiện cuộc sống công nhân

Tiền thân là Quỹ Trợ vốn cho người lao động (NLĐ) nghèo tự tạo việc làm, được thành lập vào năm 1991, CEP là một trong những chương trình hành động cụ thể của LĐLĐ TP HCM tham gia xây dựng chiến lược giảm nghèo và tạo việc làm một cách bền vững trong CNLĐ.

Suốt chặng đường gần 30 năm qua, CEP luôn nỗ lực, kiên trì đưa những đồng vốn tín dụng nhỏ, dịch vụ tiết kiệm và chương trình phát triển cộng đồng đến tận tay hàng triệu CNLĐ nghèo và người có thu nhập thấp, góp phần cải thiện cuộc sống và giảm nghèo không chỉ ở TP HCM mà còn vươn đến các tỉnh lân cận. Đến cuối năm 2018, CEP chuyển đổi mô hình hoạt động thành tổ chức tài chính vi mô. Dù có thay đổi về mô hình hoạt động, CEP vẫn tận dụng ưu thế của mình để tiếp tục sứ mệnh vì NLĐ nghèo.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng Giám đốc CEP, mỗi năm CEP hỗ trợ vốn vay cho khoảng 365.000 lượt CNLĐ với số tiền 8.800 tỉ đồng. Chỉ tính riêng tại TP HCM, mỗi năm có khoảng 190.000 lượt CNVC-LĐ vay vốn, trong đó khoảng 40% CNVC-LĐ vay tại nơi làm việc, 30% CNVC-LĐ vay tại nơi ở. Bên cạnh đó, CEP cũng duy trì các hoạt động phát triển cộng đồng, qua đó đã hỗ trợ khoảng 80.000 lượt CNLĐ với số tiền khoảng 29 tỉ đồng.

Các hoạt động của CEP luôn gần gũi, thiết thực. Tiêu biểu là chương trình "CEP - Chia sẻ yêu thương" đã kịp thời hỗ trợ hàng ngàn suất quà cho thành viên là người nghèo, những CNLĐ bị mất việc, bị giảm giờ làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nạn tín dụng đen, việc phát triển nguồn vốn cũng như khó tiếp cận CNLĐ tại nhiều doanh nghiệp (DN) nhưng với các hoạt động của mình, CEP sẽ luôn là cánh tay nối dài, là công cụ của tổ chức CĐ TP để tiếp sức cho NLĐ, nhất là những trường hợp khó khăn" - bà Vân khẳng định.

Bà Vân bày tỏ mong muốn các cấp CĐ, nhất là CĐ cấp trên tương đương, sẽ tiếp tục đồng hành và phối hợp chặt chẽ hơn với CEP trong công tác truyền thông để CEP tiếp cận rộng rãi hơn với CNLĐ trực tiếp tại các DN trong thời gian tới, không để NLĐ kiệt quệ vì phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao.

Cán bộ tín dụng CEP quận 8, TP HCM trao vốn cho khách hàng. Ảnh: YẾN NGỌC

Cán bộ tín dụng CEP quận 8, TP HCM trao vốn cho khách hàng. Ảnh: YẾN NGỌC

Nên tăng mức vay tối đa

Góp ý tại hội thảo, đại diện các CĐ cấp trên cơ sở đánh giá cao vai trò đồng hành của CEP trong việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ TP thời gian qua. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cần tăng tỉ lệ CNLĐ, đoàn viên CĐ được vay vốn và hưởng thụ từ các chương trình hỗ trợ cộng đồng từ CEP.

Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP, hiện tại chỉ có 20.000/280.000 lao động đang làm việc tại các KCX-KCN TP tiếp cận được vốn vay của CEP. Ông nói: "CN ở nhiều DN thắc mắc tại sao NLĐ ở công ty khác thì được vay vốn của CEP còn họ thì không? Điều đó cho thấy nhu cầu hỗ trợ vốn vay từ CEP khá lớn. Do vậy, thời gian tới, CEP cần đẩy mạnh tiếp cận CNLĐ tại KCX-KCN. Chúng tôi sẽ sẵn lòng hỗ trợ hết mình trong công tác truyền thông đến CĐ cơ sở cũng như CNLĐ".

Ông Châu Văn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho biết tín dụng đen còn khá phổ biến, dù lãi suất cao nhưng thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng nên số đông NLĐ vẫn chấp nhận vay dù biết sẽ gặp rủi ro. "Nhiều NLĐ muốn vay vốn CEP nhưng ngại thủ tục hoặc chưa đủ điều kiện vay, do đó cần đơn giản hơn thủ tục vay để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ tiếp cận vốn" - ông Tuấn góp ý.

Nhiều ý kiến cho rằng mức vay tối đa hiện tại (50 triệu đồng) không thể giúp NLĐ giải quyết triệt để khó khăn, do vậy CEP cần nghiên cứu nâng mức nhằm chia sẻ với NLĐ nhiều hơn. Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch CĐ ngành giáo dục TP, cho biết thời gian qua CEP luôn phối hợp tốt với CĐ ngành, nhất là trong mùa dịch, CEP đã có gói vay dành cho giáo viên, nhân viên của ngành, điều chỉnh lãi suất cho vay qua đó đã tạo sự gắn kết. Chỉ tính trong 6 tháng, CEP đã giải ngân cho hàng trăm hồ sơ với số tiền trên 24 tỉ đồng. Vì vậy, CĐ ngành sẵn sàng tạo thuận lợi cho CEP tiếp cận NLĐ.

"Tuy nhiên, mức vay tối đa 50 triệu đồng chưa thực sự giúp NLĐ vượt qua khó khăn, nhất là khi họ cần vay cho con đi học ngoại ngữ hay sửa chữa nhà ở. Tôi mong CEP sẽ nghiên cứu điều chỉnh tăng mức cho vay tối đa cho NLĐ, dĩ nhiên CEP có thể có những điều kiện ràng buộc về mức lương, thời gian công tác... để bảo toàn vốn" - bà Gái bày tỏ.

TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Nghiên cứu, điều chỉnh quy trình vay vốn

Đồng hành với đoàn viên, NLĐ nghèo là mục tiêu, sứ mệnh của CEP và cũng là mục tiêu của LĐLĐ TP khi quyết định thành lập quỹ CEP. Thời gian qua, với đội ngũ nhân viên tín dụng nhiệt huyết, giỏi nghề, CEP đã kiên trì thực hiện mục tiêu ấy, không ngừng nâng cao uy tín và đã góp phần đắc lực trong việc hạn chế tình trạng vay nặng lãi trong CNLĐ. Hoạt động CEP là chương trình phúc lợi dành cho đoàn viên tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên đến nay chỉ có đoàn viên tại hơn 2.400 CĐ cơ sở tiếp cận được nguồn vốn của CEP là quá khiêm tốn. Do vậy, các cấp CĐ TP cần cộng đồng trách nhiệm, tăng cường hỗ trợ vốn và đồng thời tạo mọi điều kiện để CEP tiếp cận và hỗ trợ NLĐ.

Về phía CEP, khi chuyển đổi, CEP phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước đồng thời phải kiên trì mục tiêu của mình, tăng cường thêm các sản phẩm, dịch vụ phục vụ CN, như tiết kiệm học tập và mở rộng mạng lưới cho vay, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ CN ở trọ. Trong điều kiện cho phép, CEP cần nghiên cứu điều chỉnh quy trình vay vốn nhằm đưa vốn đến tay NLĐ nhanh hơn.

THANH NGA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cep-den-gan-cong-nhan-hon-20201012202613536.htm