Cha con đồng lòng đến tuyến đầu chống dịch

Dù dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh, diễn biến khó lường nhưng khi quê hương, đất nước cần, họ nguyện xung phong đến tuyến đầu chống dịch. Trong đó, có những người tuổi đã cao, sức khỏe giảm nhưng vẫn cùng con lên đường.

Hy sinh vì nghề nghiệp cũng xứng đáng

Trong số các bác sĩ tham gia phòng, chống dịch tại Bình Dương, có nhiều người đã về hưu nhưng khi quê hương cần họ lại lên đường phục vụ. Có những trường hợp trong gia đình cả cha, mẹ và con phục vụ tuyến đầu.

“Khi quê hương cần, không ai có thể ngồi nhìn, nhất là những người hoạt động trong ngành y tế. Cả tôi và con đều đang phục vụ bệnh nhân COVID-19. Bản thân tôi cũng từng nghĩ, nếu không may phải hy sinh cho nghề nghiệp thì cũng xứng đáng, không có gì hối tiếc”, bác sĩ Nguyễn Văn Hoa (quê Bình Dương) nói.

Được biết, bác sĩ Hoa từng công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo (Bình Dương). Sau hơn 30 năm hoạt động, bác sĩ Hoa nghỉ hưu theo quy định. Giữa tháng 7, khi địa phương đang thiếu nhân lực y tế, bác sĩ Hoa xung phong lên đường chống dịch dù sức khỏe không còn như trước.

Bác sĩ Hoa đang chăm sóc cho bệnh nhân

Bác sĩ Hoa đang chăm sóc cho bệnh nhân

“Ban đầu tôi xung phong vào tuyến đầu trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, các đồng nghiệp biết tôi tuổi cao, có bệnh nền nên không yên tâm để tôi vào khu điều trị COVID-19, họ giao công việc nhẹ hơn là đi tiêm ngừa COVID-19, khám sàng lọc. Hôm nào không đi thì trực chiến tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo để khám và điều trị các bệnh thông thường để bác sĩ trẻ có thời gian đến làm việc ở khu điều trị COVID-19”, bác sĩ Hoa chia sẻ.

Qua bác sĩ Hoa, chúng tôi được biết, ngoài bác còn có con gái ruột là bác sĩ Nguyễn Trần Thiên Phúc (25 tuổi), công tác tại Khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cũng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh.

Theo tháp điều trị 5 tầng bệnh COVID-19 của TP.Hồ Chí Minh, bác sĩ Phúc đang làm việc tại tầng 4, thuộc tầng dành cho bệnh nhân nặng. “Bé Phúc không được về nhà, do công việc rất áp lực. Đến nói chuyện qua điện thoại cha con cũng không có thời gian. Nhiều lúc còn không biết con có ổn không nữa. Có lần Phúc nói, giờ con lo cho bệnh nhân COVID-19 còn hơn lo cho ba mẹ. Hai cha con hiểu cái nghề đã chọn nên chấp nhận và sẵn sàng hy sinh vì bệnh nhân”, bác sĩ Hoa tâm sự.

“Ai cũng sợ thì ai chống dịch”

Một trường hợp khác mà chúng tôi ghi nhận được, đó là gia đình bác sĩ Nguyễn Thế Hiền (ngụ TX.Bến Cát, Bình Dương) cả hai vợ chồng xung phong chống dịch trong hoàn cảnh không hề dễ dàng. Khi dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, cả 2 vợ chồng gửi con nhỏ cho người thân chăm sóc để lao vào cuộc chiến chống dịch. Công việc hàng ngày của hai vợ chồng bác sĩ Hiền là đến các phường lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin và hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

“Trước đây, vợ chồng công tác ở trung tâm y tế nhưng sau đó ra ngoài làm. Khi dịch bệnh phức tạp, nhân lực thiếu, cả hai gửi con cho ông, bà chăm để lên đường phục vụ tuyến đầu”, bác sĩ Hiền nói.

Cha con tình nguyện viên Phan Thanh Bảo Nguyệt tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch

Cha con tình nguyện viên Phan Thanh Bảo Nguyệt tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch

Trong số những người tình nguyện phục vụ tuyến đầu, rất nhiều trường hợp chưa từng biết về y khoa nhưng với quyết tâm góp sức chống dịch, họ vẫn hang hái lên đường. Như trường hợp tình nguyện viên ông Phan Thanh Hùng (46 tuổi, quê Bình Dương). Không chỉ xung phong tham gia tuyến đầu, ông Hùng còn động viên con gái mình Phan Thanh Bảo Nguyệt (SN 2001) đến phục vụ tại khu phong tỏa, cách ly ở phường Thuận Giao, TP.Thuận An.

“Mày đăng ký cho ba tham gia chống dịch với". Khi nghe ba nói vậy tôi cứ nghĩ ba đang đùa, nhưng là thật. Đến nay ba đã cùng các tình nguyện viên tham gia mấy đợt lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng. Những ngày qua, cả hai cha con sánh bước cùng nhau trên tuyến đầu chống dịch”, tình nguyện viên Phan Thanh Bảo Nguyệt chia sẻ.

Bình Dương đang triển khai xét nghiệm toàn dân nên đã tập huấn cho các tình nguyện viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm thay nhân viên y tế

Bình Dương đang triển khai xét nghiệm toàn dân nên đã tập huấn cho các tình nguyện viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm thay nhân viên y tế

Nguyệt cho biết thêm bản thân đang là sinh viên một trường đại học ở TP.HCM. Sau khi nghỉ hè, cô trở về nhà ở Bình Dương cũng là lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đăng ký tham gia phục vụ phòng, chống dịch tại địa phương.

“Phục vụ tuyến đầu phòng, chống dịch vất vả, có phần nguy hiểm nhưng nếu ai cũng sợ khó, sợ khổ thì ai làm. Hơn nữa, tham gia hoạt động vừa giúp đỡ được người dân, quê hương vừa học hỏi được nhiều điều để bản thân trưởng thành hơn”, Nguyệt nói.

Hương Chi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cha-con-dong-long-den-tuyen-dau-chong-dich-post1369460.tpo