Cha mẹ nghèo nhưng cố nuông chiều con: Phương pháp giáo dục sai lầm
Đôi khi, những việc làm mà người lớn cho rằng tốt cho trẻ thực chất lại có tác dụng ngược.
Chăm sóc và nuôi dạy con là một hành trình đầy khó khăn, thử thách đối với bất kì bậc phụ huynh nào. Mỗi đứa trẻ lại sở hữu tính cách riêng biệt, vì thế để tìm ra phương pháp dạy con đúng, cha mẹ cần thời gian để quan sát và đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình. Muốn con cái trở nên ưu tú, trước hết cha mẹ phải là người dẫn đường.
Ở nhiều gia đình hiện nay không có sự phân chia công việc một cách cụ thể, rõ ràng. Nhiều người lớn vẫn quan niệm rằng "con cái bé tí thì biết cái gì" nên làm hết mọi công việc trong nhà. Tôi đã không ít lần chứng kiến trong khi người mẹ nai lưng ra cơm nước, dọn dẹp, rửa bát... thì chồng và các con nằm xem tivi, chơi điện tử. Thậm chí những công việc rất đỗi bình thường như giặt giũ, xếp chăn gối... cũng một tay mẹ làm tất.
Những bậc phụ huynh này cho rằng cứ làm giúp cho đến khi nào con tự biết làm thì thôi, hoặc nhìn con làm "ngứa mắt" quá nên tự làm cho xong. Kiểu chăm bẵm này xuất hiện phổ biến ở các gia đình Việt, tương lai sau này trẻ trở nên ỷ lại, thụ động, không có bố mẹ thì cũng không thể tự làm được việc vì. Người ta thường gọi là "Cha mẹ tưởng dốc hết lòng nuôi nấng thì con sẽ ngoan nhưng thực ra lại là hại con".
Cha mẹ nghèo nhưng cố chạy theo con
Giáo dục con cái đòi hỏi sự kiên nhẫn, quan tâm cũng như phương pháp kỷ luật đúng đắn của bố mẹ. Không thể phủ nhận kinh tế đóng vai trò rất lớn trong việc nuôi dạy con, nhưng không phải là tất cả. Nhiều bố mẹ sợ con thiệt thòi, sợ trẻ không được như bạn bè cùng trang lứa nên lúc nào cũng gồng mình chạy theo con, như thế là đang làm hại chính mình và bé.
Chính vì sự nuông chiều một cách mù quáng mà trẻ không hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, chỉ biết đòi hỏi và buộc bố mẹ phải đáp ứng yêu cầu của bản thân. Lớn lên, con sẽ không xây dựng được lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, mà ngược lại lúc nào cũng chờ đợi, ỷ lại vào người khác.
Bố mẹ nên dạy con sống đúng với hoàn cảnh của mình, không đòi hỏi một cách vô lý thông qua các bài học giáo dục, về việc nếu muốn điều gì thì con phải đánh đổi và cố gắng bằng chính khả năng của bản thân. Bởi nếu cứ chiều chuộng mãi thì tới một lúc nào đó bố mẹ sẽ kiệt sức, không còn khả năng đáp ứng và con cái cũng không biết cách tự nuôi bản thân mình.
Chắc hẳn bạn từng nghe những câu chuyện như người mẹ nghèo rơi nước mắt vì còn đòi mua điện thoại xịn hay cha mẹ nai lưng làm để trả tiền nợ cho con... Cha mẹ yêu con vô điều kiện nhưng cần đúng cách, đừng biến trẻ thành người mất đi tương lai vì phương pháp giáo dục sai lầm.
Cha mẹ chiều con bất chấp
Nhiều gia đình có điều kiện thường cố gắng cho con cuộc sống chu toàn, đây là điều dĩ nhiên. Nhưng đi kèm với đó là phương pháp giáo dục đúng đắn chứ không phải "muốn gì được nấy". Những đứa trẻ sống trong nhung lụa từ nhỏ nhưng không được bồi đắp nhân cách thì sau này nếu gặp phải biến cố sẽ khó mà tự đứng lên được.
Đây không phải là thương con mà là làm hại bé. Nhiều cha mẹ nhầm lẫn giữa thương yêu và chiều chuộng. Cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu sau để tránh làm hư con.
- Ghét bị từ chối: Nhiều cha mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con, kể cả những đòi hỏi vô lý nhất. Đứa trẻ được cha mẹ "chiều chuộng quá mức" sẽ hình thành thói quen xấu. Các bé sẽ tự mặc định không ai có thể từ chối yêu cầu chúng đặt ra.
- Tỏ thái độ khi nhận được món quà không như ý: Nhận quà là một kỹ năng cần thiết, tất cả cha mẹ cần dạy con điều này từ sớm. Thông thường, trẻ thường tỏ ra vui mừng và biết thể hiện sự cảm kích khi được tặng quà, kể cả những món quà không quá giá trị. Trái lại, nếu trẻ tỏ thái độ không vui, khó chịu khi nhận được món quà không như mong muốn, rất có thể đó là dấu hiệu của việc bị nuông chiều quá mức.
- Không biết nói cảm ơn: Tương tự với việc tỏ thái độ khi nhận quà, những đứa trẻ được nuông chiều quá mức thường không biết nói cảm ơn người khác, ngay cả khi được nhắc nhở. Nếu trẻ biết nói cảm ơn, đó là dấu hiệu cho thấy các em biết quý trọng những điều nhận được từ người khác. Trái lại, những đứa trẻ không biết cảm ơn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng.
- Thường xuyên tức giận: Tức giận là một trạng thái cảm xúc phổ biến và thông thường của con người. Tuy nhiên, nổi giận thường xuyên và hay la hét lại là dấu hiệu của việc được cha mẹ nuông chiều quá mức. Khi không vui hoặc gặp phải chuyện trái với yêu cầu đặt ra, những đứa trẻ này có xu hướng la hét, tức giận, thậm chí đập phá đồ đạc. Lý giải cho hành động này, những đứa trẻ đó sẽ cho rằng nếu tức giận, cha mẹ sẽ ngay lập tức đáp ứng yêu cầu để xoa dịu "cơn thịnh nộ" của chúng.
- Không biết giúp đỡ người khác: Đây là sai lầm nhiều gia đình hiện nay đang gặp phải. Họ quan niệm con trẻ chỉ cần chăm chỉ học tập, không cần làm việc, giúp đỡ người khác. Chính quan niệm "yêu thương con" lệch lạc này khiến nhiều đứa trẻ trở nên thờ ơ với người khác và không bao giờ biết giúp đỡ, ngay cả những việc đơn giản nhất.
- Đòi hỏi quá mức: Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức hiếm khi biết trân trọng những điều chúng đang có. Thay vào đó, chúng chỉ biết đòi hỏi nhiều hơn và không quan tâm đến hoàn cảnh, suy nghĩ của cha mẹ.
- Không thích thỏa hiệp: Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức đã quá quen với việc được người lớn "xuống nước" xoa dịu. Điều này khiến khả năng điều tiết cảm xúc của trẻ bị suy giảm nghiêm trọng.