Chậm bảo đảm quyền lợi của học viên Học viện Múa Việt Nam: Thiếu phối hợp giữa các đơn vị liên quan
Sau thời gian dài quyết liệt gửi đơn thư, đấu tranh mạnh mẽ của phụ huynh học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam, ngày 1-12, các học viên đã được thông báo lịch học bổ sung những môn văn hóa còn thiếu để đủ điều kiện dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Việc chậm xử lý vụ việc trong hơn hai năm qua cho thấy sự thiếu phối hợp giữa các đơn vị liên quan. Đây là điều cần nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Mong mỏi được thi... tốt nghiệp trung học phổ thông
Do đặc thù nghề múa, các học viên theo học hệ trung cấp, cao đẳng Học viện Múa Việt Nam (đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, địa chỉ tại quận Cầu Giấy) từ rất sớm, khi đang học lớp 6, 7. Đáng bàn là, đến nay, dù nhiều em đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, thậm chí đang học năm thứ 3 đại học chuyên ngành Múa, Đại học Sân khấu điện ảnh..., nhưng chưa được thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc này sẽ là rào cản với những học sinh muốn chuyển sang ngành học khác vì các em phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông mới được chấp nhận.
Trước nỗi lo này, từ năm 2021, đồng loạt phụ huynh học sinh Học viện Múa đã gửi đơn “kêu cứu” cơ quan chức năng. Qua xem xét, ngày 8-4-2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 76/TB-VPCP về việc cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho các học viên Học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cũng trong ngày 8-4-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Văn bản số 1381/BGDĐT-GDTX, với nội dung, đối với học sinh đã học cấp trung học phổ thông, nếu có nguyện vọng thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy phối hợp với Học viện Múa Việt Nam rà soát, xây dựng kế hoạch dạy bổ sung kiến thức còn thiếu để các em đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông...
Sau chỉ đạo này, các bên liên quan đã rà soát số tiết học còn thiếu, số học sinh có nguyện vọng học và có văn bản trao đi, đổi lại. Nhưng sau hơn hai năm, mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”, khiến quyền lợi của học viên bị ảnh hưởng, còn phụ huynh như “ngồi trên đống lửa”.
“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2023-2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình các con đang học (từ năm học 2024-2025 trở đi, học sinh sẽ thi theo chương trình sách giáo khoa mới)... Nếu không được bố trí học kịp thời, các con sẽ lỡ cơ hội tốt nghiệp trong kỳ thi tới” - bà Phạm Thị Thanh Thủy (phụ huynh học sinh lớp K4, Kịch Múa) bất bình.
Sau hơn hai năm không được giải quyết, gần đây, các phụ huynh tiếp tục gửi đơn thư và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị có giải pháp bảo đảm quyền lợi cho học viên. Hiện tại, qua rà soát, 104 em có nguyện vọng học bổ sung môn học còn thiếu để dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong thời gian tới.
Chiều 30-11, cuộc họp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy đã thống nhất Học viện Múa sẽ tổ chức dạy các môn học cần bổ sung. Tuy nhiên, việc này vẫn phải chờ Sở Giáo dục và Đào tạo trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trên tinh thần tổ chức nhanh nhất việc học bổ sung, chiều 1-12, Học viện Múa đã có thông báo nhập học cho học viên, song vấp phải sự phản đối của phụ huynh. “Đây là thông báo bất hợp lý bởi ngày 2 và 3-12 là thứ bảy và chủ nhật, các cơ quan chức năng không làm việc nên hồ sơ của học sinh không được xác nhận. Trong khi đó, thời gian nhập học lại được thông báo chỉ thực hiện trong sáng 4-12. Chưa kể, thời khóa biểu học vào giờ hành chính nên sẽ xung đột với lịch học và lịch đi làm của học viên”, ông Đào Anh Tuấn, phụ huynh học sinh lớp Nữ kịch múa K1/5 phân tích.
Tiếp thu ý kiến của phụ huynh, ngay trong ngày 2-12, Học viện đã điều chỉnh, bổ sung một số thông tin về gia hạn thời gian nhập học; đồng thời điều chỉnh thời gian học để phù hợp và thuận lợi nhất cho học viên.
Như vậy, việc bảo đảm quyền lợi cho học viên đã gần đi đến hồi kết. Song, sự việc này rất cần được nhìn nhận nghiêm túc về trách nhiệm của các bên. Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam Trần Văn Hải đánh giá, Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo tích cực, chủ động xử lý vụ việc. Tuy nhiên, vì công tác phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên chưa chặt chẽ nên dẫn đến chậm trễ. Bên cạnh đó, Học viện chưa kịp thời tổ chức đối thoại, giải thích rõ tình hình, nguyên nhân và thông báo giải pháp xử lý với phụ huynh...
Cũng về vấn đề trách nhiệm, tại Văn bản số 6587/BGDĐT-GDTX ngày 27-11-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị... Nhằm có đánh giá khách quan, phóng viên Báo Hànôịmới đã đặt lịch làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từ ngày 23-11, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.
Báo Hànôịmới sẽ tiếp tục thông tin sau khi có kết quả giải quyết vụ việc.