Chậm chuyển đổi xanh, ngành dệt may 'tụt hậu'
Trong khi ngành dệt may Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, một số quốc gia đối thủ như Bangladesh, Trung Quốc… vẫn 'sống khỏe' nhờ đáp ứng được tiêu chuẩn xanh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,5 tỷ USD, giảm mạnh đến 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn thông tin từ phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), lượng đơn hàng của doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm tới 30 – 60% so với cùng kỳ. Khó khăn chồng chất, nhiều doanh nghiệp dệt may giảm lãi, báo lỗ, thậm chí là phải đóng cửa.
Một phần nguyên nhân được chỉ ra là tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, sức mua suy giảm trên toàn cầu, có thể thấy được qua sự sụt giảm của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử…
Tuy nhiên, nghịch lý xảy ra khi cùng trong bối cảnh khó khăn chung, ngành dệt may Việt Nam gặp lao đao nhưng doanh nghiệp dệt may một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Thái Lan… vẫn duy trì được đơn hàng ổn định.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là ngành dệt may các quốc gia nói trên đã kiện toàn chuỗi cung ứng, đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững của nhiều thị trường phát triển.
Lấy đơn cử như Bangladesh, một quốc gia từng luôn “đi sau” Việt Nam trên thị trường dệt may, tuy nhiên, đến nay, theo lời ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đang làm hàng “không kịp nghỉ” trong khi Việt Nam thiếu đơn hàng.
Hiện tại, Bangladesh đang dẫn đầu sự chuyển đổi xanh ngành may mặc toàn cầu, với việc sở hữu 9 trong số 10 nhà máy dệt may xanh nhất thế giới, thông qua những cải tiến nhằm tận dụng năng lượng tái tạo, cắt giảm khí thải, trồng cây xanh, rau màu trong khuôn viên nhà máy…
Không còn hình hài những công xưởng chật hẹp, ẩm thấp, điều kiện làm việc tồi tàn và mức lương bèo bọt bị quốc tế “lên án” suốt nhiều năm, tại hầu hết các nhà máy sản xuất dệt may Bangladesh, công nhân được cung cấp bữa ăn miễn phí, mức lương tương xứng với công sức lao động.
Một nhà xuất khẩu dệt may lớn là Thái Lan mới đây đã nhận được gói đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất vải sợi bền vững đến từ tập đoàn dệt may khổng lồ đến từ châu Âu Lenzing. Lý do lựa chọn Thái Lan được Lenzing tiết lộ trên Bangkok Post là do “ấn tượng với cam kết phát triển bền vững”, thông qua mô hình kinh tế xanh tuần hoàn sinh học (bio – circular - green economy). Cùng với đó, Thái Lan đã hình thành được những khu công nghiệp tập trung công nghệ cao ngành dệt may, điều vẫn dường như là không tưởng đối với Việt Nam, khi các doanh nghiệp dệt may vẫn không được chào đón ở nhiều khu công nghiệp vì định kiến là ngành công nghiệp gây ô nhiễm.
Tại Trung Quốc, ông trùm dẫn đầu về xuất khẩu dệt may toàn cầu, dự án mang tên Tái sinh (Reborn) đang được khởi xướng, nhằm triển khai công cụ xây dựng và chứng nhận tiêu chuẩn xanh riêng cho ngành dệt may của quốc gia này.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc cũng là quốc gia tiên phong ứng dụng một loạt công nghệ mới nhằm giảm phát thải ngành dệt may, tiêu biểu như công nghệ nhuộm khô giúp giảm 95% nước và 40% năng lượng sử dụng trong quá trình nhuộm.
Tại Việt Nam, một số bước chuyển đổi xanh trong ngành dệt may cũng đang được tiến hành, có thể điểm qua một số dự án như dự án sản xuất vải sợi tái chế xuất khẩu sang EU của Hanoisimex và Hansae; dự án vận hành nhà máy may bằng một phần năng lượng tái tạo tại An Giang của công ty Đan Mạch Spectre; dự án giảm nước thải trong khâu nhuộm vải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam…
Tuy nhiên, theo ông Tùng, mới chỉ có một số doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, có thể tự đầu tư thay đổi công nghệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh. Một số doanh nghiệp khác với tiềm lực yếu hơn, đang nỗ lực thực hiện tiêu chuẩn xanh để giữ chân khách hàng nhưng tốc độ chuyển đổi còn chậm.
Thực tế, không phải đơn giản để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tự thực hiện những bước chuyển đổi xanh, do đầu tư vào đổi mới dây chuyền rất tốn kém khi hầu hết các nhà máy may mặc ở Việt Nam đều đang vận hành lò hơi bằng than đá. Mặt khác, nguyên liệu phục vụ ngành hàng thời trang cao cấp chủ yếu phải nhập từ nước ngoài, vừa đội giá thành, vừa khó khăn trong truy xuất nguồn gốc.
Đầu tư vào chuyển đổi xanh là một cuộc chơi dài hạn. Tuy nhiên, đối với ngành dệt may, vấn đề này ngày càng trở nên gấp rút khi các đối thủ đang dần “bỏ Việt Nam lại phía sau”. Do đó, đại diện cho doanh nghiệp ngành dệt may, ông Tùng kỳ vọng sẽ nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ, đồng hành từ phía Nhà nước.
Bình luận về bối cảnh tài chính, tiền tệ hiện nay, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, đề xuất, cần phải thành lập một ngân hàng chuyên biệt để cấp vốn xanh, giống như việc Bangladesh thành lập quỹ tái cấp vốn xanh trị giá 200 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh.
Chuyên gia tài chính ngân hàng lý giải, đầu tư vào phát triển bền vững có rủi ro rất cao, cần phải nhận được sự đồng hành cũng như sự ưu đãi từ ngân hàng và Nhà nước. Một ngân hàng chuyên biệt để cung cấp vốn xanh cũng là điều cần thiết để tiếp nhận những nguồn vốn hỗ trợ phát triển bền vững từ quốc tế.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cham-chuyen-doi-xanh-nganh-det-may-tut-hau-1683968926391.htm