Chấm điểm tín dụng, Open API, P2P Lending được đưa vào thử nghiệm có kiểm soát
Đây là những lĩnh vực cốt lõi phản ánh xu hướng phát triển mạnh mẽ của fintech và được kỳ vọng sẽ mở đường cho nhiều mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo ra đời trong môi trường pháp lý an toàn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh với ba nhóm giải pháp Fintech được ưu tiên đưa vào thử nghiệm, đây là “sandbox đầu tiên của Việt Nam”. Ảnh: SBV
Chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua Open API và cho vay ngang hàng (P2P Lending) là ba giải pháp đầu tiên được lựa chọn tham gia Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là những lĩnh vực cốt lõi phản ánh xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) và được kỳ vọng sẽ mở đường cho nhiều mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo ra đời trong môi trường pháp lý an toàn, kiểm soát rủi ro và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) hỗ trợ, ủy thác qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 1/7 đã tổ chức Tọa đàm “Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP” nhằm phổ biến nội dung Nghị định, nâng cao nhận thức pháp lý và trang bị kiến thức chuyên môn cho các bên liên quan, bảo đảm quá trình thử nghiệm diễn ra an toàn, hiệu quả.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh với ba nhóm giải pháp Fintech được ưu tiên đưa vào thử nghiệm, đây là “sandbox đầu tiên của Việt Nam”, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng hành lang pháp lý cụ thể cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành tài chính, cho phép các tổ chức tín dụng, công ty Fintech và các bên liên quan triển khai mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tế nhưng trong phạm vi giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.
Đồng thời, ông Phạm Tiến Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật thêm các mô hình kinh doanh mới phù hợp với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu thị trường.
Hiện nay có gần 87% người trưởng thành tại Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng. Đây là nền tảng thuận lợi để mở rộng tiếp cận tài chính và triển khai các mô hình Fintech. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số, với hạ tầng thanh toán được nâng cấp mạnh mẽ, hệ thống điện tử liên ngân hàng xử lý trung bình 820.000 tỷ đồng/ngày và gần 26 triệu giao dịch điện tử được xử lý mỗi ngày.
Cũng theo Phó Thống đốc, Fintech và ngân hàng đồng hành cùng phát triển, hai bên hỗ trợ nhau. Ông kỳ vọng với sandbox này, các doanh nghiệp công nghệ tài chính sẽ tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính – ngân hàng, đặc biệt là trong việc hỗ trợ tài chính toàn diện, cung cấp dịch vụ chất lượng cao với chi phí hợp lý cho người dân, kể cả nhóm yếu thế.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: SBV
Đánh giá việc triển khai cơ chế thử nghiệm, ông Ron H.Slangen, Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ nhờ các công nghệ như điện toán đám mây, AI, Blockchain... Việc triển khai sandbox sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện và thân thiện với khí hậu, đồng thời cung cấp môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ tài chính.
Cùng quan điểm, ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, đánh giá Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát không chỉ khuyến khích đổi mới từ các tổ chức cung ứng dịch vụ hiện tại, mà còn giảm rào cản cho các công ty khởi nghiệp.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các thông lệ quốc tế tốt nhất, thúc đẩy đổi mới, tận dụng chuyên môn của Thụy Sĩ và đầu tư vào các quan hệ đối tác mang lại tác động lâu dài. Mục tiêu chung của chúng tôi là giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống tài chính có khả năng phục hồi, sáng tạo và dễ tiếp cận với tất cả mọi người. Điều này giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Thomas Gass khẳng định.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị các đơn vị chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước cần sớm cụ thể hóa nội dung Nghị định 94/2025/NĐ-CP, làm rõ điều kiện, quy trình và các tiêu chí đánh giá để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tham gia thử nghiệm. Đồng thời, ông kêu gọi các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước nhằm đẩy nhanh quá trình xét duyệt hồ sơ, tạo môi trường thuận lợi để Fintech phát triển lành mạnh và bền vững.
Trong các ngày 2 và 3/7 tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức các tọa đàm phổ biến Nghị định 94/2025/NĐ-CP tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nhằm truyền tải nội dung chính sách đến rộng rãi các đối tượng áp dụng trên toàn quốc, từ đó tạo nền tảng vững chắc để triển khai Cơ chế thử nghiệm thành công và đồng bộ.