Nông sản Sơn La hướng tới sản xuất theo đơn đặt hàng

Hướng tới sản xuất theo đơn đặt hàng, phù hợp với yêu cầu của nhà nhập khẩu,... đây là nhiệm vụ được đặt ra cho tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2026-2030.

Thông tin được ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” do Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Văn phòng SPS Việt Nam; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” tổ chức chiều 1/7, tại Sơn La.

Tỷ lệ chứng nhận chất lượng sản phẩm vẫn chưa cao bằng các vùng khác

Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu gồm: cà phê hơn 90 triệu USD; chè 22 triệu USD; tinh bột sắn hơn 36 triệu USD; nhãn, xoài khoảng 30 triệu USD; tinh dầu quế khoảng 22 triệu USD.

Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa.

Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, cho biết, tổng diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm toàn tỉnh ước đạt gần 119.898 ha. Tổng sản lượng quả sản xuất tại Sơn La được tiêu thụ qua 3 kênh gồm: trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Còn theo ông Lò Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh hiện ước đạt 4.045 ha với các cây trồng chính như: Xoài 698 ha, dứa 584 ha, mít 448 ha, bưởi 73 ha, lê 222 ha. Về cây công nghiệp lâu năm, Điện Biên có khoảng 4.784 ha cà phê (sản lượng dự kiến hơn 4.800 tấn nhân), gần 630 ha chè, hơn 5.000 ha cao su và hơn 12.300 ha mắc ca. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng thừa nhận địa phương vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch, logistics yếu và sự liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Với tỉnh Lai Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bùi Huy Phương cho biết, nhờ địa hình đặc trưng, khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng, Lai Châu là vùng đất lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài dược liệu đặc hữu.

Toàn tỉnh hiện có trên 23.000 ha trồng dược liệu các loại. Sản lượng dược liệu khai thác hàng năm ước đạt 3.000 tấn, minh chứng cho tiềm năng phát triển dược liệu to lớn của tỉnh. Đặc biệt, sâm Lai Châu - một loài cây bản địa, đặc hữu, phân bố hẹp trên địa bàn tỉnh, được người dân bản địa sử dụng làm thuốc từ rất lâu với tên gọi tam thất đen, tam thất đỏ đang dần khẳng định vị thế là dược liệu quý, có giá trị y học và kinh tế cao.

“Sâm Lai Châu không chỉ là một sản phẩm dược liệu quý mà còn là biểu tượng cho khát vọng phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người dân Lai Châu. Tỉnh Lai Châu kêu gọi và mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư từ các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để cùng đưa sâm Lai Châu phát triển đúng với tiềm năng vốn có, mang lại lợi ích chung và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành dược liệu Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông Lê Quốc Doanh, một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống.

Theo ông Lê Quốc Doanh, một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống.

Ghi nhận sự nỗ lực và chủ động trong việc chuyển đổi sản xuất, tận dụng các cơ hội và lợi thế của vùng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao của các địa phương Tây Bắc, ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, các sản phẩm như cà phê, chè, cây ăn quả đặc sản đã được phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Diện tích trồng cà phê ở Tây Bắc tăng 54% và sản lượng tăng 265% trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, ông Doanh lưu ý, tỷ lệ chứng nhận chất lượng sản phẩm vẫn chưa cao bằng các vùng khác. Một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới như cây ăn quả, cây dược liệu đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống. Do đó, các tỉnh Tây Bắc cần có thông tin khoa học, phổ biến kiến thức để nông dân tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật mới.

“Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Cần có sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương để tháo gỡ các khó khăn”, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết.

Đẩy mạnh công nghệ chế biến, nâng giá trị cho nông sản

Liên quan đến sản xuất, thương mại và công nghệ chế biến, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho hay, trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp Sơn La vẫn còn manh mún, chưa đẩy mạnh cơ giới hóa. Đáng chú ý, công nghệ bảo quản sau thu hoạch của các tỉnh Tây Bắc và Sơn La còn thiếu và yếu. Chưa có một tổ hợp công nghệ lớn để bảo quản sản phẩm. “Chúng tôi đưa sản phẩm nhãn Sơn La sang Hà Lan, khi sang đến nơi, chất lượng sản phẩm đã giảm 32%. Trong khi nhãn Thái Lan đưa sang Hà Lan bảo quản được tối đa 45 ngày”, ông Công nói.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu.

Trong định hướng sắp tới, ông Công cho rằng, tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường. Trong đó, công nghệ sau thu hoạch sẽ quyết định chất lượng và giá trị thương phẩm, là khâu cần được tập trung đầu tư.

Cùng với đẩy mạnh chế biến, theo ông Công, kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc là hết sức quan trọng. Nếu không làm được việc này, nông sản rất khó phát triển. Hướng tới sản xuất theo đơn đặt hàng, phù hợp với yêu cầu của nhà nhập khẩu là nhiệm vụ được đặt ra cho tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2026 - 2030.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Sơn La đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, bền vững, nơi cây trồng không chỉ là sinh kế, mà còn là sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường.Với những nền tảng đã xây dựng, địa phương đang mở ra một chương mới trong phát triển nông nghiệp miền núi phía Bắc, gắn công nghệ, thị trường và đời sống người dân trong một chiến lược hài hòa và dài hạn.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-san-son-la-huong-toi-san-xuat-theo-don-dat-hang-408738.html