Chấm dứt nỗi kinh hoàng từ quá khứ
Ngày 2/12 hàng năm được Liên hợp quốc (LHQ) chọn là Ngày Quốc tế xóa bỏ chế độ nô lệ như một lời nhắc nhở rõ ràng rằng cuộc chiến chống lại nạn bóc lột, tước đoạt quyền con người vẫn chưa kết thúc.
“Nô lệ” - chỉ riêng từ này đã gợi lên một chương đen tối trong lịch sử loài người, nhưng bất chấp những nỗ lực toàn cầu, nỗi kinh hoàng mang tên "nô lệ" vẫn tồn tại dưới những dạng thức khác trong thế kỷ 21.
Ngày 2/12 hằng năm được Liên hợp quốc (LHQ) chọn là Ngày Quốc tế xóa bỏ chế độ nô lệ như một lời nhắc nhở rõ ràng rằng cuộc chiến chống lại nạn bóc lột, tước đoạt quyền con người vẫn chưa kết thúc.
Năm nay, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã kêu gọi hành động toàn cầu để chống lại chế độ nô lệ hiện đại, nêu bật hoàn cảnh khốn khổ của khoảng 50 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức, nạn buôn người, bóc lột tình dục và hôn nhân cưỡng bức. Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ chế độ nô lệ, ông tuyên bố rằng những "hành vi lạm dụng vô lý" này không có chỗ trong thế kỷ 21 và là sự xúc phạm đến các quyền cơ bản của con người. Ông nhấn mạnh tác động tiêu cực của chế độ nô lệ hiện đại đối với sự phát triển, công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Có thể nói, trong chế độ nô lệ hiện đại, những xiềng xích quá khứ đã được phá bỏ, nhưng bản chất thâm độc và tàn bạo thì vẫn giữ nguyên, và biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ buôn người đến lao động cưỡng bức. Những kẻ phạm tội thường lợi dụng những người dễ bị tổn thương do đói nghèo, phân biệt đối xử và xung đột, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, để hưởng lợi từ nỗi đau khổ vô bờ bến của họ.
Chuyên gia Kevin Bales, đồng sáng lập của tổ chức Free the Slaves, đánh giá: "Nô lệ không phải là nỗi kinh hoàng được chôn vùi trong quá khứ. Nô lệ vẫn tiếp tục tồn tại trên khắp thế giới, ngay cả ở các nước phát triển, nơi nhiều người tin rằng nó đã bị xóa bỏ từ lâu.” Sự chuyển đổi này thách thức nhận thức của chúng ta và đòi hỏi một cách tiếp cận bao trùm hơn trong cuộc chiến chống chế độ nô lệ.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chế độ nô lệ hiện đại tạo ra lợi nhuận bất hợp pháp lên tới 150 tỷ USD mỗi năm. Đằng sau những con số này là vô số câu chuyện chưa kể về nỗi đau khổ và khả năng phục hồi. Từ trẻ em lao động trên các cánh đồng ca cao đến những người giúp việc gia đình bị người thuê bạo hành. Chế độ nô lệ hiện đại đã tác động đến mọi ngóc ngách trên thế giới, đan xen với các vấn đề về đói nghèo, phân biệt đối xử và bất bình đẳng kinh tế. Xung đột, bất ổn chính trị, nghèo đói, thiếu cơ hội giáo dục, biến đổi khí hậu… đều có thể là lý do khiến nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người và bị biến thành "nô lệ thời hiện đại".
Một ví dụ điển hình về mối họa nô lệ hiện đại là từ châu Phi, nơi nhiều nước đang trải qua bất ổn chính trị-xã hội. Ước tính có khoảng 7 triệu người châu Phi đang sống dưới nhiều hình thức nô lệ hiện đại. Trong hành trình tìm kiếm một cuộc sống mới, nhiều người trong số họ đã rơi vào tay bọn buôn người. Ngày càng có nhiều người từ Nigeria, Mali, Niger hoặc Senegal quyết định thực hiện những hành trình di cư đầy rẫy nguy hiểm với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu hoặc nơi khác. Nhưng nhiều người đã rơi vào tay những kẻ buôn người ngay cả trước khi đến được sa mạc Sahara hoặc bờ biển Địa Trung Hải, nơi họ hy vọng có thể vượt biển tới châu Âu.
Hơn 200 năm kể từ ngày Đế quốc Anh bãi bỏ chế độ nô lệ, chế độ tàn khốc từng khiến hàng chục triệu người châu Phi bị cưỡng ép làm nô lệ, một số lớn chết trên đường sang châu Mỹ, những con số đáng buồn từ châu Phi thế kỷ 21cho thấy cần nhiều hơn nữa những hành động, nâng cao nhận thức và thay đổi. Ngày Quốc tế xóa bỏ chế độ nô lệ 2/12 là một lời nhắc nhở đanh thép về cuộc đấu tranh đang diễn ra để xóa bỏ chế độ nô lệ trong thế giới hiện đại, với những hành động thiết thực. Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng kêu gọi các chính phủ tăng cường thực thi pháp luật, bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ, giải phóng và hỗ trợ nạn nhân, đưa thủ phạm ra trước công lý. Các doanh nghiệp được kêu gọi đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không dính dáng tới lao động cưỡng bức, bóc lột và thúc đẩy các hoạt động lao động công bằng. Thông điệp của LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Hiệp ước vì tương lai vừa được thông qua tại khóa họp 79 Đại hội đồng LHQ, trong đó kêu gọi xóa bỏ lao động cưỡng bức, chế độ nô lệ hiện đại và lao động trẻ em.
Có thể thấy, kiến thức là sức mạnh và trong bối cảnh chế độ nô lệ hiện đại vẫn là nổi kinh hoàng hiện hữu, các sáng kiến giáo dục đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa và nâng cao nhận thức để có thể tạo nên sự khác biệt. Như cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã từng nói: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới". Bằng cách tích hợp các bài học về nhân quyền và chế độ nô lệ hiện đại vào chương trình giảng dạy trên toàn thế giới, các thế hệ tương lai sẽ được trang bị nhận thức và sự đồng cảm cần thiết để chống lại nạn bóc lột này.
Chế độ nô lệ hiện đại không có biên giới và những nỗ lực chống lại chế độ này cũng vậy. Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu này. Các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ, đặc biệt là Mục tiêu 8.7, kêu gọi xóa bỏ lao động cưỡng bức, chế độ nô lệ hiện đại và nạn buôn người, cung cấp một khuôn khổ cho hành động hợp tác. Tuy nhiên, thách thức nằm ở việc biến những mục tiêu này thành những nỗ lực cụ thể, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các quốc gia.