Chăm lo 'cái gốc của mọi công việc'
Trải qua 89 năm hình thành và phát triển, công tác Tổ chức xây dựng Đảng luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, đóng góp to lớn trong xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây cũng được coi là nhiệm vụ 'then chốt của then chốt', là tiền đề vững chắc bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, nếu “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công việc của Ban Tổ chức các cấp là “then chốt của then chốt”. Nếu “chốt” rắn chắc, cứng cáp, công việc sẽ trôi chảy, suôn sẻ...
* Nhiệm vụ “then chốt của then chốt”
Tại Đồng Nai, trước những đòi hỏi từ thực tiễn, công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh đã có những đổi mới cần thiết, giữ vững và thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Cùng với đó là thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tổ chức để nhân dân tham gia góp ý vào công tác cán bộ, nhất là ở cơ sở…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra rằng: “Xây dựng Đảng rốt cuộc là xây dựng tổ chức và xây dựng con người, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, lại phải thấy, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy”.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hằng năm tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng được xếp loại trong sạch vững mạnh đạt gần 80%, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 90% trở lên. Đặc biệt, công tác cán bộ đã có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); hệ thống cơ quan tham mưu công tác tổ chức cán bộ trong Đảng bộ tỉnh được quan tâm củng cố, kiện toàn theo hướng chuyên sâu.
Thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), thời gian qua, các cơ quan trực thuộc cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã chủ động xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và kế hoạch của Tỉnh ủy. Mặc dù đây là công tác ảnh hưởng trực tiếp tới cơ quan, đơn vị và nhiều cán bộ, đảng viên, nhưng với quyết tâm chính trị cao, giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đến nay tỉnh đã giảm 58 phòng trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; 46 phòng thuộc chi cục trực thuộc sở, 121 chức danh lãnh đạo phòng.
Bên cạnh đó, các đơn vị trong tỉnh cũng đã tập trung sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Văn Ru đánh giá, qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, khắc phục dần tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị được đồng bộ, thống nhất hơn do không còn khâu trung gian và tập trung được nguồn lực.
* Đổi mới công tác cán bộ đi đôi với kiểm soát quyền lực
Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác cán bộ được đặc biệt quan tâm, đã có nhiều nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Mới đây, Bộ chính trị đã ban hành Quy định 205-QĐ/TW 2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao vì đã “điểm” trúng vào những vấn đề nhức nhối nhất trong công tác cán bộ tồn tại nhiệm kỳ qua.
Theo Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt, cùng với triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, ngành Tổ chức xây dựng Đảng các cấp ở Đồng Nai đang triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Trong đó, tăng cường quán triệt để cán bộ, đảng viên nắm vững các nội dung của quy định về kiểm soát quyền lực và đề phòng, nhận diện những biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ. Đồng thời sẽ tham mưu Ban TVTU cụ thể hóa quy định phù hợp với tình hình của địa phương.
Trong tháng 9 của năm 2019, Ban TVTU đã thành lập đoàn giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch cán bộ và kê khai tài sản tại 2 cấp ủy cấp huyện. Dự kiến trong tháng 10 này sẽ tiến hành kiểm tra công tác cán bộ và kết quả khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ tại cấp ủy địa phương và các sở, ngành. Ngoài ra, Ban tổ chức Tỉnh ủy đã tiến hành giám sát công tác cán bộ tại 4 ban tổ chức cấp trực thuộc tỉnh. Đến nay, các cấp, ngành đã tập trung xử lý, khắc phục các trường hợp chưa thực hiện đúng về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình công tác cán bộ đã được phát hiện.
Còn theo Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Long Khánh Trần Quốc Bình, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng kế hoạch và quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện công tác cán bộ đối với 5 địa phương cấp xã. “Quá trình kiểm tra, giám sát được thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp hoặc cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn, chính trị đều thông qua Ban chấp hành xem xét, quyết định trước khi trình cấp có thẩm quyền. Cán bộ, công chức được bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử các chức danh chủ chốt đều đảm bảo được yêu cầu về trình độ chuyên môn, chính trị và tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Chính trị” - ông Bình nói.
* Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực
Có thể nói thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng nói chung, ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói riêng không ngừng đổi mới về nội dung, phương pháp nhằm bảo đảm vai trò, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác cán bộ của tỉnh trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điều này đã được đoàn kiểm tra của Trung ương chỉ ra mới đây trong buổi làm việc với Ban TVTU. Theo đó, công tác cán bộ là bài học kinh nghiệm sâu sắc, nhất là để chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Là địa phương được chọn làm điểm tổ chức đại hội Đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025, công tác cán bộ chuẩn bị nhân sự cho đại hội đang được Huyện ủy Xuân Lộc tích cực triển khai. Ông Lê Đức Quý, chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Xuân Lộc cho rằng, việc lựa chọn cán bộ có đức, có tài là rất hệ trọng và không hề dễ dàng. Để làm tốt nhiệm vụ trọng tâm này, Ban Tổ chức Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy rà soát nguồn quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhằm tập trung phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có năng lực, uy tín để chuẩn bị xây dựng phương án nhân sự nhiệm kỳ tới...
Hạn chế khoảng trống, kẽ hở trong công tác cán bộ
Theo Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt, để thực hiện tốt Quy định 205 của Bộ chính trị, ngành Tổ chức xây dựng Đảng sẽ tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Tỉnh ủy về công tác cán bộ sao cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo rà soát, sửa đổi các quy định của UBND tỉnh đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Tỉnh ủy, hạn chế tối đa những khoảng trống, kẽ hở bị lợi dụng để thực hiện ý đồ cá nhân trong công tác cán bộ.