Chăm lo 'nền tảng tinh thần' cho đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn. Bài 5: Tạo sức sống cho giá trị văn hóa truyền thống

Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Trị trong thời gian qua rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ, tiếp thêm động lực làm giàu bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS giữa đại ngàn Trường Sơn.

Thanh niên xã Tà Rụt, huyện Đakrông luyện tập sử dụng nhạc cụ và hát dân ca truyền thống của dân tộc mình -Ảnh: V.T.H

Thanh niên xã Tà Rụt, huyện Đakrông luyện tập sử dụng nhạc cụ và hát dân ca truyền thống của dân tộc mình -Ảnh: V.T.H

Còn nhiều thách thức

Những khó khăn, vướng mắc làm cản trở công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: sự xâm nhập, ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa (có cả tích cực lẫn tiêu cực) từ bên ngoài đã tác động không nhỏ tới đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.

“Một số loại hình văn hóa như: múa, hát, các nhạc cụ truyền thống ở xã đang bị mai một. Số lượng nghệ nhân, già làng, trưởng bản, những người am hiểu về bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống có xu hướng giảm dần hoặc không có đủ điều kiện về sức khỏe, tinh thần để tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa. Thanh niên trẻ bây giờ không mặn mà với dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống mà chủ yếu yêu thích nhạc trẻ... Do đó, xã đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân truyền dạy dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống. Có chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân có công nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình văn hóa, văn nghệ để thu hút người trẻ tham gia...”, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho biết.

Hiện nay, ở các địa phương vùng đồng bào DTTS cơ sở vật chất kỹ thuật, các cơ chế chính sách về lĩnh vực quản lý văn hóa chưa đáp ứng kịp thời. Thiếu đội ngũ chuyên gia xây dựng mô hình bảo tồn di sản văn hóa, lễ hội cộng đồng.

“Từ khi thành lập đến nay đã gần 30 năm, nhưng huyện chưa được đầu tư nhà thi đấu và luyện tập thể thao, đây cũng là thiết chế văn hóa cần thiết phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của đồng bào DTTS. Là địa bàn miền núi, các em thiếu nhi chưa có điểm sinh hoạt, vui chơi. Vì vậy, kính đề nghị các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng nhà luyện tập, thi đấu thể thao và nhà thiếu nhi của huyện”, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông Phan Xuân Liệu mong muốn.

Ở đa số các địa phương, công tác quảng bá hình ảnh về di sản văn hóa các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô để gắn kết với hoạt động du lịch, tham quan còn hạn chế... Chưa có chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân có công nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Hệ thống thiết chế mặc dù được quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng nhưng nhiều địa phương chưa quy hoạch được đất để xây dựng.

Bên cạnh đó, nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng thiếu cơ sở vật chất bên trong hoặc đã được trang cấp nhưng bị hư hỏng nặng. Nguồn ngân sách cấp cho hoạt động văn hóa còn ít.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ A Duân đề xuất: “Đề nghị cấp trên thường xuyên quan tâm hỗ trợ địa phương các chính sách về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống; kinh phí tổ chức các lễ hội lớn của dân tộc như: Ariêu Piing, A Za, cúng thần linh... Qua đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện công tác bảo tồn văn hóa truyền thống tốt hơn”.

Khách du lịch người nước ngoài tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô tại Phiên chợ vùng cao Hướng Hóa -Ảnh: K.S

Khách du lịch người nước ngoài tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô tại Phiên chợ vùng cao Hướng Hóa -Ảnh: K.S

Việc bảo tồn, phát triển ngôn ngữ các DTTS ở các địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, đội ngũ giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số Brũ-Vân Kiều rất ít, phần lớn do huyện hợp đồng. Các chương trình hỗ trợ cho người học còn ít.

Mặc dù người Pa Kô sinh sống trên địa bàn tỉnh khá nhiều nhưng chữ viết của người dân tộc Pa Kô (Tà Ôi) chưa có, chưa được biên soạn. Trên địa bàn tỉnh chưa có chủ trương, kế hoạch giảng dạy và học tiếng dân tộc Pa Kô (Tà Ôi) cho học sinh người DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện...

Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức bày tỏ: “Hiện nay, tôi đang nghiên cứu ghi chép, biên soạn, dịch, xây dựng thành sách tiếng Pa Kô. Tôi mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm đưa giáo dục văn hóa, văn nghệ truyền thống vào trường học rộng rãi hơn; sớm đưa tiếng Pa Kô vào chương trình giảng dạy ở các trường học vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị”.

Tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả

Trước những cơ hội và thách thức đặt ra trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều địa phương đề ra giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS.

“Huyện sẽ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, phổ biến các giá trị văn hóa của DTTS. Xây dựng các đội văn nghệ, các câu lạc bộ văn hóa truyền thống. Trưng bày, triển lãm, giới thiệu quảng bá các bản sắc văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của từng địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Gắn các hoạt động du lịch trên địa bàn với các hoạt động văn hóa mang tính bản sắc của người Vân Kiều, Pa Kô...”, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Nguyễn Tăng cho biết.

Phụ nữ Vân Kiều ở A Dơi làm men rượu từ các loại cây rừng -Ảnh: K.S

Phụ nữ Vân Kiều ở A Dơi làm men rượu từ các loại cây rừng -Ảnh: K.S

Cũng như ở Hướng Hóa, huyện Đakrông đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống và nghệ nhân đồng bào các DTTS vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu và nghệ nhân đồng bào DTTS.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các video, clip, phim ngắn; thông qua hội thi, hội diễn, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trên địa bàn huyện) nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh các loại hình, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống tiêu biểu.

Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy, bảo tồn tiếng DTTS.

Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân chia sẻ: “Chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa của địa phương (đặc biệt là công chức văn hóa, xã hội cấp xã, chủ nhiệm các câu lạc bộ văn hóa, đội trưởng các đội văn nghệ quần chúng) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đồng bào DTTS tại các địa phương. Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực thực hành, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho các nghệ nhân để họ thực hiện tốt công tác lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô, số hóa các di tích lịch sử, các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể, các loại dân ca, dân vũ, dân nhạc, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một. Để tạo nguồn nhân lực, đáp ứng thực hiện nhiệm vụ công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện mong muốn các ngành liên quan có chính sách thu hút, khuyến khích, ưu đãi đối với con em người đồng bào DTTS đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng khi xét tuyển, thi tuyển vào viên chức, công chức nhà nước”.

Để khắc phục những khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh: “Thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân đầu tư, tổ chức quản lý các di sản, hoạt động văn hóa ở địa phương. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, xây dựng đề án, đầu tư kinh phí đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hoạt động văn hóa, quản lý văn hóa và cán bộ của Đảng làm công tác tham mưu trong lĩnh vực văn hóa.

Tăng mức chi hoạt động và đầu tư cho văn hóa tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế hằng năm, chú trọng các thiết chế văn hóa cơ sở, gắn đầu tư với khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động. Đầu tư hỗ trợ sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật các DTTS; một số sản phẩm, loại hình nghệ thuật truyền thống và văn hóa phi vật thể cần bảo tồn, phát huy. Kịp thời thực hiện các chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, nghệ nhân, văn nghệ sĩ về lĩnh vực văn hóa truyền thống...

Điều quan trọng trong chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người thiểu số, trước hết cần đề cao và phát huy vai trò chủ thể của đồng bào các DTTS trong gắn kết bảo tồn, phát triển văn hóa với phát triển sinh kế bền vững và phải đảm bảo đem lại lợi ích cho chính cộng đồng. Nguồn lực văn hóa các DTTS phải trở thành nguồn lực cho phát triển và cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư tại chỗ. Đây là yếu tố thiết thực nhất, có ý nghĩa để phát triển bền vững văn hóa các DTTS hiện tại và lâu dài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp tích cực chăm lo “nền tảng tinh thần” cho đồng bào, sự đồng lòng hưởng ứng giữ gìn “hồn cốt” dân tộc của đông đảo người dân sẽ tiếp thêm sức sống cho những giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS tiếp tục phát triển trong dòng chảy của thời đại mới và nền văn hóa cả dân tộc Việt Nam, góp phần vào sự phát triển KT-XH bền vững của tỉnh.

Võ Thái Hòa - Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cham-lo-nen-tang-tu-tuong-cho-dong-bao-giua-dai-ngan-truong-son-bai-5-tao-suc-song-cho-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-187987.htm