Chậm nhất trong 3 ngày làm việc, Kho bạc Nhà nước phải thông báo lý do từ chối thanh toán vốn đầu tư
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Điểm đặc biệt của Nghị định là đã quy định cụ thể thời gian cơ quan kiểm soát thanh toán phải gửi văn bản thông báo lý do từ chối thanh toán vốn đến chủ đầu tư và mức vốn tạm ứng cũng đã giảm đáng kể so với quy định trước đây.
Chậm nhất trong 3 ngày làm việc, Kho bạc Nhà nước phải có thông báo về lý do từ chối thanh toán vốn đầu tư. Ảnh minh họa: H.T
Cụ thể, Nghị định số 99/2021/NĐ- CP (Nghị định 99) quy định về nguyên tắc kiểm soát, thanh toán của cơ quan kiểm soát, thanh toán (Kho bạc Nhà nước) như sau: Trường hợp hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư chưa đảm bảo đúng chế độ hoặc thiếu hồ sơ theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan kiểm soát, thanh toán được phép từ chối thanh toán và chậm nhất trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư, cơ quan kiểm soát, thanh toán phải có văn bản thông báo cụ thể lý do từ chối thanh toán gửi 1 lần cho chủ đầu tư để hoàn thiện, bổ sung theo quy định.
Như vậy, nguyên tắc này được quy định cụ thể hơn so với quy định trước đây về thời gian là 3 ngày làm việc. Trước đây, tại các quy định cũ không có quy định rõ về thời gian mà chỉ quy định khi phát hiện sai sót trong hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan thanh toán vốn đầu tư thông báo bằng văn bản để chủ đầu tư bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ.
Về mức vốn tạm ứng, trước đây, mức vốn tạm ứng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và Thông tư số 08/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, mức vốn tạm ứng tối thiểu tùy theo giá trị của từng loại hợp đồng (hợp đồng tư vấn, hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ…), và mức vốn tạm ứng tối đa không quá 50% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, tại Nghị định 99 này đã có điểm khác biệt cơ bản về mức vốn tạm ứng của các công việc được thực hiện thông qua hợp đồng và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng. Theo đó, mức tạm ứng đã giảm đáng kể so với quy định trước đây. Cụ thể, tổng mức vốn tạm ứng trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư đảm bảo không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng, bao gồm cả dự phòng nếu có (đối với các công việc được thực hiện thông qua hợp đồng), và không vượt quá 30% dự toán chi phí cho khối lượng công việc thực hiện được duyệt (đối với công việc thực hiện không thông qua hợp đồng).
Bên cạnh đó, Nghị định 99 cũng có bổ sung thêm một số quy định về việc thu hồi tạm ứng.
Cụ thể, đối với chi phí quản lý dự án, trước đây chỉ quy định 6 tháng và hết năm kế hoạch phải thu hồi tạm ứng. Tại Nghị định 99 đã bổ sung thêm quy định hàng quý các ban quản lý dự án, chủ đầu tư trực tiếp quản lý nhiều dự án phải phân bổ chi phí quản lý dự án (khối lượng công việc hoàn thành theo dự toán) cho từng dự án gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng.
Đồng thời, Nghị định 99 cũng bổ sung thêm quy định về thu hồi tạm ứng đối với hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị: Căn cứ vào hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, đảm bảo thu hồi hết khi khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng.
Theo đánh giá từ phía Kho bạc Nhà nước, những thay đổi của Nghị định 99 sẽ góp phần đáng kể trong công tác quản lý, thanh toán vốn đầu tư công nói chung và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhất là sự thay đổi về quy định giảm mức vốn tạm ứng của các hợp đồng, khoản chi sử dụng vốn đầu tư công.