Chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các khu công nghiệp

Kết quả nghiên cứu đề tài cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về 'Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay' cho thấy: Có tới hơn một phần hai số con của công nhân khu công nghiệp hiện chưa được chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ; hơn 30% số con công nhân phải sống cùng cha mẹ trong những phòng trọ có diện tích dưới 15m2. Ðời sống, thu nhập, việc làm của đội ngũ công nhân còn bấp bênh làm giảm chất lượng chăm sóc, giáo dục của con em họ.

Cán bộ công đoàn tặng quà con công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại khu trọ phường An Bình (thành phố Dĩ An, Bình Dương). (Ảnh: HUYỀN TRANG)

Cán bộ công đoàn tặng quà con công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại khu trọ phường An Bình (thành phố Dĩ An, Bình Dương). (Ảnh: HUYỀN TRANG)

Con gái mới học lớp 3 của chị Nguyễn Thị Liên, công nhân Công ty điện tử ASTI (Khu công nghiệp Quang Minh, Ðông Anh, Hà Nội) dù mới chín tuổi nhưng luôn phải lủi thủi một mình trong căn nhà trọ từ bé.

Chị Liên làm việc tại công ty 14 năm nhưng thu nhập hiện nay chỉ khoảng tám triệu đồng/tháng. Là mẹ đơn thân, để có tiền thuê nhà trọ, trang trải cuộc sống, chi tiêu sinh hoạt cho hai mẹ con, sau giờ làm việc, chị làm thêm nghề bỏ mối chè cho các quán, hàng.

Việc làm thêm này giúp chị có thêm tiền trang trải cuộc sống, tuy nhiên, đổi lại, là những tháng ngày mẹ chỉ nhìn thấy con khi màn đêm buông xuống. Ðứa con gái nhỏ ở nhà tự ăn cơm do mẹ chuẩn bị trước. Tất nhiên, việc học cũng tự đứa trẻ chịu trách nhiệm.

Ðó chỉ là câu chuyện điển hình cho tình cảnh của những đứa trẻ con công nhân khu công nghiệp được sinh ra và lớn lên trong rất nhiều khu nhà trọ. Con gái chị Liên còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ là được ở cùng mẹ, trong khi nhiều gia đình khác phải gửi con về quê "nhờ" ông bà trông coi giúp.

Trong bối cảnh khoảng 60% số công nhân khu công nghiệp chưa được hỗ trợ về nhà ở, các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân mới chỉ đáp ứng khoảng 39% nhu cầu, phần lớn số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp phải thuê nhà trọ để ở. Ðiều này dẫn đến nhiều trẻ em là con công nhân cũng phải chịu cảnh thiếu thốn chỗ ở, phải ở trọ cùng cha mẹ trong những phòng trọ chật hẹp.

Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 31% số con công nhân ở nhà trọ có diện tích dưới 15m2, thiếu ánh sáng, thiếu không gian vui chơi. Bên cạnh đó, với đồng lương eo hẹp, luôn phải chi tiêu dè sẻn, dù muốn con cái mình được hưởng sự chăm sóc tốt để có điều kiện phát triển toàn diện nhưng phần lớn công nhân lao động không thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có 31,3% số con công nhân có chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng. Chỉ 53,6% số trẻ được hưởng bữa ăn có đủ những thực phẩm thiết yếu như thịt, rau xanh, hoa quả, sữa, đồ ăn vặt.

Ðáng chú ý, có tới 41,9% số con công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong giáo dục kiến thức, nhận thức do bố mẹ bận đi làm không có thời gian chăm sóc, hỗ trợ học tập.

Có 31,3% số con công nhân có chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng. Chỉ 53,6% số trẻ được hưởng bữa ăn có đủ những thực phẩm thiết yếu. Có tới 41,9% số con công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong giáo dục kiến thức, nhận thức do bố mẹ bận đi làm không có thời gian chăm sóc, hỗ trợ học tập.

Thạc sĩ Lê Thị Huyền Trang, Viện Công nhân và Công đoàn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: Ngoài ra, đặc điểm nghề nghiệp lao động cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con công nhân khu công nghiệp. Công nhân ngành dệt may, da giày ít có điều kiện chăm sóc con cái hơn các nhóm ngành khác. Công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ít có điều kiện chăm sóc con hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

Việc được cùng gia đình đi tham quan, nghỉ mát, gắn kết gia đình là nhu cầu chính đáng, thường xuyên, dễ dàng thực hiện của hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, điều này dường như là ước mơ khó thành hiện thực với nhiều gia đình công nhân lao động.

Chị Danh Thị Thảo, công nhân Công ty cổ phần Sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu Bình Thạnh (phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Từ khi lập gia đình đến nay, đứa con gái đầu của chị đã là sinh viên năm hai nhưng chưa bao giờ bốn thành viên trong gia đình được một lần đi tham quan, nghỉ mát cùng nhau. Chị nói, dẫu biết con cái có nhiều thiệt thòi nhưng bất lực. Thu nhập thấp, giá cả leo thang, lúc nào cũng trong tình cảnh "thắt lưng buộc bụng" lo cho hai đứa trẻ ăn học đàng hoàng, hy vọng sau này con mình thoát cảnh công nhân đi ở trọ như bố mẹ.

Theo Luật Trẻ em, một số những quyền chính mà trẻ em xứng đáng được hưởng là quyền nhận giáo dục học tập và nhận được sự quan tâm dạy dỗ từ cha mẹ. Tuy nhiên trên thực tế, một bộ phận trẻ em là con công nhân đang không được hưởng những quyền chính đáng này do bố mẹ bận đi làm kiếm tiền. Bản thân họ không có nhiều kiến thức, kỹ năng hoặc thiếu thời gian do phải tăng ca. Do vậy, có đến 59,6% số trẻ chưa được đáp ứng về nhu cầu được vui chơi, giải trí phù hợp lứa tuổi.

Từ trực trạng nêu trên cho thấy, Chính phủ cần lãnh đạo, chỉ đạo chung và toàn diện đối với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành liên quan khi thu hút đầu tư, phê duyệt các dự án xây dựng, nhất là xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế cần phải dành một phần quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học... cho người lao động và con em họ; đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NÐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn các khu công nghiệp tại các địa phương. Ðồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị định, Nghị quyết, Chương trình, Chỉ thị... để có đánh giá về hiệu quả thực hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ðối với tổ chức Công đoàn, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tích cực tham gia đàm phán với người sử dụng lao động đưa được các nội dung liên quan đến vấn đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con công nhân vào thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thậm chí lập thành điều khoản quy định trong Hợp đồng lao động, phấn đấu đưa nội dung này vào các cuộc thương lượng và Thỏa ước lao động tập thể.

Chủ doanh nghiệp cần quan tâm hơn vấn đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là con công nhân đang làm việc tại đơn vị. Cần có những chính sách về nhà ở, nhà trẻ, trường học cho con công nhân, quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ và gia đình của họ để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã chia sẻ, ông rất xúc động khi nghe một nữ công nhân tâm sự kể từ khi con mình đến trường, cô chưa từng được đưa con đi khai giảng. Chính vì vậy, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng những đề xuất giảm giờ làm việc bình thường trong tuần, tăng thêm ba ngày nghỉ lễ trong năm vào dịp khai giảng năm học mới và Quốc khánh 2/9 là để những đứa trẻ có thêm thời gian ở bên bố mẹ, để những bà mẹ công nhân có thể hiện thực hóa ước mơ giản dị là đưa con đi đến trường trong ngày đầu của năm học mới...

THÁI DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cham-soc-giao-duc-tre-em-tai-cac-khu-cong-nghiep-post740184.html