Chăm sóc hoa, cây cảnh như thế nào sau Tết?
Sau những cái tết rực rỡ, cây cảnh thường rơi vào trường hợp bị héo tàn, thiếu sức sống. Vậy làm thế nào để chúng luôn tươi tốt và vẫn có thể chơi được đến tết năm sau?
![Làm thế nào để những hoa cây cảnh sau Tết có thể chơi được đến Tết năm sau, thậm chí còn đẹp như lúc khi mua về.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_180_51484233/e7cb197c2a32c36c9a23.jpg)
Làm thế nào để những hoa cây cảnh sau Tết có thể chơi được đến Tết năm sau, thậm chí còn đẹp như lúc khi mua về.
Vào đầu năm mới, người Việt thường trang trí ngôi nhà của mình bằng các loại hoa cây cảnh.
Có những loại hoa, cây cảnh chỉ sống được trong một mùa, nhưng cũng nhiều loại có thể chơi được đến năm sau. Mặc dù vậy, đa số cây cảnh thường không còn được đẹp như trước nữa, thậm chí là bị lụi.
Vậy, kinh nghiệm nào để những hoa cây cảnh sau Tết có thể chơi được đến Tết năm sau, thậm chí còn đẹp như lúc khi mua về.
Cắt tỉa hoa và cành lá tàn úa
Bà Nguyễn Thị Xuyến, thạc sĩ, nghiên cứu viên chính - Trung tâm tài nguyên thực vật cho rằng, sau Tết, bạn nên cắt bỏ toàn bộ hoa và cành lá đã tàn úa. Chú ý nên cắt sâu sát gốc, điều này sẽ giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Việc cắt tỉa nên được thực hiện định kỳ, đặc biệt là với các loại cây bonsai và các loại cây có tốc độ phát triển nhanh, cành lá rậm rạp. Hành động này cũng sẽ giúp không gian nhà bạn trở nên thoáng đãng hơn rất nhiều.
Kỹ sư này cho rằng, việc vệ sinh sạch sẽ và định kỳ không chỉ có lợi cho cây mà còn giúp loại bỏ mầm bệnh, hạn chế muỗi, côn trùng ẩn nấp trong các chậu cây, không khí trong lành hơn nhờ vậy sức khỏe gia đình được đảm bảo hơn.
Theo bà Xuyến, sau một thời gian, đất trong chậu thường bị cằn, mất dần dinh dưỡng, vì thế chúng ta phải sang chậu, thay đất mới, có như vậy cây mới sinh trưởng tốt được.
Trong quá trình thay đất, nên cắt bỏ bớt một số rễ đã già, cỗi, xấu xí để kích thích mọc ra rễ mới, khỏe mạnh hơn.
Lưu ý, nên chọn chậu cây phù hợp với kích cỡ và loại cây cảnh. Với hoa lan, nên chọn chậu đất nung có lỗ, còn với các loại cây cảnh thông thường khác thì nên chọn loại chậu có một lỗ thoát nước ở dưới đáy. Chọn chậu quá lớn so với cây sẽ dễ dẫn đến tình trạng úng nước hoặc phân bón bị thiếu. Loại quá bé thì lại không đủ diện tích cho bộ rễ cây phát triển, dẫn đến cây bị còi cọc hoặc thậm chí đâm thủng chậu.
Chọn đất, phân bón thế nào cho chất lượng?
Chăm sóc cây cảnh ngày tết cũng tương tự như cách chăm sóc chúng vào những ngày thường. Đối với một cây trồng chậu thì phân bón và tưới nước là 2 yếu tố quan trọng nhất. Mọi người làm vườn đều muốn cây của họ phát triển mạnh và trông đẹp nhất. Nhưng đôi khi thật khó để biết điều cần làm để giữ cho cây của bạn trông đẹp nhất.
Bà Đỗ Thị Đức, kỹ sư nông học (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho rằng, chất lượng đất đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cây cảnh. Hãy chọn loại đất giàu chất hữu cơ, vi sinh vật có lợi và có cấu trúc thoáng khí, dễ thoát nước. Đất phải phù hợp, không quá cứng và không quá nặng. Điều này giúp rễ cây phát triển mạnh mẽ và có không gian để "thở".
Theo bà Đức, đất cần chứa đựng đủ chất hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Đối với loại đất nghèo dinh dưỡng, việc thêm phân bón hữu cơ là cách tốt để cải thiện chất lượng đất.
Riêng đối với cây ưa nước, ngoài việc chọn lựa loại đất phù hợp, hãy tạo một lớp phủ đất bằng cỏ hoặc vật liệu hữu cơ như thảm xơ dừa để giữ ẩm cho đất lâu hơn. Hạn chế tưới nước vào giữa trưa khi ánh nắng mạnh nhất để tránh mất nước qua quá trình bốc hơi.
Ngoài ra, theo kỹ sư này, sử dụng phân bón là cách tốt nhất để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây cảnh. Phân bón hữu cơ là lựa chọn ưu tiên vì chúng giúp cải thiện độ phì đất và tăng sức đề kháng của cây. Chọn loại phân bón có tỷ lệ chất hữu cơ, độ ẩm, pH, Trichoderma đạm (N), lân (P), kali (K),… phù hợp với loại cây và từng giai đoạn phát triển cụ thể. Bón phân đều đặn theo liều lượng hướng dẫn để đảm bảo cây luôn có đầy đủ dưỡng chất. Nếu cây có lá lớn, phân bón lá là lựa chọn tốt để tối ưu hóa quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng qua lá.
Thay đổi vị trí cây
Các kỹ sư cho rằng, sau một thời gian, các cây ít nhiều cũng có sự thay đổi. Phải quan sát, đánh giá tình trạng hiện tại của cây, có như vậy mới có kế hoạch chăm sóc phù hợp được. Nếu cây còn khỏe mạnh, bạn hãy tiếp tục chăm sóc cây như cũ. Nếu cây gặp vấn đề nào đó (khô héo, úng thối, nấm bệnh, vàng lá,vv…), phải xử lý càng sớm càng tốt để cây nhanh chóng được phục hồi và phát triển khỏe mạnh trở lại.
Với dòng cây nội thất như Kim tiền, Lan ý, Vạn niên thanh,… bạn có thể đặt trong nhà trong thời gian dài nhưng với các cây như Trà, Mai, Đào,… chỉ nên đặt trong nhà khoảng 4-5 ngày, sau đó phải mang ra ngoài. Nếu không cây sẽ rất dễ bị chết.
Nếu có điều kiện và thời gian, mỗi buổi tối, bạn hãy đặt chậu cây ra ngoài trời, sau đó vào ban ngày, bạn đưa chậu cây đặt trở lại trong phòng.
Tất cả các loại cây đều cần có ánh sáng mặt trời, dù ít hay nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp. Càng được tiếp xúc với ánh sáng, cây cảnh càng tạo ra nhiều khí oxy, hấp thụ khí cacbonic, giúp bầu không khí xung quanh chúng ta trở nên trong lành hơn.
Chú ý nên mở cửa phòng, để không khí luôn được lưu thông, có như vậy thì cây mới sống được ở trong nhà.
Chăm sóc lan sau Tết thế nào?
Tập trung chăm sóc hơn 300 chậu lan các loại, kỹ sư Nguyễn Văn An (Hà Nội) chia sẻ, hoa lan là loài hoa khó chăm sóc, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từ người trồng. Sau khi chơi tết, nếu cây hoa lan không được chăm sóc kịp thời, xử lý đúng kỹ thuật sẽ dễ nhiễm bệnh, thậm chí bị chết.
“Do đó, ngoài đều đặn cung cấp nước đủ độ ẩm cho cây, sau tết, cần bổ sung giá thể, bón phân cung cấp dinh dưỡng, tăng đề kháng cho cây, đặc biệt là cung cấp đủ độ ẩm, đặt cây hoa dưới ánh nắng nhẹ để giúp cây hoa lan nhanh hồi phục sau thời gian tập trung nuôi hoa phục vụ tết”- kỹ sư này chia sẻ.