Chăm sóc sức khỏe người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Thực tế chứng minh, sức khỏe của người lao động có ý nghĩa quan trọng đối với tiến độ, năng suất làm việc của doanh nghiệp.

Kỳ 2: Lấp “lỗ hổng” y tế trong doanh nghiệp
(baophutho.vn) - Thực tế chứng minh, sức khỏe của người lao động có ý nghĩa quan trọng đối với tiến độ, năng suất làm việc của doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp cũng rất cần hệ thống công tác y tế vận hành trong nội bộ để đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc đạt tiêu chuẩn và triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn đó những “lỗ hổng” trong công tác y tế tại doanh nghiệp, cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, thấu đáo và đề ra những giải pháp đồng bộ, thiết thực để khắc phục.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Yakjin Việt Nam (Khu Công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì)
Y tế trong doanh nghiệp: Còn nhiều bất cập
Từ đầu năm 2021 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành hai đợt kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp (KCCN). Kết quả cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã tuân thủ Luật An toàn vệ sinh lao động cũng như “Hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều “lỗ hổng” trong đảm bảo an toàn lao động và phòng, chống dịch.

Buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và Công ty TNHH Green Word tháng 6/2021
“Vấn đề lo ngại nhất tại các doanh nghiệp này là việc bố trí cán bộ y tế không đảm bảo” - Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế nhận định.Ghi nhận của chúng tôi tại Công ty TNHH Green Word (CCN Bạch Hạc, thành phố Việt Trì) cho thấy: Công ty hiện có gần 350 công nhân với ba xưởng sản xuất. Tuy nhiên, sau hơn hai năm hoạt động đến nay, Công ty không thành lập bộ phận y tế, không có cán bộ y tế, cũng không ký hợp đồng với cán bộ y tế tại cơ sở y tế nào của địa phương; chỉ có một cán bộ làm công tác thống kê kiêm nhiệm việc cấp phát thuốc cho người lao động mà không có chuyên môn y tế. Người lao động chưa qua bất kỳ đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp nào. Thực trạng này cũng xảy ra ở nhiều công ty tại các KCCN trong toàn tỉnh.

Bác sĩ Lê Thanh Bình (người thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn nghiệp vụ y tế, phòng chống dịch cho nhân viên Công ty Jaewoo Vina

Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2021 của Chính phủ quy định thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 (Nghị định 39/2016/NĐ-CP): Từ ngày 1/7/2016, doanh nghiệp phải có người làm công tác y tế cơ sở.
Nghị định cũng quy định rõ về số người làm công tác y tế, trình độ của cán bộ y tế, cơ sở y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và lĩnh vực sản xuất và số lượng người lao động của công ty.Bên cạnh việc quy định số lượng cán bộ y tế tỉ lệ theo số lượng lao động trong doanh nghiệp theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP: Trường hợp doanh nghiệp không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập được bộ phận y tế phải ký hợp đồng với cơ sở khám chữa bệnh đủ năng lực để cung cấp đủ số lượng người làm công tác y tế; có mặt kịp thời tại cơ sở sản xuất, kinh doanh khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp trong thời hạn 30 phút đối với vùng đồng bằng, thị xã, thành phố và 60 phút đối vùng núi, vùng sâu, vùng xa.Tuy nhiên hiện nay, việc bố trí cán bộ y tế tại nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chưa đảm bảo theo tiêu chí của quy định đề ra. Đây là “lỗ hổng” lớn cần được khắc phục ngay để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Dựng thành trì chống dịch trong các doanh nghiệp

Toàn tỉnh hiện có bốn KCN, 30 CCN với trên 120.000 công nhân lao động. Trong đó, doanh nghiệp có số lượng công nhân nhiều nhất là trên 4.200 công nhân; nhiều doanh nghiệp có số lượng công nhân rất ít, chỉ từ 5 - 10 công nhân.

Lãnh đạo Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế ngày 6/6/2021Qua tìm hiểu thực tế cho thấy không nhiều doanh nghiệp tại KCCN trong tỉnh bố trí được bộ phận y tế và cán bộ y tế tại đơn vị. Đa số những doanh nghiệp có bộ phận y tế đều có quy mô sản xuất lớn, phát triển ổn định, có kinh phí đầu tư cho hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động. Theo thống kê của phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) - đơn vị có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với bộ phận y tế trong doanh nghiệp, hiện toàn tỉnh mới chỉ có năm doanh nghiệp có thông báo về thông tin cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc và quản lý sức khỏe người lao động gửi đến Sở theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP. Còn lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa “trắng” cán bộ y tế hoặc cán bộ y tế có trình độ chuyên môn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Lý giải điều này, nhiều chủ doanh nghiệp, nhất là chủ doanh nghiệp là người nước ngoài thừa nhận chưa nắm rõ các quy định của pháp luật Việt Nam. Cũng có doanh nghiệp hoạt động khó khăn, nguồn vốn hạn chế, thiếu quỹ đất nên chưa đầu tư đúng mức cho bộ phận y tế và công tác phòng, chống dịch. Thậm chí có doanh nghiệp còn xem nhẹ công tác phòng dịch, biết luật nhưng cố tình “lách luật”, chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động và nhận thức đúng về vai trò của bộ phận y tế trong doanh nghiệp.Để khắc phục “lỗ hổng”, xây dựng thành trì chống dịch vững chắc trong doanh nghiệp, thiết nghĩ các doanh nghiệp cần xác định rõ trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận cố vấn pháp luật, nhân lực y tế để tham vấn, triển khai những giải pháp phòng chống dịch theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, căn cứ vào quy mô sản xuất, quy mô lao động và nguồn lực của đơn vị để xây dựng, đầu tư bố trí bộ phận y tế hoặc ký hợp đồng với nhân viên y tế cơ sở theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.Đối với các doanh nghiệp đã thành lập bộ phận y tế, các nhân viên y tế cần nắm vững các quy định pháp luật; chủ động bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, nghiệp vụ phục vụ hiệu quả công tác chuyên môn. Đồng thời nâng cao kỹ năng phòng, chống dịch để có thể xử lý kịp thời khi xuất hiện tình huống dịch bệnh trong doanh nghiệp.“Song song với quan tâm bố trí bộ phận y tế, các doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, BCĐ Quốc gia, tỉnh Phú Thọ, chính quyền địa phương và BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 các cấp. Quan tâm bố trí nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cộng đồng” - Ông Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.Về phía chính quyền và các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về y tế, với các doanh nghiệp và người lao động để doanh nghiệp chủ động thực hiện trách nhiệm và người lao động nâng cao hiểu biết, tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo, tập huấn về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống dịch cho đội ngũ cán bộ y tế của doanh nghiệp.Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thành lập bộ phận y tế và ký hợp đồng với nhân viên y tế ở cơ sở. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất và có chế tài xử lý đối với các sai phạm về y tế tại doanh nghiệp.Tin tưởng với các biện pháp nêu trên, công tác y tế trong doanh nghiệp nói riêng, việc chăm lo và bảo vệ sức khỏe cho người lao động nói chung trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thu Hương - Thanh Hòa

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202108/cham-soc-suc-khoe-nguoi-lao-dong-trong-boi-canh-dich-benh-covid-19-178563