Chăm sóc sức khỏe sau Tết cho người nhiều bệnh nền

Thời tiết chuyển lạnh cộng với các thay đổi về sinh hoạt, chế độ ăn uống 'thả ga' trong dịp đón năm mới dễ khiến nhiều người có bệnh lý mạn tính gặp các vấn đề về sức khỏe sau Tết. Đáng lo ngại, không ít bệnh nhân 'kiêng' không tới cơ sở y tế để tránh 'giông' cả năm càng gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Người bị bệnh nền cần đến cơ sở y tế thăm khám lại sau thời gian ăn Tết.

Người bị bệnh nền cần đến cơ sở y tế thăm khám lại sau thời gian ăn Tết.

“Mâm cao cỗ đầy” ảnh hưởng ra sao đến người có bệnh lý mạn tính?

Theo quan niệm “đủ đầy” dịp Tết Nguyên đán, gia đình người Việt nào cũng cố gắng chuẩn bị nhiều món ăn như bánh chưng, dưa hành, bánh mứt kẹo, các loại thịt, cá, rượu, bia... “Mâm cao cỗ đầy” dễ trở thành nguyên nhân ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe đối với những người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường..., bởi dinh dưỡng đúng cách cũng là một trong những biện pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị và chuyển biến tích cực các vấn đề bệnh lý và ngược lại.

Bánh chưng, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhưng lại là món cung cấp năng lượng và tinh bột rất lớn. Một miếng bánh chưng nhỏ 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng lưng một bát cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 - 3 miếng bánh chưng so với ngày thường thì lượng tinh bột đã tăng lên đáng kể, điều này khiến gia tăng “gánh nặng” cho những người bị tiểu đường. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... cũng tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.

Trong mâm cỗ Tết thường hay có món chiên, rán, xào sử dụng nhiều dầu mỡ có thể làm tăng cholesterol cho cơ thể. Ngoài ra, những món xào ngày Tết cũng như các món chế biến sẵn như dưa muối, hành muối, giò, chả sử dụng nhiều loại gia vị chứa nhiều muối như muối ăn, nước mắm, bột gia vị, hạt nêm... không tốt cho người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp khi ăn nhiều. Rượu, bia cũng là loại đồ uống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhưng nếu bữa nào cũng “cạn chén” sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người mắc các bệnh tim mạch, gout, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Ăn uống trong dịp Tết thường không được điều độ, không đúng giờ, số bữa ăn trong ngày cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, cỗ Tết thường gồm nhiều món từ thịt, cá, ít món rau dẫn đến khẩu phần ăn mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người mắc bệnh gout, tăng huyết áp...

Gia tăng các bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, đái tháo đường

Theo thống kê của các bệnh viện mỗi dịp sau Tết Nguyên đán, bệnh nhân đến khám các bệnh chủ yếu như bệnh rối loạn chuyển hóa (tiểu đường, tăng mỡ máu, bệnh gout...), các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật (bệnh gan do rượu, viêm loét dạ dày, tá tràng...) và đặc biệt là các biến chứng của bệnh tim mạch (cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch não...).

Cùng với đó, Tết năm nay thời tiết thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm khiến những người có sẵn bệnh nền về hô hấp khó thích nghi dễ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Với những người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, Tết thường là khoảng thời gian "lơ là" việc uống thuốc và sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ. Thậm chí, không ít bệnh nhân bỏ hẳn chế độ điều trị, đó chính là nguyên nhân gia tăng số bệnh nhân đến khám và nhập viện sau mỗi dịp lễ Tết.

TS.BS Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: “Việc kiêng kỵ đầu năm mới không đi khám khi có bệnh là điều không nên, bởi khi bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến bệnh sẽ phức tạp không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị”. Để tránh việc “hối hận thì đã muộn” do ngại đến bệnh viện, khi đau ốm, hoặc có bất thường sức khỏe, người bệnh không được tự ý dùng thuốc tại nhà, hay kiêng đến bệnh viện khám đầu năm vì sợ xui xẻo mà nên đến ngay cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị thích hợp, kịp thời, tránh những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Người có bệnh lý mạn tính cần lưu ý luôn tuân thủ dùng thuốc đều đặn và đúng liều, đặc biệt không tự ý thay thế bằng thuốc nam, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Nếu phải di chuyển ra ngoài chúc Tết, du xuân, đừng quên mang theo thuốc để tránh gây gián đoạn hiệu quả điều trị. Đặc biệt, các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp sau Tết cần đi khám lại theo hẹn để các bác sĩ kiểm tra phát hiện các thay đổi bất thường, kịp thời điều chỉnh đơn thuốc cũng như tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập giúp giữ gìn sức khỏe và phòng tránh các biến chứng, tránh tâm lý “kiêng kỵ” đến bệnh viện dịp đầu năm.

Bảo Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cham-soc-suc-khoe-sau-tet-cho-nguoi-nhieu-benh-nen-692751.html