Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HSSV: Nhu cầu lớn nhưng đáp ứng hạn chế

Tại Việt Nam, số học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giai đoạn ôn thi, làm đồ án tốt nghiệp.

Ông Đinh Huỳnh Đức (bên trái) trong một buổi tư vấn cho sinh viên. Ảnh: NVCC

Ông Đinh Huỳnh Đức (bên trái) trong một buổi tư vấn cho sinh viên. Ảnh: NVCC

Vậy làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu, từ đó kịp thời có giải pháp hiệu quả? Nhà trường cần làm gì để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người học tốt hơn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Nhu cầu lớn

Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) thuộc xã vùng nông thôn, địa bàn rộng, giáp thị trấn; những năm gần đây là địa phương trọng điểm phát triển của khu công nghiệp Liên Hà Thái. Theo thầy Trịnh Thanh Liêm - giáo viên cốt cán môn Giáo dục công dân, kiêm tư vấn tâm lý học đường, phần lớn cha mẹ học sinh là lao động chủ lực của gia đình, thường xuyên đi làm ăn xa gửi con cho ông bà chăm sóc. Trường có hơn 40 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc bố mẹ ly dị.

Ngoài ra, với sự ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của công nghệ thông tin, có học sinh bị tác động tiêu cực, như đam mê trò chơi, bạo lực, sống ảo... Các em đứng trước nhiều lựa chọn hệ giá trị, xuất hiện mâu thuẫn nội tâm giữa các giá trị sống, thậm chí dễ mất định hướng trong việc lựa chọn. Đặc điểm lứa tuổi, áp lực từ kỳ thi vào lớp 10 cũng là nguyên nhân dẫn đến học sinh dễ nảy sinh những vấn đề tâm lý.

Trong khi đó, nhà trường chưa có phòng chuyên biệt dành cho công tác tư vấn. Đội ngũ làm tư vấn chủ yếu kiêm nhiệm, gồm nhiều thành phần: Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách, bí thư đoàn thanh niên, giáo viên bộ môn… còn thiếu kỹ năng, đôi lúc lúng túng khi thực hành tư vấn, tham vấn.

Khẳng định vai trò quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, chuyên viên tâm lý Đinh Huỳnh Đức - Phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trung tâm quản lý Ký túc xá, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong những năm gần đây, Việt Nam xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của học sinh/sinh viên.

Kết quả nghiên cứu của UNICEF năm 2022 cho thấy, có khoảng 26,1% trong tổng số 668 học sinh tuổi vị thành niên Việt Nam tham gia nghiên cứu có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe tinh thần ở mức trung bình hoặc cao. Đáng lo ngại là hành vi tự sát; có đến 46.000 trẻ em và vị thành niên thực hiện hành vi tự sát mỗi năm, theo nghiên cứu của UNICEF năm 2021. Nhà trường là mắt xích quan trọng, nơi có cả nguy cơ lẫn cơ hội để thúc đẩy và hỗ trợ sức khỏe tinh thần học sinh.

Tại Việt Nam, công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường được quan tâm, các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần bên trong nhà trường đã tác động tích cực đến đời sống học sinh, sinh viên. Nhận định điều này, tuy nhiên ông Đinh Huỳnh Đức cũng cho rằng còn nhiều hạn chế.

Đơn cử, nhân lực làm công tác tâm lý học đường thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Nhiều trường hợp giáo viên kiêm nhiệm công tác này dù chưa được đào tạo, hướng dẫn về chuyên môn. Việc tổ chức các phòng tham vấn tâm lý học đường đã được triển khai tại một số cơ sở giáo dục, nhưng chưa có sự bao phủ cũng như chất lượng thiếu đồng đều. Hoạt động hỗ trợ sức khỏe tinh thần tại các cơ sở giáo dục còn hời hợt…

Chia sẻ về nhu cầu cần chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh, ThS. Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Viết Hiền - Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn số liệu nghiên cứu của UNICEF năm 2021 với khoảng 15% - 30% thanh thiếu niên ở Việt Nam gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần. Học sinh độ tuổi từ 10 - 19 thường gặp rắc rối liên quan đến mối quan hệ bạn bè (bị bắt nạt, cô lập,...), cảm xúc (triệu chứng của lo âu, trầm cảm), hay liên quan đến hành vi. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là suy nghĩ, hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên.

Ngoài ra, ThS.NCS Nguyễn Viết Hiền cũng dẫn nghiên cứu năm 2023 của tác giả Nguyễn Minh Tú và cộng sự cho thấy, tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần của học sinh THCS tại Thừa Thiên Huế nói chung chiếm con số khá cao.

Sau quá trình thu thập và phân tích dữ liệu, kết quả cho thấy 18,2% trẻ có vấn đề sức khỏe tâm thần ở mức bất thường; 27,4% học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần ở mức ranh giới. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất với 20,6% là các bất thường liên quan đến vấn đề cảm xúc, sau đó bất thường về hành vi (15,6%), vấn đề bạn bè (15%), tăng động giảm chú ý (13,4%) và vấn đề xã hội tích cực (8,6).

Làm sao nhận biết dấu hiệu

Nhận biết sớm học sinh, sinh viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần là vô cùng quan trọng để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra. Chia sẻ về nội dung này, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đưa dấu hiệu nhận biết đầu tiên về hành vi ứng xử.

Theo đó, cá nhân trở nên dễ cáu gắt, giận dữ, mất tính kiên trì; thay đổi lịch ăn ngủ (mất ngủ và chán ăn), ăn ngủ ngược với nhịp sinh học bình thường; thu mình, né tránh xã hội; cùn mòn về cảm xúc (trở nên trơ lỳ, thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh); lạm dụng các chất kích thích (từ cafein đến đồ uống có cồn…).

Trên khía cạnh cảm xúc, dấu hiệu được PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra là tâm lý bồn chồn, chán nản, thất vọng; tự đổ lỗi; mất hứng thú về mọi hoạt động trước đây vẫn thường thích; ám ảnh lo lắng về mọi thứ; cảm thấy tê liệt, vô cảm sau một hoạt động.

Trên khía cạnh nhận thức, dấu hiệu nhận biết là hiện tượng trí nhớ ngắn hạn giảm sút, học mãi không nhớ và không thể tập trung; tư duy bị ức chế - không cân nhắc được phương án giải quyết tối ưu; suy nghĩ kiểu hoặc tất cả hoặc không có gì; dự báo/nhìn nhận thế giới tiêu cực, diễn giải tương lai theo hướng thảm họa.

Trên phương diện sức khỏe cơ thể, người có nguy cơ tổn thương có thể cảm thấy đau đầu, đau cổ vai gáy, cảm giác tim đập nhanh, khó chịu vùng bụng…

“Người có vấn đề sức khỏe tâm thần hay cho rằng sự việc trở nên mất kiểm soát, cuộc sống đang quá bế tắc không thể tiếp tục, nhận thấy bản thân mình không ổn và tất cả là do lỗi bản thân. Những người này khó có thể tập trung và dứt khỏi những suy nghĩ lo lắng đang bủa vây; cho rằng bản thân nên ở một mình và từ chối tiếp xúc với người khác; khó có thể bình tĩnh, suy nghĩ bốc đồng, tự trút giận lên bản thân bằng những hành vi tự gây hại, thậm chí có suy nghĩ tự tử”, PGS Trần Thành Nam cho hay.

 Mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường 3 tầng SPCE.

Mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường 3 tầng SPCE.

Để mọi học sinh được quan tâm

Nhấn mạnh đây là công việc dài hơi, cần sự phối hợp từ các đơn vị, nhiều vai trò khác nhau trong xã hội, ông Đinh Huỳnh Đức đề xuất một số giải pháp. Trong đó có việc trường học áp dụng các chương trình về kỹ năng xã hội, tâm lý xen kẽ chương trình đào tạo văn hóa để phát triển khả năng về sức bật tinh thần, điều tiết cảm xúc và có các hoạt động rèn luyện về thể chất, nghệ thuật. Xây dựng phần mềm ứng dụng chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường. Cần có các chương trình kết nối giữa cha mẹ, học sinh và nhà trường. Xây dựng, đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về sức khỏe tinh thần học đường. Đặc biệt, cấp thiết xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường rõ ràng, chi tiết và có hệ thống dựa trên bối cảnh về văn hóa, xã hội, lịch sử của Việt Nam.

“Sau khi nghiên cứu tài liệu, chúng tôi lựa chọn mô hình 3 tầng theo Hiệp hội Các nhà tâm lý học Trường học Hoa Kỳ (NASP) làm nền tảng để xây dựng “mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường 3 tầng SPCE”, phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã tham khảo mô hình hoạt động công tác tâm lý học đường của tác giả Huỳnh Văn Sơn và cộng sự (2023) để đề xuất “mô hình vận hành dịch vụ sức khỏe tinh thần học đường SPCE” với mục đích tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh; hỗ trợ tăng cường kết nối giữa gia đình, trường học, cộng đồng giúp học sinh có cơ hội phát triển toàn diện về cả sức khỏe thể chất, tinh thần” ông Đinh Huỳnh Đức đề xuất.

Với thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh hiện nay cũng như mức độ đáp ứng thực tế của trường học, ThS.NCS Nguyễn Viết Hiền đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất, cần tăng cường hoạt động nâng cao nhận thức cho học sinh về chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, tờ rơi,… Điều này giúp các em có thể tự nhận diện, hỗ trợ chính mình và trợ giúp các bạn đồng trang lứa.

Thứ hai, cần nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên về nhận diện, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh thông qua tuyển dụng cán bộ phụ trách là những người được đào tạo bài bản; đưa cán bộ phụ trách tham gia khóa đào tạo ngắn hạn để cập nhật kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, các cán bộ/giáo viên kiêm nhiệm, chuyên trách cần cập nhật kiến thức liên quan đến mô hình và hướng dẫn tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học một cách hiệu quả.

Thứ ba, trường học cần tuyên truyền, thông tin cho học sinh, phụ huynh về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường nhằm nâng cao khả năng và cơ hội tiếp cận khi có nhu cầu.

PGS.TS Trần Thành Nam thì nhấn mạnh nhu cầu bức thiết cần nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống tư vấn can thiệp tâm lý trực tuyến. Trong đó có hệ thống đánh giá sàng lọc các vấn đề khó khăn tâm lý và tổn thương sức khỏe tâm thần tự động trực tuyến. Cùng đó là các bài giảng/ nói chuyện/ thông tin khoa học và các khóa học trực tuyến nâng cao năng lực nhận thức về sức khỏe tâm thần, kỹ năng “vệ sinh” sức khỏe tâm thần cho sinh viên.

Trên thực tế, hầu như phòng tư vấn tâm lý trong trường học đều do giáo viên hoặc nhân viên hành chính không được đào tạo bài bản về chuyên ngành tâm lý kiêm nhiệm. Với tình trạng thiếu hụt kiến thức sức khỏe tâm thần nói chung, lứa tuổi học đường nói riêng góp phần làm mất cơ hội nhận biết, can thiệp sớm cho học sinh. Ngoài ra, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hỗ trợ, cải thiện sức khỏe tâm thần học đường.

Tuy nhiên, các vấn đề như sĩ số lớp đông, chương trình đào tạo sư phạm thiếu chú trọng vấn đề này, hay chương trình giáo dục thiếu ưu tiên đã gây nên những rào cản trong việc hình thành mối quan hệ hỗ trợ giữa cán bộ/ giáo viên và học sinh. - ThS.NCS NGUYỄN VIẾT HIỀN

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cham-soc-suc-khoe-tinh-than-cho-hssv-nhu-cau-lon-nhung-dap-ung-han-che-post691496.html