Chăm sóc trẻ khi tiêm vắc-xin

Theo Cổng thông tin của Bộ Y Tế, thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Liên Hương cho biết năm 2023, để bảo đảm nguồn vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ đã xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 để thực hiện mua vắc-xin.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính phủ đã chăm lo sức khỏe toàn dân bằng những chính sách thiết thực như vậy, người dân cần hiểu rõ tầm quan trọng của vắc-xin và nhân viên y tế nên phối hợp với truyền thông để hướng dẫn mọi người bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình (đặc biệt là với trẻ nhỏ) và toàn xã hội .

Vắc-xin là gì?

Vắc-xin là chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch được dùng với mục đích phòng bệnh, chữa bệnh. Nói đơn giản hơn, khi có một tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể thì tác nhân đó gọi là kháng nguyên (antigen), phản ứng tự nhiên của cơ thể là được hệ thống miễn dịch nhận biết kháng nguyên và sinh ra các kháng thể (antibody) tương ứng đẩy kháng nguyên đó ra khỏi cơ thể để bảo vệ cơ thể.

Ứng dụng nguyên tắc này, con người đã sản xuất ra vắc-xin bằng cách sử dụng virus hoặc vi khuẩn gây bệnh (ở dạng không gây hại cho người sử dụng) đưa vào cơ thể khiến hệ thống miễn dịch của chúng ta phát triển các kháng thể bảo vệ cơ thể.

Vắc-xin có 2 đặc tính cơ bản bao gồm Tính kháng nguyên đặc thù là khả năng kích thích cơ thể tạo thành kháng thể và Tính sinh miễn dịch là vắc-xin gây ra một đáp ứng miễn dịch tạo ra hiệu quả đề kháng cho cơ thể về sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập với đầy đủ độc tính cơ thể có đủ khả năng chống lại bệnh tật.

Vắc-xin khi đưa vào cơ thể phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn :

- An toàn: vô trùng, thuần khiết, không độc.

- Hiệu quả: gây miễn dịch ở mức độ cao và tồn tại lâu.

- Khả dụng: dễ bảo quản, dễ vận chuyển, tương đối bền, có tính ổn định và giá thành phù hợp

Lưu ý khi đi tiêm vắc-xin cho trẻ em:

+ Trước khi tiêm:

Cần mang theo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ của trẻ, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó.
Cần tránh cho trẻ ăn hoặc bú quá no nhưng cũng không nên để trẻ đói sẽ khiến trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.

Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác tiêm phòng.

Giữ ấm cơ thể trẻ trong những ngày lạnh.

Ba mẹ nên khai báo thông tin cá nhân của trẻ về tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, hóa chất, thức ăn nào. Cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ có bị suy dinh dưỡng hay đang mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm phổi, viêm phế quản,...

Nếu ở những mũi tiêm trước trẻ có dấu hiệu dị ứng, sốt… nên báo với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời trong tình huống khẩn cấp.

+ Sau khi tiêm:

Cần để trẻ ở bệnh viện theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm để đề phòng sốc phản vệ.

Về nhà theo dõi sức khỏe trong 3 tuần về thân nhiệt trẻ, biểu hiện bên ngoài da, cử chỉ, quấy khóc, bú mẹ có bình thường không, đi ngoài thế nào. Đặc biệt là với những trẻ tiêm lần đầu khi ở 2 tháng tuổi, tiêm mũi đầu tiên và tiêm vắc-xin 5 trong 1.

Cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân cho trẻ trên sổ sức khỏe điện tử thân nhiệt, theo dõi các phản ứng: Ở những trẻ cơ địa nhạy cảm, vết tiêm có thể bị sưng đỏ, nổi cục cứng, … không cần quá lo lắng, hiện tượng này sẽ tự biến mất sau 6 đến 8 tiếng. Có thể chườm mát lên vết tiêm của trẻ (không chườm nóng) để giảm đau. 24 giờ tiếp theo mới có thể chườm nóng để các vết sưng tấy mau biến mất, giúp da dễ trao đổi với môi trường bên ngoài và nhanh chóng phục hồi.

Cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng. Nếu trẻ sốt nhẹ khoảng sốt 37-38 độ C ngoài việc chườm mát, có thể dùng thuốc hạ nhiệt như Efferalgan 80mg bột pha với nước sôi nguội, thuốc hạ sốt đặt hậu môn như Dafalgan suppository.

Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt trên 39 độ C, sốt cao quá 2 ngày, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm,… cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

+ Trường hợp nào không nên tiêm phòng cho trẻ?

Mỗi loại vắc-xin chống chỉ định với từng nhóm trẻ khác nhau. Ví dụ như vắc-xin phòng lao với những trẻ sinh non, cân nặng dưới 2,5 kg phải tạm thời lùi thời điểm tiêm và trao đổi cụ thể với bác sĩ. Trẻ đang mắc bệnh cấp tính với những biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, ho, sổ mũi, tiêu chảy và những trẻ mắc bệnh liên quan đến dị ứng, miễn dịch cũng cần được tư vấn cụ thể từ chuyên gia y tế.

Liều lượng tiêm cho trẻ trong mỗi lần tiêm phòng: Hai loại vắc-xin sống như vắc-xin phòng các bệnh lao, sởi, thủy đậu,… không nên tiêm gần nhau trong khoảng thời gian 4 tuần.

Có thể tiêm chủng nhiều loại vắc-xin khác nhau trong một lần tiêm nhưng việc tiêm nhiều mũi tiêm trong một lần tiêm phòng có thể khiến trẻ bị phản ứng, dị ứng, khó theo dõi và gây tâm lý sợ hãi ảnh hưởng tới giấc ngủ và hệ thần kinh của trẻ./.

DS CKII. Lý Thị Nhất Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cham-soc-tre-khi-tiem-vac-xin-a160221.html