Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp được các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm thực hiện. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 17-5-2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện nghiêm công tác này, nhất là đổi mới việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Khen thưởng các ngành thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Ảnh: Đ.H

Khen thưởng các ngành thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Ảnh: Đ.H

Để chỉ thị đạt hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến. Qua đó, Chỉ thị số 20/CT-TTg đã được tuyên truyền với nhiều hình thức thiết thực và cụ thể như: thông qua hội nghị tổng kết thanh tra, kiểm tra; đăng trên các trang thông tin của tỉnh, của ngành. Ngoài ra, các đơn vị phối hợp với các đoàn thể, phương tiện truyền thông đưa tin tức và mở 80 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức phụ trách thanh tra, kiểm tra và doanh nghiệp đóng trên địa bàn, với trên 3.400 người tham dự. Qua công tác tuyên truyền, cán bộ, công chức và doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Hàng năm, Thanh tra tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra cho thanh tra các sở, ban ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chương trình, định hướng công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, địa phương mình và vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời, Thanh tra tỉnh chủ trì, xử lý việc chồng chéo, trùng lắp kế hoạch thanh tra giữa các thanh tra sở, giữa thanh tra sở với thanh tra cấp huyện, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đảm bảo việc thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.

Qua 2 năm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg, các đơn vị thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh đã triển khai 3.118 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thường xuyên, đột xuất, trên các lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động, kinh doanh xăng dầu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ người tiêu dùng, phòng cháy, chữa cháy, huy động vốn trong hoạt động tín dụng... Qua kết quả thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã ban hành 413 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 413 doanh nghiệp, số tiền xử phạt trên 4,5 tỉ đồng. Đồng thời, còn tiến hành thanh tra, kiểm tra các đơn vị thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và quyết định xử lý về thanh tra.

Theo đánh giá của Thanh tra tỉnh, bên cạnh những mặt đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn có một số vướng mắc như: công tác phối hợp giữa các đơn vị thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg còn gặp khó khăn do nội dung, thời gian tiến hành thanh tra, kiểm tra của các đơn vị khác nhau; việc thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành còn nhiều hạn chế do quy trình tiến hành thanh tra, kiểm tra của các ngành chưa thống nhất. Đối với một số lĩnh vực đặc thù (y tế, môi trường, phòng cháy, chữa cháy...), hàng năm cần phải thực hiện công tác kiểm tra sau khi cấp phép, nên xảy ra tình trạng các ngành khác không thanh tra, kiểm tra được do phải đảm bảo nguyên tắc mỗi doanh nghiệp chỉ tiếp một đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm. Theo Mục 01 của Chỉ thị 20/CT-TTg, “khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp”, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thì việc kiểm tra định kỳ bắt buộc đối với một số lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; an toàn vệ sinh thực phẩm; đo lường... để đảm bảo điều kiện kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là công việc thường xuyên và cần thiết. Như vậy, quy định của Chỉ thị số 20/CT-TTg không thống nhất với quy định các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, nên còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện…

Qua thời gian thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20, tỉnh cũng đã nhận thấy những khó khăn, bất cập và đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh. Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung chỉ thị này, cũng như các văn bản có liên quan với nguyên tắc đảm bảo công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, không trùng lắp nhằm cải thiện và thúc đẩy môi trường hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thiên Tường

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/chan-chinh-hoat-dong-thanh-tra-kiem-tra-doi-voi-doanh-nghiep-34696.html