Chẩn đoán 'căn bệnh' sợ trách nhiệm và khơi thông các nguồn lực phát triển
Ngày 31/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Dự thính phiên họp có 105 đại biểu là Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân của 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Làm rõ nguyên nhân cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm
Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch COVID -19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Các ý kiến đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong Báo cáo, trong đó nhấn mạnh đến hiện tượng số cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm có xu hướng lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Do vậy, cần phải xác định được nguyên nhân của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào ?
Gợi ý giải pháp khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, ngoài việc xử lý gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực thi công vụ, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu; hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật; hoặc ban hành trong thẩm quyền, bởi việc chậm ban hành văn bản chi tiết vẫn chưa khắc phục.
Đại biểu Trần Thị Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cần tập trung rà soát bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và đồng bộ hơn. Để khuyến khích tinh thần dám đương đầu với khó khăn, dám tạo đột phá, việc đánh giá cán bộ cũng cần được đổi mới, cách đánh giá cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó, vững tâm tin rằng nếu mình làm vì lợi ích chung sẽ được nhìn nhận đúng.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện triển khai trên thực tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến, đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.
Nếu thực hiện tốt công việc này, theo một số đại biểu Quốc hội sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới.
Những quyết sách thiết thực bảo đảm an sinh xã hội
Một vấn đề cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là việc đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính…
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, điều này đã gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động. Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất. Khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, người lao động có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…
Một số đại biểu băn khoăn, nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Việc đình công có xảy ra hay không? Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa?
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) nhấn mạnh, tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội.
Cần những giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh: "Cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp. Ta luôn xác định hệ thống doanh nghiệp là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển, nhưng từ các số liệu cho thấy hệ thống doanh nghiệp đang ở giai đoạn thực sự khó khăn".
Đại biểu cũng nêu lên 4 nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải, đó là: Thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu dẫn những thống kê cho thấy, doanh nghiệp đang "khát" về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn. Nếu có tiếp cận được, rất khó để giải ngân do vướng mắc về thủ tục, điều kiện vay vốn.
Nêu ý kiến về vấn đề phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, chưa tính đến khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.
"Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Đến nay, những quy định về phòng cháy, chữa cháy lại đang gây ra nhiều rào cản, khó khăn khiến các doanh nghiệp gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý phòng cháy, chữa cháy theo mức độ, nguy cơ, để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy, tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí.
Cuối phiên thảo luận chiều, 3 Bộ trưởng: Nội vụ, Y tế và Xây dựng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.