Chân dung Quyền tổng giám đốc mới của Sacombank

Sacombank vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nhung giữ chức Quyền tổng giám đốc, thay bà Nguyễn Đức Thạch Diễm. Bà Diễm sẽ tiếp tục giữ vai trò Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank.

 Ông Nguyễn Thanh Nhung được bổ nhiệm làm Quyền tổng giám đốc Sacombank. Ảnh: STB.

Ông Nguyễn Thanh Nhung được bổ nhiệm làm Quyền tổng giám đốc Sacombank. Ảnh: STB.

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (HoSE: STB) - vừa có quyết định thay đổi nhân sự cấp cao khi bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nhung giữ chức vụ Quyền tổng giám đốc, thay bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - người đã giữ vị trí điều hành cao nhất trong Ban tổng giám đốc gần 8 năm qua.

Bà Diễm sẽ tiếp tục đồng hành với Sacombank trên cương vị Phó chủ tịch thường trực HĐQT.

Động thái bổ nhiệm nhân sự mới được Sacombank khẳng định nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng được diễn ra xuyên suốt, ổn định.

Theo giới thiệu của Sacombank, Quyền tổng giám đốc Nguyễn Thanh Nhung là nhân tố mới tại Sacombank nhưng là tên tuổi uy tín và dày dạn kinh nghiệm trong giới tài chính - ngân hàng. Ông Nhung là cử nhân Kinh tế, cử nhân Luật Trường đại học Luật TP.HCM, thạc sĩ ngành Tài chính ngân hàng Đại học Kinh tế TP.HCM.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm tại các lĩnh vực trọng yếu liên quan đến ngân hàng như kế toán, pháp chế, tín dụng, kinh doanh tiền tệ, ông Nhung từng ngồi ở vị trí điều hành quan trọng như Phó tổng giám đốc Eximbank và Tổng giám đốc VietBank.

Trong khi đó, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - người vừa thôi chức Tổng giám đốc - cũng là một trong những nữ lãnh đạo hiếm hoi để lại dấu ấn rõ nét trong quá trình tái cơ cấu hậu sáp nhập tại Sacombank. Dưới sự điều hành của bà Diễm, Sacombank đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất để trở thành một trong những ngân hàng có hiệu quả hoạt động cải thiện rõ rệt của hệ thống ngân hàng.

Giai đoạn 2016-2024, Sacombank ghi nhận tổng tài sản tăng 125%, dư nợ cho vay tăng 169%, huy động vốn tăng 121%, còn lợi nhuận trước thuế tăng vọt từ 156 tỷ lên hơn 12.270 tỷ đồng, tức gấp hơn 78 lần. Các chỉ số sinh lời như ROA và ROE tăng tới 49 lần, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì ổn định trên 9%, cao hơn ngưỡng 8% mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Đáng chú ý, Sacombank cũng cho thấy sự quyết liệt trong xử lý nợ tồn đọng thuộc Đề án tái cấu trúc. Tính đến hết năm 2024, lũy kế xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng lên tới 103.988 tỷ đồng, trong đó phần nợ thuộc Đề án chiếm hơn 76.000 tỷ đồng.

Tỷ trọng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong tổng tài sản giảm mạnh từ 28,1% xuống còn 2,4%. Ngân hàng cũng đã xử lý dứt điểm hơn 21.500 tỷ đồng lãi dự thu và trích lập dự phòng đầy đủ cho toàn bộ danh mục nợ còn lại.

Nhờ đó, lợi nhuận giữ lại lũy kế sau phân phối của Sacombank đến cuối năm 2024 đạt 25.425 tỷ đồng, tức cao gấp 1,35 lần vốn điều lệ.

Bước sang năm 2025, Sacombank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Quý I/2025, ngân hàng ghi nhận 3.674 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 38% so với cùng kỳ và hoàn thành 25% kế hoạch năm. Tổng tài sản tại thời điểm 31/3 đạt hơn 757.000 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 546.327 tỷ đồng (+5%), huy động tiền gửi đạt 585.569 tỷ đồng (+3%).

Theo kế hoạch, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên 819.800 tỷ đồng trong năm 2025 (+10%), huy động vốn đạt 736.300 tỷ đồng (+9%) và dư nợ tín dụng lên 614.400 tỷ đồng (+14%). Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, đồng thời giữ vững tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/chan-dung-quyen-tong-giam-doc-moi-cua-sacombank-post1554956.html