Chân dung tân Giáo hoàng Leo XIV
Hồng y Robert Prevost, 69 tuổi đã trở thành vị Giáo hoàng thứ 267 và lấy danh hiệu là Leo XIV. Ông là người Mỹ đầu tiên đảm nhận vai trò Giáo hoàng trong lịch sử.
Chân dung tân Giáo hoàng
Ngay trước khi tên ông được xướng lên từ ban công Vương cung thánh đường St Peter, đám đông phía dưới đã đồng thanh hô vang “Viva il Papa” - Đức Giáo hoàng muôn năm.
Ông Robert Prevost, 69 tuổi, trở thành vị Giáo hoàng thứ 267 và lấy danh hiệu là Leo XIV. Ông là người Mỹ đầu tiên đảm nhận vai trò Giáo hoàng, mặc dù ông cũng được xem như một hồng y của khu vực Mỹ Latin vì đã có nhiều năm hoạt động truyền giáo tại Peru trước khi trở thành giám mục ở đó.

Tân Giáo hoàng Leo XIV. Ảnh: Reuters
Sinh ra tại Chicago năm 1955 trong một gia đình có dòng máu Tây Ban Nha và Pháp - Italy, ông Prevost từng là một cậu bé giúp lễ và được truyền chức linh mục vào năm 1982. 3 năm sau, ông chuyển đến Peru, nhưng vẫn thường xuyên trở về Mỹ để phục vụ với tư cách là linh mục và bề trên.
Ông có quốc tịch Peru và được người dân nơi đây nhớ đến một cách đầy trìu mến như một nhân vật gần gũi với các cộng đồng thiệt thòi và luôn nỗ lực xây dựng sự gắn kết. Ông đã dành 10 năm làm linh mục tại một giáo xứ địa phương và giảng dạy tại một chủng viện ở Trujillo, Tây Bắc Peru.
Trong những lời đầu tiên với tư cách là Giáo hoàng, Leo XIV đã nhắc đến người tiền nhiệm Francis với sự trìu mến: “Chúng ta vẫn còn nghe vang trong tai tiếng nói yếu ớt nhưng luôn can đảm của Đức Giáo hoàng Francis khi ngài ban phép lành cho chúng ta".
“Đoàn kết và nắm tay Thiên Chúa, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước”, Giáo hoàng Leo XIV nhắn nhủ trước đám đông reo hò. Ông cũng chia sẻ về vai trò của mình trong Dòng Augustino.
Ông Robert Prevost được các hồng y biết đến rộng rãi nhờ vai trò nổi bật của mình khi phụ trách Thánh Bộ Giám mục tại khu vực Mỹ Latin - một cơ quan quan trọng chịu trách nhiệm lựa chọn và giám sát các giám mục.
Ông được bổ nhiệm làm Tổng giám mục vào tháng 1/2023 và chỉ trong vòng vài tháng sau đó, Giáo hoàng Francis đã phong ông làm Hồng y.
Vì có tới 80% số hồng y tham gia mật nghị được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm nên việc một người như ông Prevost được bầu chọn, dù chỉ mới được bổ nhiệm gần đây, cũng không phải là điều quá bất ngờ.
Quan điểm của tân Giáo hoàng Leo XIV
Giáo hoàng Leo XIV được xem là người ủng hộ việc tiếp nối các cải cách mà Giáo hoàng Francis đã khởi xướng trong Giáo hội Công giáo. Ông Prevost có cùng quan điểm với Giáo hoàng Francis về các vấn đề nhập cư, người nghèo và môi trường.
Linh mục John Lydon đã mô tả ông Prevost với BBC là một người “hòa đồng, gần gũi, thực tế” và “rất quan tâm đến người nghèo”.
Khi chia sẻ về hoàn cảnh cá nhân trước mật nghị, ông Prevost nói với đài truyền hình Italy RAI rằng ông lớn lên trong một gia đình là những người nhập cư.
"Tôi sinh ra tại Mỹ nhưng ông bà tôi đều là người nhập cư, đến từ Pháp, Tây Ban Nha... Tôi được nuôi dưỡng trong một gia đình Công giáo rất đạo hạnh, cả cha lẫn mẹ đều tích cực tham gia vào giáo xứ".
Dù là một người Mỹ và hiểu rõ những chia rẽ trong lòng Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Prevost, với bối cảnh gắn bó sâu sắc cùng Mỹ Latin, vẫn được nhìn nhận như một sự tiếp nối sau triều đại của vị Giáo hoàng đến từ Argentina.
Vatican gọi ông là "vị Giáo hoàng thứ hai đến từ châu Mỹ", sau Đức Giáo hoàng Francis, đồng thời là "Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Augustino".
Trong thời gian phục vụ tại Peru, ông cũng không tránh khỏi việc bị đặt vào bối cảnh những vụ bê bối lạm dụng tình dục từng bao trùm Giáo hội. Tuy nhiên, giáo phận của ông đã mạnh mẽ phủ nhận mọi cáo buộc về việc ông từng bao che hay che giấu sự việc.
Trước mật nghị, Người phát ngôn Vatican Matteo Bruni cho biết các Hồng y trong những phiên họp chuẩn bị đã nhấn mạnh đến nhu cầu có một vị Giáo hoàng mang "tinh thần ngôn sứ, có khả năng dẫn dắt một Giáo hội không khép mình lại mà biết tiến bước và mang ánh sáng đến một thế giới đầy tuyệt vọng".
Về việc ông Prevost chọn cái tên Leo, các chuyên gia nhận định điều đó cho thấy cam kết của tân Giáo hoàng đối với các vấn đề xã hội năng động.
Vị Giáo hoàng đầu tiên mang danh hiệu Leo, kết thúc triều đại vào năm 461, từng gặp Attila - lãnh đạo của đế chế người Hung và thuyết phục ông không tấn công Rome. Giáo hoàng Leo gần đây nhất trị vì từ năm 1878 đến 1903 đã viết một thông điệp có ảnh hưởng sâu rộng về quyền lợi của người lao động.
Cựu Tổng Giám mục Boston, Hồng y Seán Patrick O'Malley, viết trên blog của mình rằng tân Giáo hoàng "đã chọn một danh hiệu gắn liền với di sản công bằng xã hội của Giáo hoàng Leo XIII – người lãnh đạo Giáo hội trong thời đại đầy biến động của cuộc Cách mạng Công nghiệp, sự khởi đầu của chủ nghĩa Mác và làn sóng nhập cư rộng khắp".
Phát biểu năm ngoái về biến đổi khí hậu, ông Prevost cho rằng đã đến lúc phải "chuyển từ lời nói sang hành động".
“Quyền chi phối tới tự nhiên” không nên biến thành “sự thống trị độc đoán", ông Prevost nói và kêu gọi nhân loại xây dựng một “mối quan hệ tương hỗ” với môi trường.
Ông cũng ghi nhận những nỗ lực của Vatican trong việc bảo vệ môi trường như lắp đặt pin mặt trời tại Rome và sử dụng xe điện. Ông Prevost ủng hộ quyết định của Giáo hoàng Francis về việc cho phép phụ nữ lần đầu tiên tham gia Thánh Bộ Giám mục - nơi họ có tiếng nói trong quá trình đề cử các giám mục.
Phát biểu với Vatican News năm 2023, ông nói: “Chúng ta đã nhiều lần nhận thấy rằng quan điểm của phụ nữ mang lại sự phong phú".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 2024 với Catholic News Service, ông khẳng định sự hiện diện của phụ nữ "góp phần đáng kể vào quá trình phân định trong việc tìm kiếm những ứng viên mà chúng ta hy vọng là những người tốt nhất để phục vụ Giáo hội trong công tác giám mục".
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chan-dung-tan-giao-hoang-leo-xiv-post1198160.vov