Tiết lộ về đội cận vệ Thụy Sĩ, lực lượng bảo vệ Vatican suốt 500 năm qua
Nổi tiếng là lực lượng đánh thuê tinh nhuệ, trung thành, người Thụy Sĩ đảm nhận duy trì đội quân nhỏ nhất thế giới, bảo vệ Vatican trong hơn 500 năm qua.

Đội cận vệ Thụy Sĩ bảo vệ Giáo hoàng và Vatican. Ảnh: Getty Images
Đội Cận vệ Thụy Sĩ (Swiss Guard), còn được gọi là Đội Cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng (Pontifical Swiss Guard), là một đơn vị quân đội tinh nhuệ đã bảo vệ Vatican từ đầu thế kỷ 16.
Theo Vatican, Giáo hoàng Julius II đã thành lập Đội Cận vệ Thụy Sĩ vào năm 1506 để bảo vệ Giáo hoàng và nơi ở của ông, vì quân đội Thụy Sĩ khi đó vốn nổi tiếng là lực lượng lính đánh thuê tinh nhuệ, kỷ luật và trung thành.
Nhiệm vụ của họ bao gồm tháp tùng Giáo hoàng trong các chuyến đi, bảo vệ lối vào Thành phố Vatican và bảo vệ Hồng y đoàn trong thời kỳ chuyển giao Giáo hoàng, bao gồm cả mật nghị.
Thường được gọi là quân đội nhỏ nhất thế giới, phương châm hoạt động của Đội Cận vệ Thụy Sĩ là "dũng mãnh và trung thành".
Dưới đây là 5 hé lộ về một trong những đơn vị quân đội hoạt động liên tục lâu đời nhất thế giới.
1. Yêu cầu để trở thành thành viên của Đội cận vệ Thụy Sĩ
Đội cận vệ bao gồm 135 sĩ quan và quân nhân (tăng từ con số 110 người vào năm 2015). Theo trang web chính thức của đơn vị, các ứng viên phải là người Công giáo, công dân Thụy Sĩ, nam, độc thân (có thể kết hôn nếu người cận vệ trên 25 tuổi, đã phục vụ 5 năm trong quân đội), tuổi từ 19 đến 30 và cao ít nhất 5 feet, 8 inch (khoảng 1m73). Họ phải vượt qua các bài kiểm tra y tế và tâm lý - thể chất nghiêm ngặt, có "thanh danh không tỳ vết", hoàn thành đào tạo taijtrường tuyển dụng quân đội Thụy Sĩ và cam kết phục vụ Vatican ít nhất 26 tháng.
2. Đội cận vệ Thụy Sĩ được Vatican đào tạo như thế nào?
Từ năm 2016, khóa đào tạo cơ bản cho Đội cận vệ Thụy Sĩ kéo dài hai tháng. Tháng đầu tiên bao gồm đào tạo về chữa cháy, bắn súng, tự vệ, các biện pháp cứu sinh và nhiều kỹ năng khác. Tháng thứ hai tập trung vào các bài tập nghi lễ, tìm hiểu về Vatican và tiếng Ý cơ bản.
3. Đồng phục của Đội Cận vệ Thụy Sĩ
Theo trang web của đội, "Đồng phục Gala" bằng nhung nghi lễ mang tính biểu tượng của Đội Cận vệ Thụy Sĩ có từ đầu những năm 1900, với các sọc xanh, đỏ và vàng rực rỡ, nhằm tôn vinh gia tộc Medici. Đội Cận vệ đội mũ Basque lấy cảm hứng từ các bức bích họa của Raphael, cổ áo trắng, găng tay trắng để làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng, cùng với mũ sắt đen trong các buổi lễ của Giáo hoàng. Ngoài ra, bộ áo giáp thế kỷ 17, bao gồm mũ sắt bạc có gắn lông vũ màu tượng trưng cho cấp bậc, được mặc trong những dịp đặc biệt như lễ Phục sinh, Giáng sinh và lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Giáo hoàng.
Đối với các nhiệm vụ huấn luyện và hoạt động ban đêm, họ mặc đồng phục màu xanh, sĩ quan mặc đồ đen trong các sự kiện trang trọng và tay trống mặc đồng phục màu vàng và đen với mũ sắt có gắn lông vũ.
4. Lần gần nhất đối mặt với trận chiến
Vào ngày 6/5/1527, trong Cuộc cướp phá Rome, 147 cận vệ Thụy Sĩ đã hy sinh khi bảo vệ Giáo hoàng Clement VII khỏi cuộc tấn công của 20.000 quân Đế chế La Mã - theo Bảo tàng Quốc gia Thụy Sĩ. Giáo hoàng và 42 vệ binh trốn thoát qua một lối đi bí mật nhưng cuối cùng đã bị bắt. Sau 6 tháng, Giáo hoàng Clement VII được thả, nhưng tất cả những cận vệ sống sót đều bị giết. Giáo hoàng Paul III, người kế nhiệm Clement, đã tái lập lực lượng cận vệ Thụy Sĩ vào năm 1548.
5. Đội Cận vệ Thụy Sĩ bảo vệ những gì?
Đội Cận vệ Thụy Sĩ thường tổ chức một buổi lễ cho các tân binh vào ngày 6/5 hàng năm để chào đón các thành viên mới và tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh tại Rome. Theo Vatican, lời tuyên thệ của tân binh nêu rõ: "Tôi thề sẽ phục vụ trung thành, tận tụy và danh dự Giáo hoàng tối cao và những người kế vị hợp pháp của ngài, và cống hiến hết mình cho họ, hy sinh mạng sống của mình nếu cần thiết để bảo vệ họ".
Năm nay, Vatican đã hoãn buổi lễ này vì Giáo hoàng Francis mới qua đời vào ngày 21/4/2025.