Chân dung văn nghệ sĩ qua nét vẽ tài hoa của họa sĩ Nguyễn Văn Lại
Dịch giả Thân Trọng Sơn ở Lâm Đồng kể, một nhà báo sau khi phỏng vấn ông, ngỏ ý chụp chân dung để đăng báo, ông hóm hỉnh bảo: Anh cứ gặp họa sĩ Nguyễn Văn Lại xin chụp lại bức chân dung ông ấy vẽ tôi, rồi đem đăng báo, khỏi cần chụp ảnh, vì nó còn thật hơn cả người thật.
Nói về mình, họa sĩ Nguyễn Văn Lại, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: "Tôi đến với thể tài tranh chân dung từ ngày còn rất trẻ. Trước đây, công nghệ in ấn chưa phát triển, tôi thường được cấp trên giao vẽ chân dung các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi các vị từ trần để tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ truy điệu. Từ chỗ là nghề, sau đó trở thành niềm yêu thích". Chuyện ông chọn chân dung văn nghệ sĩ để vẽ đã nói lên sự cảm mến cá nhân: "Họ thường là những người sống nhân ái, tình nghĩa. Họ khắc họa chân dung cuộc đời. Nhưng chính họ lại ít được người khác quan tâm khắc họa", họa sĩ Nguyễn Văn Lại bày tỏ.
Theo ông, vẽ chân dung trước hết phải giống, sau nữa mới nói đến thần thái, tính cách, số phận nhân vật. Do vậy, họa sĩ phải có quá trình quan sát nhân vật, qua gặp gỡ, giao tiếp, quen thân... Từ những lần tiếp xúc như vậy, nhân vật sẽ bộc lộ tính cách, thần thái, tư tưởng và họa sĩ phải tìm ra khoảnh khắc nhân vật phát lộ cá tính nhất, rồi truyền tải đúng cái tinh thần ấy, khi sáng tác tác phẩm hội họa. Thêm nữa, họa sĩ còn phải có con mắt nhìn sâu hơn ống kính máy ảnh để không sa vào tả thực, phát hiện cái lạ trong cái quen, cái mới trong cái cũ, chớp đúng và trúng thần thái của nhân vật. Ngoài ra, chất liệu màu nước cũng là một thách thức đối với họa sĩ. Bởi chỉ sai một mảng màu, hoặc một nét bút nào đó không ưng ý, bức tranh chắc chắn sẽ phải vứt bỏ. "Thế nên, họa sĩ phải lên ý tưởng, định sẵn bố cục, phân bố các mảng màu, tính toán chỗ nào cần nét và chỗ nào cần loang, độ màu đậm nhạt giữa các mảng khối... trước ở trong đầu, rồi bắt tay thực hiện tác phẩm. Quá trình vẽ, họa sĩ lại phải tập trung cao độ thì mới tránh được sai sót trong điều màu, tạo loang", họa sĩ Nguyễn Văn Lại nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: "Chủ định thì nó thế, nhưng khi vẽ, họa sĩ hầu như không còn nhớ thứ gì, chỉ tập trung vào ngôn ngữ của chính mình. Cái cần bấy giờ là sự thăng hoa, tinh anh phát tiết đúng lúc, đúng thời điểm".
Cẩn trọng trong từng họa tiết, kết hợp với những khoảng phiêu có chừng mực, họa sĩ Nguyễn Văn Lại đã kể những câu chuyện chân thực và sống động về các văn nghệ sĩ. Ông đánh động người xem bằng chính sự cảm thấu của mình với nhân vật. Nó là mối tương cảm của người chịu đào sâu tìm kiếm thế giới nội tâm nhân vật, rồi vẽ nên những chân dung văn nghệ sĩ "còn thật hơn cả người thật", khiến nhân vật được vẽ không khỏi sửng sốt trước cái tài lột tả nội tâm của họa sĩ Nguyễn Văn Lại. Thẳng thắn trong nhìn nhận, họa sĩ Lương Nguyên Minh đánh giá: "Tranh chân dung văn nghệ sĩ của họa sĩ Nguyễn Văn Lại đúng nghĩa là tranh truyền thần bằng màu nước. Họa sĩ đã lột tả chân thực cái hồn của nhân vật một cách dung dị và sống động bằng bút pháp sử dụng màu nước có nghề. Tuy nhiên, ở một đôi bức tranh, họa sĩ Nguyễn Văn Lại vẽ kỹ quá, nên chân dung bị khô, thiếu vắng kỹ thuật loang màu tạo độ rung trong bút pháp màu nước". Bản thân ông cũng biết rõ điều đó, khi nói: "Nhiều khi nhìn lại tôi thấy ở nhân vật này cần thêm một chút loang nữa sẽ ấn tượng hơn, nhân vật kia ánh mắt phải xa xăm hơn chút nữa, nhân vật nọ nên thêm màu đậm hơn thì mới ra chất... Tuy vậy, để làm được điều đó, không phải dễ. Vì có khi thêm vào bức tranh lại hỏng".