Chặn lãng phí khu vực công
Ngày 31/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, đây là nội dung được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, bởi tình trạng lãng phí đang gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.
“Lãng phí trách nhiệm”
Thảo luận về vấn đề giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí, ĐBQH Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, đằng sau những lãng phí hữu hình, còn có những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền. Một trong những lãng phí vô hình đó, theo ông Hậu là “lãng phí trách nhiệm”. “Tôi rất tâm đắc, đánh giá chung trong báo cáo của Đoàn giám sát, cũng là của dự thảo nghị quyết của Quốc hội” - đại biểu Trần Hữu Hậu phát biểu. Nhắc đến nhận định: “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển” - ông Hậu cho rằng, một trong những lãng phí vô hình ghê gớm đó, chính là “lãng phí trách nhiệm”.
Nêu ví dụ từ việc những bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ khiến một chủ trương quan trọng trong đổi mới hoạt động các bệnh viện công lập có thể không thực hiện đúng lộ trình; chuyện không thể đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong các bệnh viện công, vị đại biểu tỉnh Tây Ninh nhận định, từ góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm; thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
“Tuy nhiên, thực tế, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ không được phát huy, bị lãng phí và gây nên những lãng phí khôn lường cho xã hội, cho đất nước” - ông Hậu bình luận. Trở lại một câu chuyện chính ông đã nêu trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng cấp bách bị vướng quy định của Luật Đầu tư công, ông Hậu nói: “Lúc đó, cả hai Bộ trưởng Giao thông vận tải và Tài chính đều xác nhận trước Quốc hội, đây là một vướng mắc lớn với các địa phương và bộ ngành, cần phải sửa. Thế nhưng, quy định vẫn… y nguyên”. Từ góc nhìn của mình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ băn khoăn, tại sao trong khu vực công hiện tượng lãng phí luôn xảy ra nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư, mặc dù vẫn theo đánh giá của Đoàn giám sát trong báo cáo là các cấp, các ngành cơ bản đều ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hàng năm và tổ chức triển khai trên cơ sở quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
“Chúng ta đều triển khai rất nhiều các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng kết quả đạt được dù có đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa cao như kỳ vọng và việc lãng phí, thất thoát trong khu vực công xảy ra vẫn là vấn đề còn rất nhiều trăn trở” - ĐB Nga nói.
Nhiều công trình trọng điểm quốc gia còn lãng phí
Nhấn mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ rất quan trọng ĐBQH Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao với các hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016 - 2021 là một chuyên đề bao trùm, rộng, ở tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung giám sát vào một số nội dung cụ thể, đặc biệt là các hoạt động về đầu tư công, xây dựng cơ bản.
Theo ông Sơn, qua giám sát, trên cả nước đang có nhiều công trình, trong đó có những công trình trọng điểm quốc gia còn tình trạng lãng phí, đặc biệt trong đầu tư công, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng lãng phí, nhưng nguyên nhân chính là việc chỉ đạo, tập trung tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công chưa tốt. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực, một số luật định, quy định đang còn bất cập trong việc tổ chức thực hiện.
“Cử tri cả nước rất quan tâm chuyện sau giám sát sẽ chuyển biến thế nào trong việc tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả nước” - ông Sơn nhấn mạnh và cho biết, cử tri rất mong muốn làm sao sau giám sát tối cao của Quốc hội sẽ tạo được chuyển biến tích cực, đảm bảo các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện có hiệu quả và đi vào đời sống, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ đặt ra trong phát triển kinh tế-xã hội.
Thu chi ngân sách, đất đai vẫn còn bất cập
“Công tác lập dự toán ngân sách có năm chưa sát thực tế, thường là thấp, nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đủ vẫn còn diễn ra. Hằng năm nhiều dự án đầu tư công trên các lĩnh vực chậm tiến độ, tình trạng đấu thầu nhận thầu để được có công trình, sau đó đề nghị điều chỉnh bổ sung vốn tăng cho công trình diễn ra chưa được khắc phục. Tình trạng công trình chờ vốn, vốn chờ công trình không phải là hiếm” - ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói và cho biết, vốn không thiếu nhưng không được giải ngân là bài toán khó giải từ nhiều năm qua. Việc thất thoát vốn ở các doanh nghiệp nhà nước mặc dù có khắc phục nhưng chưa được nhiều, có doanh nghiệp thua lỗ, lãng phí, đầu tư không hiệu quả. Việc bán cổ phần, hợp nhất, giải thể còn bất cập.
ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách.
Nêu ví dụ ngay tại Lâm Đồng, ông Tạo cho biết, có hai sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm ngay giữa khu vực trung tâm hai thành phố lớn là Đà Lạt và Bảo Lộc, nhưng đã bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí như sân bay Cam Ly (TP Đà Lạt), có 53 ha bị lấn chiếm khoảng 40 ha. Sân bay phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) có 35 ha thì gần như bị lấn chiếm toàn bộ. Kể cả khách sạn liên doanh như khách sạn Babyco ngay trung tâm phường 1 Đà Lạt với diện tích 7.500 m2 là vị trí đất vàng nhưng các vi phạm, tranh chấp xử lý tài sản gắn với đất quốc phòng chậm được xử lý.
“Đáng chú ý, những việc trên đã được kiến nghị 5 năm liên tục nhưng chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý gây bức xúc trong dư luận xã hội và cử tri. Pháp luật đã quy định rất rõ ràng việc sử dụng không hiệu quả, hoặc không đưa vào sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng thì nên giao cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng, tuy nhiên vẫn chậm được xử lý” - ông Tạo nói.
Giải pháp giảm thiểu
Đề xuất giải pháp, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên chức, nhất là người đứng đầu gương mẫu trên các lĩnh vực, phát huy hiệu quả đã đạt được trong thời gian qua, kiên quyết chống lãng phí.
Bên cạnh đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch hàng năm hoặc định kỳ, nhất là những vấn đề tồn tại mà Đoàn giám sát đã nêu trong báo cáo, trọng tâm là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án chậm tiến độ, đất đai còn để hoang hóa, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu chỉ định thầu, mua sắm tài sản công, công sở sử dụng chưa đúng mục đích, cổ phần hóa... góp phần phát huy hiệu quả, khắc phục tốt nhất những lĩnh vực còn thiết sót, đôn đốc nhắc nhở, kiến nghị các cơ quan đơn vị có những biện pháp, giải pháp căn cơ để thực hiện.
“Chính phủ cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ quan đơn vị, cá nhân, người đứng đầu trên các lĩnh vực, đã được Đoàn giám sát chỉ ra, những hạn chế mà chưa khắc phục, đồng thời nêu gương, biểu dương khen thưởng những nơi thực hiện tốt” - ông Hòa nhấn mạnh.
Kết hợp phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Cần tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản bị thất thoát, bị thiệt hại; chủ động tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra, xử lý sai phạm trong các vụ án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng thanh tra một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí cao như lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và thuế.
Nên chăng, sau đợt giám sát này, nếu có đủ hồ sơ xác định rõ trách nhiệm, đối tượng vi phạm, sai phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì đoàn giám sát xem xét lập hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát cũng như mang tính giáo dục, răn đe chung.
Cần một cơ chế phối hợp tốt hơn
Quốc hội và Chính phủ nên nghiên cứu một cơ chế để làm sao sự phối hợp giữa các bộ, ngành tốt hơn và trao quyền cho địa phương. Tốt hơn là để các địa phương có thể quản lý, theo dõi các dự án của mình để thấy rằng một chương trình, một dự án thì có thể có nhiều mục tiêu nhưng ngược lại thì một mục tiêu có thể nằm ở nhiều dự án; còn nếu chúng ta cứ quản lý theo đơn lẻ, đơn tuyến như hiện nay thì gây ra lãng phí rất nhiều trong việc đầu tư công.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chan-lang-phi-khu-vuc-cong-5700820.html