Chán ngán khi vợ là tiểu thư đểnh đoảng
Lắng nghe lời tâm sự của anh từ ngày 'rước nàng về dinh', mọi người không khỏi bật cười.
Chăm con mọn khổ trăm bề. Anh trai tôi vừa vui mừng đón nhận cô con gái đầu lòng sau hơn một năm chờ đợi tiếng khóc trẻ thơ trong tổ ấm. Vui thì vui thật nhưng anh đang thấm thía vô cùng cảnh nuôi con nhỏ với lòng kiên trì và nỗ lực gấp bội phần. Riêng anh, anh phải nỗ lực gấp bội phần bởi anh phải chăm đến hai “đứa trẻ”, một em bé sơ sinh và một “bé” vô tâm, vô tư, vụng về làm mẹ.
Lắng nghe lời tâm sự của anh từ ngày “rước nàng về dinh”, mọi người không khỏi bật cười. Bởi chị lấy chồng và mang nguyên cái bản tính tiểu thư thích nhõng nhẽo, thích làm nũng và quen được cưng chiều, cung phụng về nhà chồng. Lúc đầu anh cũng cố chiều cái tính đỏng đảnh, thất thường của vợ nhưng dần dà anh bất lực, buông xuôi và chán nản vô cùng trước cô vợ khó chiều của mình.
Một mâm cơm tươm tất, chị ấy chưa bao giờ tự chuẩn bị được để anh hiểu cái cảm giác ấm êm được thưởng thức món ăn tẩm ướp bằng hương vị của tình yêu là như thế nào. Cô giúp việc được mẹ vợ anh gửi theo khi con gái cưng đi lấy chồng đã lo chu tất. Cô ấy xoay xở tất tần tật từ bữa cơm, áo quần, nhà cửa, vườn tược…
Nhiều lúc thấy cô giúp việc bận túi bụi trong khi vợ mình ngồi thảnh thơi, anh bực dọc góp ý thì nhận được cái mím môi của vợ bảo rằng tiền công do mẹ vợ trả và sẽ bảo mẹ tăng lương cho chị ấy. Anh nghẹn lời và lòng trăn trở trước bài học “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” ngày càng lớn hơn, quay quắt hơn.
Nhưng dự định “dạy vợ” của anh có thể sẽ còn dây dưa dài dài bởi chị được người mẹ ruột giàu có làm đồng minh. Cách vài ngày mẹ vợ lại sang nhà, hỏi han chị có thiếu thốn gì không lập tức sắm sửa kẻo lo con gái thiệt thòi so với thiên hạ. Hôm trước chị mè nheo về chuyện việc nhà nhiều mà cô giúp việc dẫu ba đầu sáu tay cũng không kham nổi, thế là mẹ chị cuống quýt gửi sang thêm người giúp việc bán thời gian nữa khiến anh vội vã trả về công ty môi giới việc làm.
Và mọi chuyện thật sự rối tinh lên từ lúc chị có thai, sinh con rồi chăm con. Chưa bao giờ anh thấy hối hận như bây giờ khi cô vợ mà mình yêu thương lộ ra cái bản tính lười biếng đến như thế. Con khóc, chị không biết dỗ. Con đói, chị lười cho bú mớm. Con trây bẩn tã lót, chị biếng thay khiến bé bị hăm cả mảng da lớn.
Mọi chuyện lâu nay đều một tay cô giúp việc lo toan, giờ cô ấy ốm xin nghỉ hai ngày, thế là căn phòng sạch tinh tươm biến thành bãi rác khổng lồ. Nơi nơi là khăn giấy đã dùng lăn lông lốc, tã quần của con vắt vẻo thành giường, bột sữa đổ tung tóe trên mặt bàn còn đàn kiến mon men kéo đàn kéo lũ đến bu kín…
Sau một ngày làm việc trở về nhà, anh tôi biến thành người giúp việc thu dọn bãi chiến trường trong tiếng thở dài ngao ngán. Bên tai anh vẫn văng vẳng lời “sai vặt” của vợ: lấy tã thay cho con, xúc bình sữa con vừa bú, đem áo quần bẩn của con đi ngâm…
Và sau bao nhiêu nỗ lực kiềm chế, anh tôi lần đầu tiên to tiếng với chị. Chị khóc lóc, nửa tiếng sau mẹ vợ sang nhà bênh vực chị, chê anh làm chồng mà chẳng biết phụ vợ chăm con rồi lên tiếng đưa mẹ con chị sang nhà để chăm sóc kẻo “ở đây có ngày đói chết cả hai mẹ con cũng chẳng ai hay…”.
Anh lẳng lặng thu dọn ít đồ dùng cá nhân của vợ và con rồi gửi nhờ mẹ vợ chăm sóc ít hôm chờ cô giúp việc khỏe lại sẽ tính tiếp. Chỉ một tiếng đồng hồ sau, trong căn nhà im ắng lạ thường, anh bắt đầu thấy nhớ gương mặt hồng hào cùng ánh mắt ngây thơ của con bé, lòng anh tự nhủ sáng mai sẽ sang đón hai mẹ con trở về…
Còn giờ đây, anh phải vật lộn với đống quần áo bẩn, gian bếp bừa bộn cùng căn phòng lộn xộn không thể tả. Và anh thấm thía hơn bao giờ hết nỗi khổ của mấy ông chồng chẳng may vớ phải cô vợ đểnh đoảng, nhõng nhẽo…./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/tinh-yeu-gia-dinh/chan-ngan-khi-vo-la-tieu-thu-denh-doang-1059093.vov