Chăn nuôi an toàn sinh học, nông dân Can Lộc gắng vượt qua 'bão dịch'

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là hướng đi mới của nông dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) để vượt qua cơn 'bão dịch', phát triển kinh tế gia đình. 11 tháng năm 2019, tổng đàn gia súc và gia cầm của huyện tăng 121% so với cùng kỳ năm 2018.

Đầu tư chăn nuôi gà, ngan theo hướng an toàn sinh học đã giúp gia đình anh Dũng ở thôn Mai Long, xã Xuân Lộc ổn định cuộc sống

Đầu tư chăn nuôi gà, ngan theo hướng an toàn sinh học đã giúp gia đình anh Dũng ở thôn Mai Long, xã Xuân Lộc ổn định cuộc sống

Dẫu vẫn còn ám ảnh bởi "cơn bão” dịch tả lợn châu Phi diễn ra hơn 4 tháng trước khiến đàn lợn thịt thương phẩm hơn 100 con bị chết, nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Mai Long, xã Xuân Lộc vẫn mạnh dạn tổ chức tái sản xuất để ổn định cuộc sống.

Rút kinh nghiệm từ các đợt dịch bệnh, từ sự chỉ đạo của địa phương, ngoài việc tăng cường biện pháp ngăn chặn, khống chế, trên diện tích chuồng trại hơn 150 m2, anh Dũng tập trung chuyển đổi cơ cấu, quy hoạch tổ chức lại chăn nuôi theo hướng trang trại gia cầm và áp dụng sản xuất theo hướng an toàn sinh học.

Tận dụng nguồn cám dư và đầu tư thêm 20 triệu đồng để làm sàn, lát lưới nhựa, lắp hệ thống nước uống, sử dụng đệm lót sinh học và hầm biogas để xử lý môi trường, anh Dũng đã mạnh dạn nuôi ngan, gà theo hình thức cuốn chiếu, gối vụ với mỗi lứa 2.500 con ngan và cả ngàn con gà.

Việc phát triển đàn gia cầm đang được các cấp chính quyền ở Can Lộc khuyến khích người dân mở rộng

Việc phát triển đàn gia cầm đang được các cấp chính quyền ở Can Lộc khuyến khích người dân mở rộng

“Nhờ áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật, nên đàn gia cầm phát triển tốt. Hiện nay, mỗi tháng gia đình tôi xuất ra thị trường hơn 500 con ngan thương phẩm với giá thị trường bình quân hơn 60 ngàn/kg. Riêng gà chúng tôi chỉ úm 20 ngày rồi bán gà giống. Đến nay, chúng tôi đã khắc phục được khó khăn và hàng tháng có nguồn thu nhập ổn định” - anh Dũng chia sẻ.

Ông Thái Đăng Định - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi đã làm 700 con lợn bị chết, toàn xã có 195 hộ chịu ảnh hưởng. Để giúp người dân khôi phục sản xuất, tiếp cận được các chính sách, chính quyền dịa phương đã vận động bà con chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng phát triển đàn gia cầm và áp dụng phương pháp sản xuất an toàn sinh học.

Nhờ thế, nhiều người dân chuyển hướng sản xuất theo hướng áp dụng mô hình chăn nuôi gia cầm lấy thịt, lấy trứng, nuôi cá… Đến nay, toàn xã có hơn 40 ngàn con gia cầm, giúp các hộ dân đi vào ổn định sản xuất và cho thu nhập.

Tại xã Tùng Lộc, nhiều gia đình đã chuyển sang mô hình nuôi bò nhốt. (Trong ảnh: Gia đình ông Phan Văn Núi ở thôn Tân Tùng Sơn, xã Tùng Lộc nuôi bò nhốt mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng)

Tại xã Tùng Lộc, nhiều gia đình đã chuyển sang mô hình nuôi bò nhốt. (Trong ảnh: Gia đình ông Phan Văn Núi ở thôn Tân Tùng Sơn, xã Tùng Lộc nuôi bò nhốt mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng)

Tại xã Tùng Lộc, sau dịch tả lợn châu Phi, nghề nuôi bò nhốt truyền thống được mở rộng quy mô và được người dân xem là cứu cánh để khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Đến nay Tùng Lộc có 1.100 hộ tham gia nuôi bò nhốt với tổng số 1.500 con, trong đó có 1.200 con bò lai.

Bà Đặng Thị Thu ở thôn Tân Tùng Sơn, xã Tùng Lộc cho biết: “Thời gian qua, tôi đã chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang trồng cỏ để nuôi bò nhốt, nuôi gà. Quá trình chăm sóc và mua đi, bán lại, tôi vẫn giữ số lượng tổng đàn gần chục con. Mỗi năm gia đình cũng đã có nguồn thu hơn trăm triệu đồng”.

Cùng với phát triển đàn bò nhốt, bà Đặng Thị Thu ở thôn Tân Tùng Sơn, xã Tùng Lộc nuôi thêm đàn gà để tăng thu nhập

Cùng với phát triển đàn bò nhốt, bà Đặng Thị Thu ở thôn Tân Tùng Sơn, xã Tùng Lộc nuôi thêm đàn gà để tăng thu nhập

“Nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn dù thời gian qua huyện đã tăng cường các biện pháp dập dịch và ngăn ngừa. Vì thế, để đảm bảo tăng trưởng đàn vật nuôi, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, huyện khuyến khích phát triển một số con chủ lực như tăng số lượng đàn trâu bò, gia cầm và khuyến khích người dân sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm để làm sạch môi trường và tạo chăn nuôi sinh học” - ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Can Lộc cho biết.

Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, người chăn nuôi ở Can Lộc đang mạnh dạn áp dụng phương pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học, tất cả các khâu từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc đến sản phẩm cung cấp ra thị trường đều có sự thống nhất, chất lượng đảm bảo, an toàn...

Nhờ thế, đã góp phần khống chế được dịch bệnh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đến thời điểm này, toàn huyện có hơn 70 ngàn con gia súc, 900 ngàn con gia cầm, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2018.

Anh Thư - Minh Đông

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-nong-dan-can-loc-gang-vuot-qua-bao-dich/183462.htm